Kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao đài

14/10/2015 - 08:21 AM

Ngày 12/10/2015, tại Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội, các hội thánh Cao Đài long trọng tổ chức kỷ niệm 90 năm khai đạo Cao Đài. Đến dự có các vị đại biểu: Trần Thanh Mẫn- Uỷ viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam; Dương Ngọc Tấn- Phó ban Tôn giáo Chính phủ; Bùi Tuấn Ngọc- Phó trưởng ban Dân Vận Thành uỷ Hà Nội; Nguyễn Anh Tuấn- Phó Chủ tịch  Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội; Lê Văn Cửu- Phó Giám đốc Sở Nội Vụ TP; Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu- Phó Chủ tịch Thường trực TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm- Phó Chủ tịch TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Linh Mục Dương Phú Oanh- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội; Vũ Thị Thu Hồng- đại diện Hội Thánh Tin Lành TP Hà Nội; đại diện các bộ, ban ngành TW và các tỉnh, TP; lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, phường Phạm Đình Hổ cùng 800 chức sắc, chức việc đạo hữu Cao Đài trong cả nước.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Anh Lớn Đầu sư Thái Tăng Tinh (Trần Đức Tăng) nhấn mạnh: Ngày 15/10 năm Bính Dần (1926) tại Tây Ninh, quý chức sắc tiền khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã tổ chức lễ khai đạo tại chùa Gò Kén, chính thức công bố với chính quyền và nhân dân địa phương về sự ra đời của một tôn giáo. Từ đó đến nay, đạo Cao Đài hình thành và phát triển khá toàn diện cùng các tôn giáo trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đạo Cao Đài ra đời đã thể hiện tinh thần, ý chí, nguyện vọng của nhân dân Nam Bộ đương thời, khẳng định đạo Cao Đài là tôn giáo của người Việt Nam. Đồng thời giúp cho nhân dân Nam Bộ xây dựng lối sống đạo đức, nâng cao dân trí, nếp sống văn hóa góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Hiện nay, đạo Cao Đài có hơn hai triệu tín đồ, một vạn chức sắc, ba vạn chức việc, trên một ngàn cơ sở thờ tự đã trở thành một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP tặng hoa chúc mừng

Báo cáo tổng kết 90 năm khai đạo Cao Đài do Anh lớn Chánh phối sư Huệ Tính (Trần Văn Huynh) nêu rõ: Trong 90 năm qua, đường hướng hành đạo của đạo Cao Đài luôn gắn bó với dân tộc. Các Hội thánh Cao Đài ở miền Tây Nam Bộ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vận động chức sắc, tín đồ ủng hộ cách mạng, tham gia kháng chiến cứu quốc. Cao Đài Minh Chơn đạo dưới sự lãnh đạo của Chưởng pháp Cao Triều Phát hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng lên khởi nghĩa, lập Mặt trận Giống Bốm để chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Bằng vũ khí thô sơ của người nông dân mặc áo trắng, chức sắc, tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo đã tiêu diệt hàng trăm tên giặc viết nên trang sử vẻ vang của đạo Cao Đài và trở thành phong trào yêu nước đầu tiên của nhân dân Nam Bộ thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cao Đài Ban Chỉnh đạo dưới sự lãnh đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã phong chức cho chức sắc có tư tưởng yêu nước và bãi nhiệm chức sắc có tư tưởng thân chính quyền xâm lược. Hai người con trai của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương là Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Ngọc Nhựt đều trở thành cán bộ cách mạng. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích làm Khu bộ Phó Khu 9, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt làm ủy viên Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ. Đồng thời vận động thanh niên trong đạo không đi lính cho Mỹ - Ngụy, bảo vệ nền Đạo, đấu tranh vì hòa bình dân tộc; Cao Đài Tiên Thiên có 3 đời Giáo tông yêu nước tham gia cách mạng và có người là liệt sỹ. Đầu sư Nguyễn Ngọc Ngợi tham gia kháng chiến trở thành chức sắc Cao Đài có nhiều công lao với Đảng, Nhà nước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước,... Và còn nhiều tấm gương tiêu biểu của đạo Cao Đài tham gia cách mạng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh hoạt động yêu nước, đạo Cao Đài còn khẳng định các giá trị về văn hóa, đạo đức, xã hội. Người tín đồ đạo Cao Đài tu hành thực hiện theo tôn chỉ, mục đích của đạo Cao Đài nhằm rèn luyện con người đạo đức, hoàn thiện, hoàn mỹ, sống yêu thương, hòa thuận hướng tới một xã hội đại đồng hạnh phúc. Đồng thời, đạo Cao Đài xây dựng các cơ sở tôn giáo là Tòa thánh, Tổ đình, Thánh thất, Thánh tịnh, Điện thờ Phật Mẫu,… trở thành cơ sở văn hóa tôn giáo và có thể phát huy trở thành địa điểm du lịch của nhân dân Nam Bộ. Nhạc lễ đạo Cao Đài đã kế thừa âm nhạc truyền thống của dân tộc tạo thành các giai điệu gần gũi với nhân dân lao động. Qua hai cuộc chiến tranh cứu nước, đạo Cao Đài đã có hơn 4.000 liệt sỹ, 10.000 thương binh, 260 bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều gia đình có công với cách mạng, hàng ngàn huân, huy chương được Nhà nước trao tặng cho tổ chức và cá nhân trong đạo Cao Đài,...

Báo cáo 10 năm đạo Cao Đài thực hiện theo lời Bác (2006- 2015) do  Anh lớn Thửa sử Huệ Mẫn (Nguyễn Văn Tân) nêu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người tín hữu Cao Đài đã chung sức cùng nhân dân ủng hộ cách mạng, tích cực tham gia kháng chiến cứu quốc chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người tín hữu Cao Đài cùng nhân dân cả nước hăng hái tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nêu cao gương đạo đức của người tu hành góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Ngọc Tấn -Phó ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, các ông: Dương Ngọc Tấn -Phó ban Tôn giáo Chính phủ, Bùi Tuấn Ngọc- Phó Trưởng ban Dân Vận Thành uỷ Hà Nội, Nguyễn Anh Tuấn- Phó Chủ tịch  Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội đã tặng lẵng hoa chúc mừng.

Đại lễ kỷ niệm 90 năm ngày khai đạo Cao Đài đã thành công tốt đẹp. Với truyền thống đoàn kết, Các Hội thánh và tổ chức Cao Đài trong khối giao lưu hành đạo sẽ đạt được những thành tựu tốt đẹp hơn nữa góp sức cùng đồng bào cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh theo phương châm “Nước vinh, Đạo sáng”./.

Nga Huyền

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020