Khẳng định vị trí, giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam

18/07/2013 - 12:00 AM

Là một đất nước sản xuất nông nghiệp, giai cấp công nhân Việt Nam tuy ‘’sinh sau đẻ muộn’’, nhưng đã sớm được tôi luyện trong lò lửa của cách mạng, sát cánh cùng giai cấp nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á-Nhà nước cách mạng kiểu mới của dân, do dân, vì dân.

Trưởng thành từ phong trào công nhân, tổ chức CĐ Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh, động viên CNVCLĐ cả nước hăng hái thi đua lao động sản xuất, phục vụ đắc lực công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH; xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là lực luợng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới.

Được thành lập từ tháng 1/1950 tại Đại Từ, Thái Nguyên, trải qua 10 kỳ đại hội, từ chỗ chỉ có 200 đoàn viên, đến hết năm 2012, cả nước đã có hơn 7,9 triệu đoàn viên và hơn 114 ngàn công đoàn cơ sở (CĐCS), vượt mức chỉ tiêu phát triển 1,5 triệu đoàn viên do Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2008-2013) đề ra. Tỷ lệ CĐCS đạt tiêu chuẩn vững mạnh bình quân hàng năm đạt gần 77%...

Với phương châm hướng về cơ sở; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hoà ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các cấp CĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2013 đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng hàng trăm văn bản pháp luật, chính sách, chế độ liên quan trực tiếp đến NLĐ, đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng Luật CĐ năm 2012, Bộ Luật Lao động năm 2012 và chế độ, chính sách về việc làm, tiền lương, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…cho CNVCLĐ. Bên cạnh đó, tham gia sắp xếp lại lao động, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư, đảm bảo việc làm và các quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho hàng trăm ngàn lao động trong quá trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN) nhà nước; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên và NLĐ được quan tâm, đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, nhất là các hoạt động trong ‘’Tháng công nhân’’, ‘’Chương trình Tấm lưới nghĩa tình ủng hộ ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa’’ đã khơi dậy tinh thần yêu nước trong hàng triệu đoàn viên và NLĐ. Các phong trào thi đua yêu nước như: ‘’Lao động giỏi’’, ‘’Lao động sáng tạo’’, ‘’Thi đua phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn’’, ‘’Giỏi việc nước, đảm việc nhà’’…được thực hiện sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình, nhân tố mới; có hàng ngàn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công trình, sản phẩm mới đuợc thực hiện, làm lợi hàng ngàn tỷ đồng, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cụ thể, thiết thực. Nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc đã được khen thưởng. Tổ chức CĐ cũng đã giới thiệu hơn 400 ngàn đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng và đã có gần 100 ngàn người được kết nạp vào Đảng.

Tuy nhiên, trong những năm qua, vai trò tham gia quản lý, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ ở một số ngành, địa phương, cơ sở còn chưa rõ nét, hiệu quả thấp; đời sống CNVCLĐ vẫn hết sức khó khăn; tình trạng đình công của công nhân diễn ra ngày càng phức tạp, trong khi tiếng nói của CĐ chưa được giới chủ các DN coi trọng. Việc tuyên truyền chính sách pháp luật, tổ chức học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho NLĐ, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Các chức năng của CĐ chậm được cụ thể hoá. Nội dung, phương thức hoạt động của CĐ chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn…Bên cạnh đó, những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường có ảnh hưởng, tác động xấu đến hoạt động CĐ.

Bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đấy mạnh CNH, HĐH đất nước; hướng về cơ sở, chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ, nhiệm vụ đặt ra cho tổ chức CĐ nhiệm kỳ 2013-2018 rất nặng nề.

Với phương châm: ‘’Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ’’, Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra 4 chương trình hành động. Đó là: Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018;  Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ; Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và và thực hiên có hiệu quả thoả ước lao động tập thể; Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ.

Đại Hội dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu: Hết năm 2018 cả nước phát triển được 10 triệu đoàn viên CĐ. 100% số cơ quan, đơn vị, DN có từ 20 lao động trở lên thành lập được CĐCS. 100% cán bộ CĐ chuyên trách, 70% trở lên cán bộ CĐ không chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lý luận, nghiệp vụ CĐ. Hằng năm có 80% trở lên số CĐCS đạt tiêu chuẩn ‘’CĐCS vững mạnh’’, trong đó có từ 50% trở lên số CĐCS DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. 100% liên đoàn lao động tỉnh, TP, CĐ ngành TƯ, CĐ Tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn có Trung tâm tư vấn pháp luật, Văn phòng tư vấn pháp luật hoặc Tổ tư vấn pháp luật. 100% cán bộ chủ chốt CĐ các cấp, 100% cán bộ nữ công CĐ cấp trên cơ sở trở lên được bồi dưỡng, tập huấn nội dung về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động CĐ. 100% DN nhà nước, 65% trở lên số DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức CĐ có thoả ước lao động tập thể./.

Minh Thuý

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020