Sáng ngày 02/12/2021, Huyện Gia Lâm đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân năm 2021. Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Huyện ủy và trực tuyến đến 22 điểm cầu xã, thị trấn trên địa bàn.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Trịnh Huy Thành - Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; Lê Anh Quân - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Tiến Việt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Đặng Thị Huyền - Phó Bí thư Huyện ủy.
Các đại biểu dự Hội nghị đã được nghe đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Hồng thông báo khái quát kết quả phát triển kinh tế, xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Theo đó, năm 2021, huyện Gia Lâm đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,65%. Huyện chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 99,7%. Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế huyện vẫn duy trì tăng trưởng. Giá trị các ngành kinh tế chủ yếu do Huyện quản lý ước tăng 4,61%, bằng 53,2% mức tăng năm 2020, bằng 44,0% kế hoạch, trong đó, dịch vụ tăng 2,82%, Công nghiệp, xây dựng tăng 6,32%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,63%. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.117,5 tỷ đồng, bằng 84,6% dự toán TP và huyện giao, bằng 47,9% so với năm trước. Chi ngân sách huyện ước đạt 2.846,0 tỷ đồng, bằng 103,6% dự toán TP giao.
Huyện đã chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công với 174 dự án, số vốn 2.083 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2021 thực hiện giải ngân 2.066,7 tỷ đồng, đạt 99,2%, hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng 96 dự án. Đến nay, đã hoàn thành GPMB 72,4h/96,4ha của 68 dự án, đạt 75,1% kế hoạch, chi trả trên 379,9 tỷ đồng. Đã cấp 357 GCNQSDĐ lần đầu, đạt 119,0% kế hoạch. Tỷ lệ xử lý các trường hợp vi phạm về văn minh đô thị, môi trường đạt cao (83,7%).
Đến nay, huyện đã có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thành phố công nhận NTM nâng cao với 3 xã, vượt chỉ tiêu đề ra. Dự kiến, năm 2021, huyện đạt 26/27 tiêu chí thành lập quận, trong đó, tiêu chí đạt thêm: Mật độ đường giao thông đô thị; 01 tiêu chí chưa đạt: Cơ sở y tế cấp đô thị đạt 1,02 giường/vạn dân, tiêu chuẩn≥2,4 giường/vạn dân.
Văn hóa xã hội được duy trì; an sinh xã hội được đảm bảo. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Toàn huyện có 74/78 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 94,9%. Huyện đã hỗ trợ 17.770 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch với tổng số tiền 25,8 tỷ đồng. Toàn huyện không phát sinh hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, giảm 144 hộ cận nghèo (đạt 144% kế hoạch), tỷ lệ hộ cận nghèo 0,58%.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Gia Lâm
Ngoài 38 câu hỏi được tổng hợp gửi đến, tại hội nghị, đã có 9 ý kiến tại các điểm cầu xã, thị trấn và tại Hội trường Huyện ủy về các nội dung: công tác đầu tư hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19; công tác quản lý đất đai, cải cách hành chính; hoạt động của Đoàn thanh niên; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao, xây dựng huyện thành quận và những khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch, công tác xây dựng đảng đoàn thể trong doanh nghiệp…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Anh Quân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2022, huyện tiếp tục xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt về cải cách hành chính và phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và làm tốt công tác điều động, luận chuyển cán bộ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quy hoạch gắn với trật tự đô thị; quản lý đất đai gắn với trật tự xây dựng.
Về 9 ý kiến của các đại biểu, đồng chí Lê Anh Quân đã khái quát thành 7 nội dung vấn đề và giải đáp trong phạm vi thẩm quyền giải quyết của huyện. Đồng chí cho biết, năm 2022, Gia Lâm sẽ phấn đấu có 8 xã đạt nông thôn mới nâng cao và với tinh thần thực chất, làm cho chính quyền và người dân cảm nhận rõ, xứng đáng với nông thôn mới nâng cao.
Về nội dung phát triển huyện thành quận, huyện đang phấn đấu hoàn thành nốt chỉ tiêu giường bệnh để đạt tiêu chí lên quận. Trong năm 2022, huyện sẽ hoàn thiện đề án trình Thành phố và Trung ương công nhận huyện thành quận, xã thành phường.
Để tạo điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn, Huyện cũng sẽ tiếp tục phát triển thương mại, dịch vụ và các khu cụm công nghiệp để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.
Đối với phát triển nông nghiệp, huyện đã có đề án và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao trên tinh thần “Phải làm thật, không biến tướng”. Bên cạnh đó, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cũng gợi mở việc khuyến khích thanh niên tham gia làm du lịch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng dụng công nghệ cao và có kênh hỗ trợ về vốn để thanh niên tha gia phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển du lịch, tận dụng ưu thế của địa phương. Đông chí cũng nhấn mạnh: lãnh đạo huyện luôn cầu thị và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển./.
Vân Thư