Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Hoàng Mạnh
Hiển, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ôn lại khí thế hào hùng của
dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập tự
do của dân tộc. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch đã bày tỏ
lòng biết ơn sâu sắc với những công lao to lớn của các liệt sỹ, các
thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách… đã cống hiến cho nền độc
lập tự do của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch khẳng định: 63 năm qua, với tình cảm và
trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn có nhiều việc
làm thiết thực, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, tấm lòng tri
ân đối với những người có công với đất nước. Từ năm 2009 đến nay, Thành
phố đã hỗ trợ trên 470 hộ gia đình người có công thoát nghèo; hỗ trợ
xây dựng và sửa chữa nhà ở cho gần 1.000 hộ; gần 5.000 người được tặng
sổ tiết kiệm tình nghĩa; gần 42.000 người được hưởng chính sách điều
dưỡng luân phiên tại các khu điều dưỡng tập trung; bố trí gần 250 tỷ
đồng tặng quà các đối tượng chính sách. Cùng với hỗ trợ của Thành phố,
công tác chăm sóc người có công đã được các tổ chức chính trị-xã hội,
Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ,
Liên đoàn Lao động… thường xuyên có nhiều hoạt động thiết thực thể hiện
đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đã nhiệt liệt biểu dương các cá
nhân, đơn vị, tổ chức trong thời gian qua đã tích cực hưởng ứng với
thành phố, dành sự quan tâm ủng hộ Qũy đền ơn đáp nghĩa ở các cấp, hỗ
trợ đời sống và nhà ở với các gia đình người có công khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Đảng và
Nhà nước đối với những người có công, Phó Chủ tịch đề nghị các cấp, các
ngành các địa phương và nhân dân tiếp tục quan tâm bằng nhiều hành động
thiết thực hơn nữa, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, tạo nhiều điều
kiện vật chất tinh thần để chăm lo với những người có công, thương bệnh
binh, thân nhân gia đình liệt sỹ”.
Tại
buổi giao lưu, ông Nguyễn Đức Phổ, nguyên chiến sỹ thông tin của Tiểu
đoàn 96 Tỉnh đội Phú Yên; ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Lao động
Thương binh Xã hội Thành phố Hà Nội; bà Phạm Thị Viễn, nhân vật chính
trong bài thơ “Máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu và một số nhân vật khác
cùng ôn lại những ký ức đau thương mà hào hùng của cuộc chiến tranh, thể
hiện tấm lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, người có công với
cách mạng.
Theo thống kê, hiện nay Hà Nội với gần 70 vạn người
có công, trong đó có 2.998 mẹ Việt Nam anh hùng; gần 45 ngàn thương
binh; 29000 thân nhân liệt sĩ; gần 10 ngàn người tham gia kháng chiến bị
nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp.
Chương trình được kết hợp với những màn nghệ thuật
đặc biệt: “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Kim Đồng”,
“Đồng đội ơi”… được dàn dựng qua hình ảnh.
Thu Uyên