Giám sát là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận và đã được làm nhiều năm nay nhưng giám sát về an toàn thực phẩm lại là một việc rất thực tiễn, mới và khó. Năm 2016, chọn giám sát về an toàn thực phẩm, đồng nghĩa với việc người Mặt trận đã dấn thân vào một hành trình gian khó nhưng thiết thực, sát với đời sống của nhân dân.
Khó vì nhiều lẽ. Vi phạm an toàn thực phẩm không phải là chuyện mới đến phát sốc mà đã những vi phạm đã tồn tại công nhiên, tích tụ trong suốt một thời gian dài, nghiêm trọng đến mức không chỉ dịch- bệnh gia tăng mà còn làm niềm tin người tiêu dùng lung lay nghĩ ăn gì, uống gì cũng độc hại. Hiện trạng ấy dường như ai cũng nhìn thấy.
Từ trẻ nhỏ cho đến người già, từ người nông dân cho đến tri thức, chuyên gia trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm đều ý thức được “thực phẩm rất có vấn đề” thậm chí nhìn cũng biết ngay là bẩn nhưng vẫn “nhắm mắt mà ăn” còn những thứ không nhìn thấy thì vô vàn, không sao biết được.
Nghị quyết, chỉ thị, thông tư thậm chí có cả một Chiến lược Quốc gia về an toàn thực phẩm lần lượt ra đời và được xem là “vũ khí” sắc bén cho “cuộc chiến” với thực phẩm bẩn. Nhưng đi liền với sự phát triển khi Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm ở hàng chục nước trên các thị trường thế giới và có nhiều sản phẩm luôn đứng ở top đầu như gạo, chè, thủy sản…thì tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở trong nước cũng nổi tiếng không kém.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân từng nói rất chân tình, “việc sử dụng thực phẩm không an toàn có nghĩa là người Việt đang đầu độc người Việt”.
Mặt trận không thể đứng ngoài cuộc chiến này, khi mà an toàn thực phẩm đang là nỗi bức xúc vô cùng lớn của nhân dân. Người đứng đầu Mặt trận cho rằng, vì tương lai đất nước, Mặt trận phải vận động người Việt không đầu độc người Việt, cần phải có một cuộc cách mạng về nhận thức mới mong thay đổi được vấn nạn này.
Vì thế, chọn giám sát về an toàn thực phẩm, đồng nghĩa với việc người Mặt trận đã dấn thân vào một hành trình vô cùng gian khó nhưng hết sức thiết thực sát tới từng bữa ăn, ngụm nước của người dân; bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo vệ nền sản xuất của nhân dân.
Ngoài những cái khó vừa kể trên thì một trong những cái khó nhất là không ai kiểm soát được việc người sản xuất cam kết rằng họ không sử dụng các loại chất không an toàn, chất phụ gia thực phẩm quá hạn, các loại hóa chất bị cấm trong việc sản xuất và nuôi trồng lương thực, thực phẩm. Nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa những nơi mà công cụ kỹ thuật hiện đại chưa có điều kiện với tới.
Bởi vậy, bên cạnh việc phối hợp tốt với các cơ quan, bộ, ban ngành và các địa phương, người Mặt trận sẽ giám sát theo cách của mình. Giám sát dựa vào sức mạnh của nhân dân, biến các tổ chức quần chúng nhân dân; động viên, khích lệ để mỗi người dân trở thành một tuyên truyền viên, một giám sát viên vừa tự mình cam kết không sản xuất thực phẩm không an toàn đồng thời giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa của cộng đồng.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”- vừa là phương châm, vừa là bài học kinh nghiệm mà Mặt trận Tổ quốc đã đúc kết được trong suốt bề dầy hoạt động cũng như trong các chương trình hoạt động giám sát, trong đó đặc biệt là chương trình giám sát Tổng rà soát Chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015.
Ví dụ xã có 1000 hộ thì mỗi chi hội, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh sẽ nhận trách nhiệm vận động theo khả năng của mình. Ở các xã việc đầu tiên là phải kiểm tra các nơi bán đầu vào nông nghiệp, người bán cũng phải cam kết bán an toàn không bán danh mục bị cấm chứ chưa nói tới chất lượng kém. Cam kết này gắn với việc “nếu không sản xuất an toàn sẽ không được công nhận là gia đình văn hóa”. Đồng thời phải có sự giám sát từ các Sở như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ kiểm tra các nơi bán hàng.
Đối với hàng nhập khẩu, hiện Việt Nam có đủ cơ quan chức năng để giám sát hàng nhập khẩu, không thể để lọt vào những thứ sẽ đầu độc giống nòi Việt Nam.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, muốn giám sát vấn đề nào cũng vậy, đều phải tạo được ba sự đồng thuận: Đồng thuận của Mặt trận là thấy được việc đó phải làm. Đồng thuận của tổ chức, hội chuyên ngành- những người có chuyên môn muốn làm. Đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ cho làm và đối tượng giám sát hợp tác với mình.
Tuy nhiên, giám sát an toàn thực phẩm là chuyện không đơn giản vì vậy, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, vướng nhất hiện nay là tâm lý sợ không làm được và khẳng định rằng: Nếu sợ mà không làm thì chỉ còn con đường là tiếp tục đầu độc lẫn nhau.
Phải làm! Đó không chỉ là một mệnh lệnh chính trị mà là một sứ mệnh được hối thúc bởi những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn đời sống của nhân dân khi mà tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa sức khỏe người dân.
Dạ Yến