Từ ngày 24/10 đến ngày 27/10/2013, xã Phú Yên, huyện
Phú Xuyên long trọng tổ chức Lễ hội vinh danh Làng nghề truyền thống da
giày lần thứ nhất năm 2013. Tới dự có các đồng chí: Hồ Quang Lợi –
UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Trương Thế Cầu – TUV, Bí thư
Huyện ủy Phú Xuyên; lãnh đạo các sở,
ngành, hiệp hội làng nghề TP; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; các
đồng chí trong Ban chỉ đạo cuộc vận động (CVĐ): “Người Việt nam ưu tiên
dùng hàng Việt Nam”; lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể của huyện; lãnh
đạo các xã, thị trấn và đông đảo cán bộ, nhân dân xã Phú Yên…
Xã Phú Yên có 04 thôn là Giẽ thượng, Giẽ Hạ, Thượng Yên và Thủy Phú. Trong đó, nghề da giày tập trung phát triển tại hai thôn Giẽ Hạ, Giẽ Thượng và có lịch sử gần 100 năm, đặc biệt phát triển mạnh trong khoảng hơn chục năm trở lại đây.
Năm 1918, thôn Giẽ Hạ, Cụ Nguyễn Lương Cát (Hai Nghé) là người đầu tiên
xã Phú Yên đi học nghề thợ giày ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Sau đó, cụ
cùng cháu nội tộc Nguyễn Mạc ra Quảng Yên, Quảng Ninh mở của hàng. Ban
đầu chỉ chuyên làm hài ở Phố Cầu đất - Hải Phòng, song
trước nhu cầu của xã hội lúc đó, cụ Mạc đã học hỏi và chuyển từ làm hài
sang làm giày. Được nghề hay, cụ mở lớp truyền dạy nghề cho con
cháu. Và đến nay, hầu hết các nghệ nhân, người thợ đi làm ăn xa đã quay
lại làng quê mở xưởng, mở cửa hàng, thành lập Hội da giày Phú Yên.
Sau nhiều năm tháng phục hồi nghề Tổ, những người con của Làng nghề Phú
Yên đã và đang bước những bước đi mạnh mẽ, vượt qua khó khăn để dần
khẳng định cho mình một chỗ đứng vững chắc trên thương trường trong nước
và quốc tế. Năm nay là năm đầu tiên xã Phú Yên tổ chức lễ hội nhằm tri
ânTổ nghề, các bậc tiền nhân đã có công truyền nghề cho nhân dân.
Không gian của lễ hội được trải dài hai bên đường 428, từ Cầu Giẽ tới
đầu cầu Cống Thần, với 200 gian trưng bầy sản phẩm. Trong đó có 150 gian
trưng bầy sản phẩm của làng nghề da giầy và 50 gian trưng bầy sản phẩm
các làng nghề truyền thống ở 16 xã trong huyện như khảm trai Chuyên Mỹ;
cơ khí Đại Thắng, TT Phú Minh; may comple Vân Từ; mộc Tân Dân, Văn Nhân;
cỏ tế xã Phú Túc, nặn tò he xã Phượng Dực và các sản phẩm chế biến
lương thực, thực phẩm trong huyện, … Từ năm 2011 trở lại đây, những làng
nghề truyền thống trong huyện Phú Xuyên và mỗi nghệ nhân, mỗi người thợ
làng nghề ai nấy đều háo hức, chờ đón ngày Vinh danh các nghề truyền
thống và lễ hội của các làng nghề truyền thống trong huyện để có dịp thể
hiện tay nghề của mình tại lễ hội. Đây là năm thứ ba Phú Xuyên tổ chức
Vinh danh làng nghề truyền thống của huyện và năm thứ nhất vinh danh
làng nghề da giày Phú Yên.
Trong 04 ngày diễn ra Lễ hội đã có đông đảo du khách đến từ các nơi
trong và ngoài TP tới dự, trở thành điểm nhấn quan trọng trong sự phát
triển của các làng nghề và là điểm đến thăm quan lý tưởng của du khách
gần xa. Đến đây, du khách còn được chiêm ngưỡng, mua sắm một số sản phẩm
làng nghề truyền thống mang đậm nét dân gian độc đáo như nghề nặn tò
he, nghề làm kẹo lạc...
Đã thành thông lệ, hàng năm tại lễ hội vinh danh làng
nghề truyền thống, huyện Phú Xuyên lại tổ chức biểu dương gương Người
tốt- Việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm 2013, huyện Phú
Xuyên có 22 cá nhân được công nhận danh hiệu Người tốt- Việc tốt cấp TP
và 58 cá nhân được công nhận danh hiệu Người tốt- Việc tốt cấp huyện.
Nhân dịp này, UBND huyện cũng khen thưởng cho 491 tập thể và 1.546 cá
nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của huyện.
Trong số đó có 12 tập thể và 11cá nhân tiêu biểu trong bảo tồn và phát
triển làng nghề truyền thống. Nằm trong các hoạt động hưởng ứng ngày
vinh danh làng nghề truyền thống năm nay, huyện và các xã, thị trấn tổ
chức sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình số 09 của Huyện ủy Phú Xuyên về
xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2011 – 2015.
Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn văn hóa
văn nghệ và hội thi tay nghề giỏi của làng nghề da giầy Phú Yên; sơ kết
CVĐ: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”; phát động tiếp tục
thực hiện CVĐ giai đoạn 2011- 2015 của huyện Phú Xuyên./.
Phạm Kim Tinh- UB MTTQ huyện Phú Xuyên