Khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, giúp thị trường nội địa phát triển

24/02/2011 - 12:00 AM


Tới dự Hội nghị có Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm - Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim.
 
CVĐ được triển khai tích cực và sâu rộng

Báo cáo sơ kết của Ban chỉ đạo CVĐ do Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày tại Hội nghị nhấn mạnh: CVĐ đã được triển khai tích cực ở các địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương. Có rất nhiều địa phương, cơ quan, đoàn thể đã hưởng ứng bằng những hành động cụ thể. Sau một năm thực hiện CVĐ, có thể nhận thấy nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng... các hoạt động như tổ chức hội chợ, hội thảo, giới thiệu, quảng bá hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng đã được thực hiện liên tục, hiệu quả với các hình thức hoạt động phong phú.

Một năm qua, cũng có thể thấy ở các bộ, ngành, đoàn thể xuất hiện những cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả nhằm khuyến khích người dân sử dụng hàng sản xuất trong nước và phát huy vai trò doanh nghiệp trong nước từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa. Có thể kể đến vai trò của Bộ Công thương, các tập đoàn, tổng công ty, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA)...

Các cơ quan thông tin đại chúng cũng đã góp phần tích cực để CVĐ đi vào thực tế đời sống. Ngay từ khi CVĐ được triển khai, các chuyên mục Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã xuất hiện trên các tờ báo, trên sóng phát thanh, truyền hình. Trong đó, Đại Đoàn kết - với vai trò là cơ quan ngôn luận của Mặt trận đã hưởng ứng tích cực nhất.

Tâm lý tiêu dùng có chuyển biến rõ rệt

Thành công của CVĐ, theo đánh giá tại Hội nghị là đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt. Coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.

Báo cáo của Ban chỉ đạo CVĐ cũng khẳng định: Sau 1 năm triển khai, người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Việt đã tăng lên đáng kể. Tại TP.HCM, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại các siêu thị chiếm tỉ lệ 95%, trong 68 đợt bán hàng về nông thôn của một số tỉnh, thành phố doanh thu bán hàng hóa Việt Nam đã đạt 1.467 tỷ đồng. Nếu như trước đây, có tới 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các sản phẩm nước ngoài thì tới tháng 9-2010, theo kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương, có tới 59% người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Cùng chung nhận định này, ông Trương Quang Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương cũng cho rằng: Qua 1 năm triển khai CVĐ, tâm lý tiêu dùng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Những hoạt động hưởng ứng CVĐ còn tạo ra sức mạnh đột phá vào thị trường nông thôn vốn xưa nay vẫn bị các doanh nghiệp Việt Nam bỏ ngỏ. Sau thành công của 43 đợt “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Trung tâm BSA tổ chức, trong năm 2010, hàng trăm đợt bán hàng về nông thôn đã liên tiếp được thực hiện.

Thay đổi nhận thức của doanh nghiệp với thị trường trong nước

Báo cáo khẳng định: CVĐ đã giúp các doanh nghiệp và giới doanh nhân nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Công thương, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định, các chương trình được triển khai từ CVĐ đã phát huy hiệu ứng tích cực, tạo sức cạnh tranh cho hàng Việt trên sân nhà. Người tiêu dùng đã chọn hàng Việt vì xuất xứ, chất lượng, giá cả rõ ràng, hợp lý. Các doanh nghiệp đã chú trọng đổi mới cộng nghệ và quản lý để sản xuất ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt, vì người tiêu dùng Việt Nam.

Có mặt tại Hội nghị, ông Văn Đức Mười – Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết: Các doanh nghiệp đã đồng tình ủng hộ CVĐ và đưa ra các chương trình hành động riêng. Đây là cơ hội vàng với các doanh nghiệp để phát triển thương hiệu tại thị trường trong nước, có nắm bắt được cơ hội hay không tùy thuộc vào khả năng khai thác của mỗi doanh nghiệp. Người tiêu dùng mua hàng Việt Nam vì tinh thần dân tộc sẽ chỉ được một lần nếu doanh nghiệp bội tín với khách hàng về chất lượng sản phẩm.
Để CVĐ thực sự thiết thực

Báo cáo của Ban chỉ đạo CVĐ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: CVĐ vẫn còn những mặt hạn chế tồn tại như còn buông lỏng chỉ đạo, hàng giả, hàng nhập lậu vẫn tràn ngập thị trường, một số tháng cao điểm khuyến mại còn làm giảm lòng tin của khách hàng, mua sắm công của các cơ quan nhà nước chưa làm gương trong việc sử dụng hàng nội...

Ban chỉ đạo CVĐ đã đưa ra 11 giải pháp để đẩy mạnh CVĐ trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền vận động về CVĐ tới doanh nghiệp và người tiêu dùng, đẩy mạnh quảng bá hàng Việt...

Ảnh:  Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm - Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa  tham quan triển lãm hàng Việt
Ảnh:  HOÀNG LONG

C.Thúy

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020