Sáng ngày 9/4/2019, tức mùng 5 tháng 3 âm lịch, tại chùa Chùa Thầy xã Sài Sơn, Ban tổ chức lễ hội chùa Thầy huyện Quốc Oai long trọng tổ chức lễ khai hội chùa Thầy năm 2019.
Tới dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội; các đồng chí Thường trực Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành của huyện; lãnh đạo UBND các xã thị trấn; cùng đông đảo tăng ni, phật tử và du khách thập phương.
Mùa Lễ hội Chùa Thầy được bắt đầu từ mồng 1 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 3 (âm lịch).Trong đó chính hội chùa Thầy được diễn ra trong 03 ngày từ 09/4/2019 đến ngày 11/4/2019 (tức ngày 05/3 đến ngày 07/3/2019 âm lịch). Lễ hội được tổ chức với 2 phần chính: Phần lễ và phần hội; phần lễ được tổ chức trang nghiêm, với các nghi lễ truyền thống, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tổ chức lễ Mộc dục và lễ rước của các thôn từ ngày 09/4/2019 tức ngày 05/3 âm lịch. Các thôn tổ chức lễ rước truyền thống vào ngày 11/4/2019, tức ngày 07/3 âm lịch; Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian nhằm phục hồi một số loại hình văn hoá, văn nghệ dân gian, tạo không khí vui tươi, lành mạnh tại không gian lễ hội, như: Cờ tướng, cờ người, chọi gà, đánh đu, múa rối nước, nấu cơm, hát chèo, hát Dô và biểu diễn Cồng chiêng...
Lễ hội Chùa Thầy từ xa xưa đã nổi tiếng được nhiều người biết đến là một địa danh nổi tiếng của mảnh đất xứ Đoài, hàng năm có hàng vạn du khách từ khắp nơi trong cả nước về Chùa Thầy. Trong tâm thức của khách thập phương, hội Chùa Thầy là một niềm ao ước được thưởng thức cảnh đẹp, được hòa mình vào dòng người đi trẩy hội. Từ năm 2014 chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; năm 2015 có 03 pho tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy được công nhận là Bảo vật quốc gia, lượng du khách du lịch đến thăm và lễi chùa Thầy ngày một đông hơn.
Chùa Thầy là một ngôi chùa đặc biệt trong hệ thống chùa của nước Việt Nam, chùa không có nghi môn, tam quan. Chùa được nằm trong vị thế đắc địa của cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc chùa đã biết tận dụng địa thế đẹp hiếm có của một vùng núi đá vôi nổi lên giữa vùng đồng bằng để tạo dựng lên một không gian phật giáo linh thiêng mà vẫn gần gũi với làng xóm thôn quê. Biết tận dụng vị trí nằm gọn dưới chân núi, kết hợp với thế uốn cong ngang sang hai bên của hai nhà cầu cùng việc nâng độ cao của các lớp nhà tăng dần, vươn theo thế núi đã tạo cho kiến trúc một vẻ đồ sộ bề thế hơn thực tế. Các thế núi ôm vòng tự nhiên ấy cũng xác lập một không gian cho tổng thể chùa Cả cùng các di tích tôn giáo, tín ngưỡng hang động trên núi… cùng hệ thực vật đa dạng làm nên vẻ đẹp và giá trị vừa tôn kính linh thiêng vừa thăm quan vãn cảnh thiên nhiên cho quần thể di tích nơi đây.
Quần thể di tích chùa Thầy còn lưu giữ được hệ thống các di vật, cổ vật rất phong phú thuộc nhiều chủng loại. Trong đó, bộ tượng Di Đà Tam Tôn được công nhận là Bảo vật quốc gia, nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt cho nên được ví như "báu vật nằm trong báu vật". Di tích chùa Thầy đã được xây dựng hơn 1000 năm, trải qua những biến thiên của lịch sử và thời gian, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Chùa không chỉ là nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là địa chỉ đỏ trong cách mạng kháng chiến mà còn là di tích kiến trúc nghệ thuật với lối kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp tiêu biểu.
Nhằm đưa chùa Thầy và mùa Lễ hội chùa Thầy thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh thân thiện, hấp dẫn du khách thập phương. Năm 2019 UBND huyện Quốc Oai đã triển khai xây dựng bãi đỗ xe và điểm bán hàng tập trung trên diện tích 2,2 ha; di dời 45 ki-ốt bán hàng ngoài cổng chùa ra khu vực bãi đỗ xe để bảo đảm an ninh, trật tự. Ban tổ chức cũng bố trí lực lượng an ninh phân luồng giao thông và kiên quyết xử lý tình trạng họp chợ, bán hàng rong ở lòng đường, nhất là khu vực trước đình Đa Phúc, trước nhà văn hóa thôn Thụy Khuê, khu vực vào cổng phụ di tích chùa Thầy. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức không thu vé thắng cảnh để mang đến hy vọng rằng, lễ hội chùa Thầy sẽ truyền tải được những giá trị truyền thống đặc sắc đến với du khách thập phương, xứng tầm là một lễ hội vùng, miền, là điểm đến yêu thích của du khách .
Đ/c Nguyễn Đức Phương – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội chùa Thầy phát biểu
Phát biểu tại Lễ khai hội, đồng chí Nguyễn Đức Phương – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức lễ hội nhấn mạnh huyện Quốc Oai tổ chức Lễ khai hội Chùa Thầy năm Kỷ Hợi 2019 nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của quần thể di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội Chùa Thầy. Nhân dân huyện Quốc Oai cùng nhau chia sẻ trách nhiệm để gìn giữ nguyên dáng nét kiến trúc cổ kính và linh thiêng của di tích. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cũng gửi lời cảm ơn tới các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn, báo đài trung ương và Hà Nội lời cảm ơn sâu sắc vì sự quan tâm đặc biệt tới quần thể di tích Chùa Thầy và Khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách cùng huyện Quốc Oai trong nhiều năm qua. Sau lễ hội, mong rằng di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Thầy tiếp tục được quảng bá nhiều hơn nữa tới đông đảo du khách trong và ngoài nước, để nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa - tâm linh - tín ngưỡng đặc biệt./.
Đỗ Thị Huyền – MTTQ huyện Quốc Oai