Ngày 5-6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là sự
kiện môi trưòng quốc tế thường niên, quan trọng, được Việt Nam nói
chung và TP Hà Nội nói riêng liên tục hưởng ứng từ nhiều năm nay và được
coi là sự kiện truyền thông quan trọng nhằm góp phần nâng cao nhận thức
của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”, Ngày
Môi trường thế giới 2013 sẽ là một trong những hoạt động truyền thông về
môi trường cụ thể và quan trọng nhằm khuyến khích mọi người hãy chú ý
hơn đến những ảnh hưởng tới môi trường từ việc lựa chọn và tiêu thụ thực
phẩm. Hoạt động này càng có ý nghĩa khi thực phẩm bẩn, thực phẩm độc
hại, thực phẩm kém chất lượng từ bên kia biên giới đang ồ ạt tuồn vào
Việt Nam với tần suất ngày càng dày đặc, đe doạ tới sức khoẻ, giống nòi
của người Việt và huỷ hoại môi trường sống…
Quá dễ để “điểm mặt” thực phẩm bẩn nhập ngoại (thực
chất gần 100% là của Trung Quốc) đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Từ
rau, củ, quả như: Lê, táo, nho, cam, quýt, cà rốt, bí đỏ, bắp cải, cải
thảo, gừng, tỏi…đến thịt gia súc, gia cầm, nội tạng thối, trứng gà giả;
rồi thuỷ sản bẩn như lươn, cua, cá, ếch… Thứ gì cũng sẵn, giá cả phải
chăng và đặc biệt là rất “bắt mắt”. Có điều lạ là, gần như 100% mặt hàng
trên đều đã được chứng minh là độc hại do dư lượng của thuốc trừ sâu
quá lớn (đối với mặt hàng rau, quả) và tồn dư của thuốc kháng sinh (đối
với thịt gia súc, gia cầm), có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Song,
dường như người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến sức khoẻ của chính
mình và gia đình, cộng đồng để tẩy chay thực phẩm bẩn. Người kinh doanh
chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Còn cơ quan chức năng cũng chỉ kiểm tra, quản lý
theo “mùa vụ”, được chăng hay chớ?Vì thế, mặc báo chí cứ thông tin cảnh
báo, thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội, 5 tháng
đầu năm nay, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý 462 vụ về vệ sinh an toàn
thực phẩm (VSATTP), phạt hành chính hơn 1,6 tỷ đồng. Tịch thu tiêu huỷ
hàng hoá trị giá trên 4,8 tỷ đồng; trong đó có 499.551 gói bim bim;
1.914 kg nấm, củ cải khô; 1.200kg ngô hộp; 2.217 kg cá các loại…
Đặc biệt, thực hiện các văn bản của Chính phủ, Bộ Công thương, UBND TP
Hà Nội về kiểm tra, kiểm soát VSATTP, Chi cục QLTT TP đã chỉ đạo các đội
QLTT tiếp tục kiểm tra hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản
phẩm gia cầm trên địa bàn TP; ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt
để việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua
kiểm dịch, không đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối Hà Vỹ và các chợ khác trên
địa bàn TP. Kết quả, đã kiểm tra, xử lý 29 vụ, phạt hành chính 168
triệu đồng; tịch thu tiêu huỷ 6.330kg gà lông, 22.160 sản phẩm từ gia
cầm, 82.300 quả trứng gia cầm, 3.505 con gia cầm giống các loại, 1.100
con chim.
Điển hình là, ngày 22-1-2013, Đội QLTT số 11, Chi cục QLTT TP phối hợp
cùng lực lượng CATP, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ CA) tiến hành kiểm tra
xe ô tô BKS 29X-1702 do ông Hà Văn Bích ở Dĩnh Kế, Bắc Giang điều khiển,
phát hiện 2.500 gà lông còn sống và 828 nầm lợn không rõ nguồn gốc. Chủ
số hàng trên là ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng gà) đã phạt 3 triệu đồng.
Toàn bộ hàng hoá (trị giá trên 200 triệu đồng) đã bị tịch thu để tiêu
huỷ. Ngày 4-4-2013, Đội cơ động liên ngành-Đội QLTT số 7 tiến hành kiểm
tra kho lạnh số 6, 7 thuộc Công ty TNHH kho vận chuyên nghiệp ETC, tại
khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, (Hà Nội), phát hiện 5.700kg chân gà
đông lạnh, 13.890 thịt xương xay đã hết hạn sử dụng và 2.370kg cánh gà
đông lạnh vi phạm về nhãn hàng hoá. Đội đã ra quyết định tịch thu, tiêu
huỷ số hàng trên và xử phạt ông Nguyễn Hồng Văn, đại diện Công ty chăn
nuôi CP Việt Nam (là chủ số hàng trên) 103 triệu đồng.
Không chỉ tiếp tay cho thực phẩm bẩn nhập ngoại tàn phá sức khoẻ người
tiêu dùng Việt Nam, từ nhiều năm nay, một số nông dân, cơ sở kinh doanh
thiếu lương tâm trong nước cũng sử dụng hoá chất độc hại (của Trung
Quốc) để sản xuất rau, quả, thực phẩm kém chất lượng, bán tràn lan trên
thị trường. Tiếc thay, những vụ việc như thế, được diễn ra hàng ngày,
chỉ thu hút sự quan tâm, vào cuộc của cơ quan chức năng khi được báo chí
phanh phui. Ngày 27-5,lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường-CATP Hà Nội đã
có buổi làm việc với PV báo dân trí để thu thập thêm thông tin, làm rõ
vụ dùng hoá chất độc hại tạo mầu miến ở làng nghề Cự Đà, huyện Thanh
Oai, TP Hà Nội…
Tuy việc kiểm tra, kiểm soát VSATTP đã được chú trọng, song do số vụ bị
phát hiện, xử phạt còn quá ít so với thực tế; mức xử phạt còn nhẹ, chưa
đủ sức răn đe và quan trọng là chưa được xử lý tận gốc (ví dụ như tịch
thu toàn bộ số hoá chất độc hại, không rõ nguồn gốc đang được bày bán
công khai tại các chợ, các cửa hàng trên toàn quốc; xiết chặt việc vận
chuyển hàng hoá nhập lậu, thực phẩm bẩn tại các cửa khẩu…), nên thực
phẩm bẩn, thực phẩm độc hại cả nhập ngoại lẫn sản xuất trong nước vẫn
tràn lan khắp các chợ và một số siêu thị, khiến người tiêu dùng hết sức
lo ngại. Mới đây, tại buổi giao ban công tác dư luận tháng 5-2013 do Ban
Tuyên giáo và Đối ngoại, UB MTTQ TP Hà Nội tổ chức, đại diện UB MTTQ
các quận, huyện đã phản ánh sự bức xúc của nhân dân trước thực trạng
trên và yêu cầu cơ quan chức năng, nhất là QLTT, Công an, Hải quan, Thú y
và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra,
kiểm soát và xử lý nghiêm các vụ vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia
cầm, thuỷ sản nhập lậu, thực phẩm bẩn…trên thị trường, bảo vệ sức khoẻ,
quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức
năng, người tiêu dùng cũng nên dùng quyền tự bảo vệ mình, bảo vệ giống
nòi, cảnh giác trước các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại, không rõ
nguồn gốc, cương quyết tẩy chay và loại chúng ra khỏi bữa ăn của gia
đình mình. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức
năng, phát hiện các vụ việc vi phạm.
Hãy nghĩ về môi trường và sức khoẻ của mình truớc khi tiêu thụ thực
phẩm-thông điệp Ngày Môi trường thế giới năm nay càng nhắc nhở mỗi người
nội trợ chúng ta hãy trở thành ngưòi tiêu dùng thông thái từ việc lựa
chọn thực phẩm sạch, tránh lãng phí thực phẩm và lựa chọn những loại
thực phẩm ít ảnh hưỏng đến môi trường. Bảo vệ hành tinh xanh cũng chính
là bảo vệ cuộc sống của chúng ta và tương lai con cháu chúng ta./.
Minh Thuý