Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, mặc dù mới triển khai gần một năm, nhưng với sự
vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tuyên
truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng cuộc vận động
bằng việc mua sản phẩm do các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sản
xuất. Từ đó, đã động viên các doanh nghiệp tích cực ứng dụng khoa học
công nghệ mới, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều sản
phẩm, hàng hóa dịch vụ chất lượng tốt, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu
cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trong thời gian qua, Thành phố đã tổ chức Hội chợ
Entech Hà Nội năm 2010, mang chủ đề “Hiệu quả năng lượng môi trường,
hiệu qủa kinh doanh, phát triển bền vững”. tại thành phố Hải Phòng,
Thành phố Hồ Chí Minh… để giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của các doanh
nghiệp Hà Nội với các tỉnh bạn. Thành phố còn tổ chức thành công tuần lễ
hàng thủ công mỹ nghệ với hơn 100 doanh nghiệp, trưng bày 300 sản phẩm
tiểu thủ công nghiệp mỹ nghệ gắn với tổ chức du lịch làm nghề và cuộc
thi sáng sáng tác mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, hình thức mỹ thuật của hàng hóa, sản phẩm…
Sở Công thương đã tổ chức 07 “Phiên chợ hàng Việt”
tại 5 huyện ngoại thành, doanh thu 7 phiên bán hàng đợt 1 đạt hơn 800
triệu đồng. Chương trình này sẽ tiếp tục được triển khai trong suốt năm
2010, trong đó tập trung vào các ngày lễ lớn; Tổng Công ty thương mại Hà
Nội (Hapro) đã triển khai chương trình hàng Việt về nông thôn. Những
tháng đầu năm 2010, Tổng Công ty đã triển khai được trên 30 chuyến hàng
lưu động tại các huyện trên địa bàn; các đơn vị quận, huyện, thị xã cũng
đã chủ động và phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại
như tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm, bán hàng giảm giá… Thông qua
các hoạt động tuyên truyền, tổ chức thực hiện, Cuộc vận động đã phát huy
lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt. Hàng Việt Nam
đã có vị trí nhất định với người tiêu dùng, nhất là thị trường nông
thôn.
Về quản lý nhà nước, Thành phố đã tổ chức kiểm tra
kiểm soát giá cả thị trường, trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra được
3.478 vụ, đã xử lý 3157 vụ, thu 22 tỷ đồng, trong đó xử lý 182 trường
hợp vi phạm sở hữu trí tuệ và làm hàng giả, phạt 516 triệu đồng; Phối
hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra đảm
bảo VSATTP. Thành phố cũng đã ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng các
mặt hàng, sản phẩm chủ lực với tiêu chí hiệu quả kinh tế cao, công nghệ
tiên tiến, thu hút lao động, nộp ngân sách tăng. Đến nay, Thành phố đã
có 45 mặt hàng chủ lực tiêu biểu.
Thay mặt đoàn kiểm tra, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch
Ủy ban TW MTTQ Việt Nam khẳng định: mặc dù Cuộc vận động “Người Việt
Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới triển khai chưa đầy một năm trên địa
bàn Thành phố, nhưng đã thể hiện ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy,
chính quyền đến Mặt trận, đoàn thể, các ban, ngành trước chủ trương của
Bộ Chính trị, góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và
nhân dân về ý thức sử dụng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy
ban TW MTTQ VN đề nghị Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên
dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác
thông tin tuyên truyền; rà soát phân loại số lượng, loại hình doanh
nghiệp trên địa bàn để triển khai các giải pháp của Cuộc vận động; UBND
TP Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp trong việc đưa hàng về nông thôn.
Thu Uyên