Thực hiện Chương trình công
tác năm 2015, ngày 22/6, Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai đã tổ chức hội nghị phản
biện xã hội (PBXH), đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo tình hình thực hiện
nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng
tâm 6 tháng cuối năm 2015 trình kỳ họp thứ 12 HĐND huyện khóa XVIII. Tới dự
có các đồng chí: Nguyễn Văn Chức-UVTT, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban
MTTQ TP; Nguyễn Văn Bổng- Phó Bí thư Huyện ủy; Lê Tuấn Anh- Phó Chủ tịch UBND
huyện; Bùi Văn An- Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, lãnh đạo các phòng, ban,
ngành của huyện; thành viên Ban Tư vấn của Ủy ban MTTQ huyện cùng đại diện lãnh
đạo Uỷ ban MTTQ 21 xã, thị trấn.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị có 8 ý kiến tham
gia đóng góp vào bản dự thảo báo cáo. Đa số các ý kiến đều cơ bản tán thành với
bản dự thảo; tuy nhiên, các ý kiến đóng góp cũng đề nghị, cần đánh giá phân
tích kết quả trong công tác dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất
nhằm giảm sức lao động cho nông dân. Cần nêu lên con số cụ thể về diện tích,
năng xuất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng
hoa ly; đánh giá kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hiệu
quả của các mô hình chăn nuôi xa khu dân cư, nhiệm vụ sản xuất cây vụ đông…
Trong chương trình xây dựng nông
thôn mới, hiện nay toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn, phấn đấu đến cuối năm 2015 có
thêm 5 xã cán đích đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên cũng cần chỉ rõ
những xã còn lại có bao nhiêu tiêu chí đạt được và chưa đạt được để có hướng
phấn đấu xây dựng trong thời gian tiếp theo. Các vấn đề nước sạch, vệ sinh môi
trường những vấn đền liên quan và có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của
người dân được đánh giá khách quan hay chưa? Công tác quản lý đất đai, cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân cần giảm bớt thủ tục hồ sơ tạo thuận
lợi cho nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, việc điều hành
quản lý ở một số cơ quan, một số địa phương còn lúng túng cần tăng cường kiểm
tra, quản lý hành chính, lề lối làm việc...Các ý kiến phát biểu cũng đề nghị,
huyện cần có nhiều biện pháp hơn nữa để thực hiện giảm nghèo, có nhiều cơ chế
hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, giúp đỡ giống vốn ngày công lao động, kiến
thức để hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.
Tiếp thu và giải trình một số ý
kiến tại hội nghị, đồng chí Lê Tuấn Anh- Phó Chủ tịch UBND nêu rõ: Thanh Oai
vốn là huyện đồng bằng có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, với hơn 7.000
ha gieo trồng/vụ. UBND huyện đã có nhiều cơ chế hỗ trợ nông dân trong sản xuất
nông nghiệp và là một trong những đơn vị hỗ trợ nông dân nhiều nhất trong sản
xuất nông nghiệp, như hỗ trợ 50% giá một số giống lúa, hỗ trợ kinh phí mua dây
chuyền mạ khay, máy cấy... Trong chỉ đạo điều hành, UBND huyện đã chủ động chỉ
đạo nhân dân sản xuất đúng thời vụ, giành năng xuất cao, cây vụ đông được chú
trọng, như đậu tương, khoai tây.
Đánh giá cao kết quả đạt được
của hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bổng- Phó Bí thư Huyện ủy cho rằng hội nghị
đã góp phần vào thành công chung trong thực hiện nhiệm vụ của huyện và TP. Từ
đó sẽ có thêm nhiều ý kiến tham gia đóng góp, những giải pháp thiết thực để bổ
sung vào dự thảo báo cáo tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh-
quốc phòng năm 2015 của huyện Thanh Oai thêm khách quan và sát thực với thực
tiễn.
Đồng chí Bùi Văn An- Chủ tịch
Ủy ban MTTQ huyện đã cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu. Sau
hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến gửi
về Thường trực HĐND-UBND huyện nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào dự thảo báo cáo
trước khi trình kỳ họp thứ 12, HĐND huyện khóa XVIII./.
Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai