Khai mạc triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long – Hà Nội

05/10/2010 - 12:00 AM

Chương trình gồm 2 nội dung: Triển lãm thư pháp giới thiệu hơn 250 bức thư pháp, thư họa được tuyển chọn theo ba chủ đề gồm Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến, giáo dục khoa cử và cảnh đẹp Thăng Long-Hà Nội. Các tác phẩm được gần 50 thư pháp gia thuộc các thế hệ (từ 25 đến 90 tuổi) đến từ mọi miền đất nước thể hiện, theo nhiều phong cách, trên nhiều chất liệu khác nhau, từ giấy, gỗ, đồng đến đồ gốm, hoa tươi...

Nhiều tác phẩm lần đầu ra mắt như bức thư pháp "Chiếu dời đô" bằng đồng, cuốn sách "Bình Ngô đại cáo" nặng 200kg, dài 1,6m, rộng 1,1m, bức ngũ bình sơn mài chạm khắc phong cảnh Thủ đô và các áng thơ văn nổi tiếng về Hà Nội.

Phần Liên hoan thư pháp giới thiệu đến công chúng các màn trình diễn viết thư pháp độc đáo, gắn với các tích truyện lịch sử được sân khấu hóa như màn viết chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân" trên lá cờ lớn tái hiện hình ảnh Trần Quốc Toản ra quân; tiết mục viết chữ trên lá cây dựng lại câu chuyện lịch sử về khởi nghĩa Lam Sơn; viết đối chữ, viết trên gốm, trên quạt, chạm khắc chữ trên gỗ, cho chữ…

Trước lễ khai mạc, công chúng còn được chứng kiến Lễ rước Bằng công nhận 82 tấm bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ khu vực vườn bia vào lễ đài.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 14/10/2010.

*Cũng trong chiều 4/10, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức khai mạc triển lãm “Những trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam”. Đây là một hoạt động chính thức nằm trong chuỗi các hoạt động văn hoá nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, thể hiện niềm tự hào về một dân tộc anh hùng, một Thủ đô anh hùng.

Triển lãm giới thiệu 10 trận đánh, chiến dịch tiêu biểu trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Đây là những trận có tính chất quyết chiến chiến lược đánh bại kẻ thù qua các triều đại như: trận Bạch Đằng (năm 938), trận Như Nguyệt (năm 1077), trận Đông Bộ Đầu (năm 1258), trận Chi Lăng - Xương Giang (năm 1427), trận Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785), trận Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), trận Điện Biên Phủ trên không (năm 1972), Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975). Với hơn 500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, triển lãm phản ánh nghệ thuật đánh giặc tài tình, sáng tạo của ông cha ta.

Đáng chú ý tại triển lãm lần này, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã trưng bày và giới thiệu một số tư liệu, hiện vật gốc có giá trị lịch sử như: Sưu tập vũ khí cổ thế kỷ X (thời Ngô Quyền đánh quân Nam Hán), sưu tập vũ khí thế kỷ XIII (thời nhà Trần chống quân Mông –Nguyên), sưu tập vũ khí trang bị, đồ dùng thế kỷ XVIII (thời Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh quân Xiêm, Thanh…).

Ngoài ra, một điểm nhấn đặc biệt hấp dẫn khách tham quan là trận Điện Biên Phủ trên không (1972), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá đây là “Trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội”. Với trận này, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng lực lượng phòng không quốc gia và không quân nhân dân Việt Nam anh hùng đã đánh tan uy thế của không lực Hoa Kỳ, đánh dấu mốc son chói lọi làm rạng rỡ trang sử vẻ vang của Thủ đô và dân tộc Việt Nam.

Theo thanglonghanoi.gov.vn

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020