Chiều 19/7/2016, tại hội trường HĐND-UBND huyện, Ban
Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị phản biện xã hội (PBXH) đối
với dự thảo đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh huyện
Gia Lâm giai đoạn 2016 – 2020’’. Dự
và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung – UVTV, Chủ tịch Ủy ban
MTTQ huyện Gia Lâm; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Ban Thường trực
HĐND, Uỷ ban MTTQ, phòng Kinh tế và Phát triển nông thôn huyện; thành viên các
Ban Tư vấn của MTTQ huyện; Chủ tịch Ủy ban MTTQ 22 xã, thị trấn.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí đánh giá đề
án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh huyện Gia Lâm
giai đoạn 2016 - 2021” đã được xây dựng công phu, khoa học, bố cục chặt chẽ, phù
hợp với định hướng phát triển nông nghiệp cũng như khả năng khai thác các nguồn
lực của huyện, tạo động lực mới có tính đột phá trong phát triển nông nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị
Đã có 15 ý kiến phản biện tập trung vào các vấn đề
như: Cần xác định rõ đối tượng áp dụng hỗ trợ của đề án, đề nghị tập trung hỗ
trợ các cá nhân, hộ gia đình có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện. Việc quy
hoạch phát triển vùng sản xuất hàng hóa cần xây dựng một bản đồ chi tiết các
nông sản phẩm hàng hóa theo từng vùng sản xuất; xác định cụ thể diện tích đất
nông nghiệp “ổn định”, “tương đối ổn định” và không ‘ổn định” để định hướng đầu
tư hỗ trợ phù hợp, ưu tiên đầu tư trước đối với các đơn vị có diện tích đất
nông nghiệp ổn định và có nhiều khó khăn. Cần bổ sung, làm rõ các giải pháp hỗ
trợ bảo quản, bao tiêu sản phẩm, xây dựng các chợ đầu mối tạo cơ chế khuyến
khích sự liên kết 4 nhà trong xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tránh
tình trạng “được mùa rớt giá”. Chú trọng các biện pháp hỗ trợ phát huy tiềm
năng, lợi thế vùng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương
hiệu của các vùng sản xuất trên thị trường. Các đại biểu cũng cho rằng, hiện
nay, một số HTX nông nghiệp chuyển đổi mô hình sang HTX kinh doanh dịch vụ hiệu
quả chưa cao, vì vậy nên xem xét đổi mới công tác quản lý, nhân lực, đa dạng
hóa mô hình HTX. Bổ sung, làm rõ các giải pháp hỗ trợ thành lập thêm các HTX
sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Nhiều ý kiến cũng quan tâm tới nguồn kinh phí
đầu tư của dự án cho từng giai đoạn; đề nghị có các giải pháp nhằm đảm bảo tính
dân chủ, công khai, minh bạch và hiệu quả trong hỗ trợ đầu tư…
Lãnh đạo Phòng Kinh tế và Phát triển nông thôn huyện –
cơ quan soạn thảo đã phát biểu tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề
án trình HĐND huyện tại kỳ họp thứ II; đồng thời giải trình một số vấn đề phản
biện của các đại biểu.
Kết luận hội nghị, đồng chí
Nguyễn Thị Kim Dung – UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đã tiếp
thu các ý kiến phản biện của các đại biểu để phản ánh tại kỳ họp thứ 2, HĐND
huyện Gia Lâm khóa XIX./.
Ủy
ban MTTQ huyện Gia Lâm