Lắng nghe lòng dân (Báo ĐĐK)

23/03/2016 - 10:29 AM
Tạo điều kiện để người dân chấm điểm cán bộ mới biết sự hài lòng như thế nào của dân về cán bộ. Sự hài lòng của người dân chính là thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền. Bởi vậy, một số địa phương đang chọn cách để người dân, tổ chức “chấm điểm” sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước như một quyết tâm chính trị nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân, từ đó tăng sức mạnh trong khả năng cạnh tranh cấp tỉnh. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khảo sát dự án Dân Chấm điểm M-Score tại Quảng Trị.

Quyết tâm của Chính phủ là hướng tới mục tiêu sớm nâng tầm vị trí của Việt Nam trong bản đồ đầu tư – kinh doanh của khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, mục tiêu này đang đặt ra những áp lực vô cùng lớn đối với chính quyền các cấp. Việc đẩy mạnh khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư  đã khiến chính quyền một số tỉnh thành dù kêu gọi được đầu tư lớn nhưng lại không đáp ứng được chỉ số hài lòng của người dân. Bài toán đặt ra lúc này phải giải quyết hài hoà giữa việc nâng cao năng lực cạnh tranh với sự hài lòng của người dân. Vì chỉ có sự hài lòng của người dân mới là thước đo thực chất nhất cho những nỗ lực của một chính quyền thực sự vì dân. 

“Phải để dân chấm điểm cán bộ mới biết họ hài lòng đến đâu”- đó là khẳng định của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi khảo sát sáng kiến Dân chấm điểm - M.Score- một hình thức phát huy dân chủ trực tiếp của người dân trong việc đánh giá cán bộ ở Quảng Trị- một trong những hoạt động nằm trong chương trình phối hợp xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015. 

Quảng Trị đã tận dụng và phát huy sáng kiến Dân chấm điểm - M.Score một công cụ khảo sát hỏi người dân và doanh nghiệp qua điện thoại di động về chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước và hiện được đặt tại 9 văn phòng 1 cửa cấp huyện. 

Trên thực tế, lâu nay ít có sự phản hồi của người dân về các cơ quan nhà nước ở cơ sở. Chủ trương chọn Dân chấm điểm cũng đồng nghĩa với việc chính quyền gây áp lực cho cán bộ. Nhưng cũng chính nhờ Dân chấm điểm, chính quyền mới “bắt đúng bệnh” của mình, cán bộ nào nhũng nhiễu, thủ tục nào “hành dân”… 

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị cho rằng, lãnh đạo chính quyền làm sao đánh giá cán bộ của mình công tâm bằng chính người dân vì thủ tục hành chính là để phục vụ nhân dân cho nên “chúng tôi không né tránh mà quyết tâm tạo sự chuyển biến cho tỉnh thông qua việc cải cách hành chính từ sáng kiến Dân chấm điểm”. 

Và như vậy, thêm một lần nữa, Dân chấm điểm còn có tác dụng hỗ trợ việc giám sát của HĐND và UBND tỉnh Quảng Trị trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cơ chế một cửa, một cửa liên thông. 

Sẽ không có bất cứ mục tiêu, chỉ tiêu nào, dù là mục tiêu tổng thể hay chỉ tiêu cụ thể được giao cho từng lĩnh vực được thực hiện thành công nếu thiếu đi sự phối hợp. Để làm tốt vai trò là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, vai trò của MTTQ tỉnh Quảng Trị cần phải được đề cao hơn nữa, ít nhất, phải có một phó chủ tịch Mặt trận trong danh sách của Ban chỉ đạo dự án Dân chấm điểm. 

Giám sát là chức năng của Mặt trận. Xác định chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước là một nội dung nổi bật của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong năm 2016. Chọn xác định chỉ số sự hài lòng của người dân để không chỉ lắng nghe tiếng lòng của dân về những vướng mắc, khó khăn mà còn ghi nhận những đánh giá về tình hình thực hiện, tác động của việc cải cách thủ tục hành chính đối với quá trình cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam- là một cách để Mặt trận đồng hành cùng với Chính phủ trong nỗ lực hướng tới mục tiêu sớm nâng tầm vị trí của Việt Nam trong bản đồ đầu tư, kinh doanh của khu vực và thế giới. 

Có thể kết quả ban đầu từ những sáng kiến từ dự án Dân chấm điểm chưa nhiều vì mới được triển khai trong một thời gian ngắn, hơn nữa lại là dự án được đầu tư bởi nguồn vốn từ nước ngoài nhưng những tín hiệu tốt từ Dự án này chắc chắn đang tạo ra thêm nhiều hình ảnh thân thiện, lắng nghe của các cơ quan quản lý nhà nước, của các công chức nhà nước đối với người dân. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong tương lai, mô hình cần tăng khả năng để người dân tự chấm điểm, thông qua các thiết bị điện tử thay cho việc phỏng vấn điện thoại như hiện nay. Người đứng đầu Mặt trận cũng đặc biệt lưu ý, Quảng Trị cần chủ động nhân lực, vật lực để sau khi hết hạn Dự án, khi các tổ chức độc lập không còn hỗ trợ thì tỉnh Quảng Trị vẫn tự đánh giá, phân tích số liệu và cho ra kết quả về sự hài lòng của người dân thông qua công cụ Dân chấm điểm.

Và để làm được điều này, không riêng gì Quảng Trị mà còn là mong mỏi của nhiều địa phương đang thực hiện các mô hình tương tự  như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh…Và cần lắm một chủ trương ở tầm cao hơn. 

Sự kỳ vọng này, thêm một lần nữa khẳng định vai trò của Mặt trận trong việc khảo sát chỉ số hài lòng của người dân trên toàn quốc, phối hợp cùng Bộ Nội vụ, Hội Cựu chiến binh xây dựng một bức tranh tổng thể, từ đó kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ xây dựng chính sách ở tầm Quốc gia trong vấn đề đo sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.   


Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020