Sáng ngày 13/8/2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân huyện năm 2019 với chủ đề “Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung”. Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Đình Hồng - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Bùi Xuân Quang - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Viện Trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam; Đào Ngọc Triệu - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Đàm Văn Huân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Nguyễn Minh Thái - Phó Trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân TP; Lê Sỹ Cường - UVTV Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy; Hoàng Văn Tân - UVTT Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; lãnh đạo HĐND, UBND huyện; lãnh đạo các phòng, ban, ngành liên quan, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể huyện; các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, trưởng các đoàn thể các xã, thị trấn; đại diện Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, tổ Trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận các thôn, Tổ dân phố thuộc các xã, thị trấn; đại diện các hộ gia đình tiêu biểu có mô hình sản xuất tập trung trên địa bàn huyện.
Tại hội nghị, đồng chí Bùi Xuân Quang - HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo khái quát tình hình kinh tế - xã hội của huyện 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2019; báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp tập trung năm 2019, kế hoạch triển khai sản xuất nông nghiệp tập trung năm 2020; báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân trên địa bàn huyện.
Huyện Mê Linh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 8.500 ha, trong đó diện tích trồng cây hàng năm là hơn 7.800 ha, diện tích trồng cây lâu năm là gần 200 ha, diện tích đất nuôi trồng thủy sản là hơn 420 ha, diện tích đất rừng hơn 8 ha và diện tích đất nông nghiệp khác hơn 27 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 của huyện ước đạt 1.661,5 tỷ đồng. Trong những năm qua, huyện Mê Linh đã thực hiện chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp như: Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh đối với hoa hồng, hoa cúc, hoa ly; Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông giai đoạn 2016-2018, với 710 ha; các mô hình sản xuất (mô hình sử dụng vòm che nilon để sản xuất rau su hào, cải ngọt trái vụ tại xã Tiền Phong; mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo nhân tạo công nghệ cao tại xã Tráng Việt; mô hình thí điểm chăn nuôi bò thịt 3B tại xã Liên Mạc; mô hình sản xuất hoa hồng thế tại xã Mê Linh; mô hình nuôi cá trắm giòn, chép giòn chất lượng cao tại xã Mê Linh; mô hình nuôi trùn quế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Hoàng Kim, xã Chu Phan, xã Tiến Thắng; mô hình sản xuất hoa chậu trang trí ứng dụng công nghệ tưới tự động tại xã Mê Linh… Ngoài ra, huyện còn có một số mô hình sản xuất Nhân dân tự thực hiện như: Mô hình sản xuất hoa lan, địa lan tại xã Mê Linh; mô hình sản xuất rau, quả an toàn tại xã Tráng Việt; mô hình sản xuất giống hoa cúc bằng phương pháp nuôi cấy mô tại xã Đại Thịnh; mô hình sản xuất hoa cúc cắt cành tại các xã Đại Thịnh, Thanh Lâm; mô hình sản xuất hoa hồng cắt cành tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Thanh Lâm; mô hình sản xuất đào, quất cảnh tại xã Kim Hoa, Văn Khê, Thanh Lâm; mô hình VAC tại các xã Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập, Tiến Thắng. Các mô hình cơ bản đã phát huy tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của người nông dân, được bà con nông dân tích cực hưởng ứng, nhận rộng. Do đó, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung với những sản phẩm nông sản chủ lực như: Vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao quy mô 50 ha trở lên tại các xã Tam Đồng, Tự Lập, Liên Mạc, Thanh Lâm; vùng sản xuất hoa chất lượng cao quy mô 20 ha trở lên tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Thanh Lâm, Đại Thịnh; vùng sản xuất rau quy mô 20 ha trở lên tại các xã Đại Thịnh, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê; vùng sản xuất cây ăn quả quy mô 20 ha trở lên tại các xã Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thịnh. Một số vùng sản xuất rau, hoa quả đã được cấp giấy chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, có hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm mã số, mã vạch, mã QRCode như: Hợp tác xã Yên Nhân, xã Tiền Phong; Hợp tác xã Thái Lai, xã Tiến Thắng; Hợp tác xã rau quả sạch Phú Mỹ, Công ty Việt Doanh. Hình thành hai chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản (chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt; chuỗi sản xuất và tiêu thụ trái cây tại thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh), thực hiện sản xuất, sơ chế, chế biến và cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn, đạt chứng nhận VietGap, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung tại huyện Mê Linh gặp một số khó khăn như: Tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường và cực đoan ảnh hưởng tới sản xuất; người dân sản xuất còn manh mún, mang tính tự phát nên khó khăn trong quản lý, chỉ đạo; tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp còn thấp; việc xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế; việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn chưa được người nông dân quan tâm đúng mức; cơ sở hạ tầng phụ vụ sản xuất ở các vùng sản xuất tập trung còn hạn chế, chưa đầy đủ; chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế.
GS. TS Tiến Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam giải đáp ý kiến của các đại biểu
Có 14 đại biểu phát biểu ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung như: Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, về giống; đầu tư xây dựng chợ nông sản để tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản; đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng, thủy lợi, điện phục vụ các vùng sản xuất tập trung; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho nông dân; tăng thời gian thuê thầu đất nông nghiệp quỹ 2 do UBND cấp xã quản lý… Các câu hỏi của đại biểu đã được đồng chí Bùi Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND huyện, các nhà khoa học trả lời, giải đáp. Đặc biệt, các chuyên gia, nhà khoa học đã giới thiệu cho huyện, cho người nông dân về một số loại hoa, cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng của huyện cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, có thể phát triển thành vùng sản xuất tập trung.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Đình Hồng - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mê Linh đã tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của các đại biểu dự hội nghị, cũng như ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học và giao cấp ủy, chính quyền các cấp, các phòng, ban, ngành thuộc huyện theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giải quyết. Về nhiệm vụ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, đồng chí Bí thư Huyện ủy giao UBND huyện nghiên cứu, có giải pháp tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất bền vững …
Lê Đình Khoát