Pháp lệnh đã được quán
triệt sâu rộng từ thị xã đến
các xã phường, từ cán bộ công chức đến nhân dân, qua học tập đa số cán
bộ, nhân dân đã nắm được nội dung cơ bản của Pháp lệnh, đặc biệt về
những vấn đề nhân dân được biết, được quyết định, nhân dân được bàn,
được giám sát từ đó phát huy dân chủ góp phần xây dựng kinh tế, văn hoá
xã hội ở địa phương.
Quá trình thực hiện Pháp lệnh HĐND, UBND xã, phường
đã tích cực đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành
chính, thực hiện đầy đủ các nội dung và hình thức công khai để nhân dân
được biết theo Quy định Pháp lệnh. Đặc biệt là công khai các thủ tục
hành chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lệ phí, việc huy
động các quỹ, các chính sách liên quan đến quyền lợi công dân...được
niêm yết tại trụ sở UBND. Việc tổ chức cho nhân dân bàn và quyết định
theo quy định Pháp lệnh đã được UBND cơ sở phối hợp với MTTQ cùng cấp
tổ chức dân chủ lồng ghép với 6 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. đem lại kết quả tốt như:
việc góp công, góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi,
đóng góp trang bị nội thất nhà văn hoá Khu dân cư, của thôn, xây dựng
cuộc sống mới, gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, xây dựng người Hà
nội văn minh thanh lịch, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, xây dựng, bổ
sung Quy ước, hương ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới,
việc tang và lễ hội, bầu trưởng thôn, trưởng khu phố, thành viên Ban
TTND, Ban GSĐTCĐ.... Từ đó đã khơi dậy những truyền thống tốt đẹp, tinh
thần tương thân, tương ái, sức mạnh Khối đại đoàn kết toàn dân, phấn
đấu vì sự phát triển chung của địa phương.
Những năm qua và năm 2009 trên toàn thị xã, nhân dân
đã đóng góp gần 29 tỷ (hàng tỷ) đồng để bê tông hoá đường làng, ngõ
xóm, xây dựng công trình phúc lợi; nhiều xã đã có 100% số thôn, khu dân
cư có Nhà văn hoá; Đường làng được bê tong hoá từ 70 đến 90%; đã có
129/136 khu dân cư đã xây dựng được Quy ước, Hương ước; Số hộ được công
nhận Gia đình văn hoá năm 2009 đạt 87%; Đã có 86 Làng, khu phố được
công nhận Làng, khu phố văn hoá ( đạt 63,2% ). Năm qua Quỹ “Vì người
nghèo” đã vận động được 372 triệu đồng vượt kế hoạch 18%. Thực hiện Kế
hoạch số 77 giữa UBND và Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội, từ quỹ “Vì người
nghèo” 2 cấp thị xã đã hỗ trợ xây mới nhà cho 53 hộ nghèo, trước đó hỗ
trợ sửa chữa nâng cấp cho 6 hộ nghèo với tổng kinh phí 177 triệu đồng,
hỗ trợ vật tư giống, vốn, giúp đỡ hộ khó khăn đột suất, học sinh nghèo
đầu năm học mới trên 50 triệu đồng... Từ đó đã đóng góp tích cực cho
nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Năm 2009 thực hiện Luật TTND, Quyết định 80 của Thủ
tướng Chính phủ Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng
đồng đã được thành lập, kiện toàn ở 15/15 xã, phường với 145 thành
viên. Các ban đã tích cực hoạt động, nhiệt tình, trách nhiệm xứng đáng
là công cụ của dân, thực hiện quyền giám sát, tập hợp ý kiến của nhân
dân đối với việc thực hiện chính sách pháp luật, giải quyết khiếu nại,
tố cáo, việc thực hiện pháp lệnh thực hiện dân chủ, qua giám sát đã
phát hiện, kiến nghị và được HĐND, UBND cùng cấp giải quyết kịp thời
51/53 lượt. Điển hình như: TTND phường Trung Sơn Trầm làm rõ việc 406
hộ khai báo thiệt hại do ngập lụt không chính xác đã giảm cho Nhà nước
trên 336 triệu tiền đền bù, phường Viên Sơn qua xác minh đã thu hồi 1
sổ hộ nghèo không đúng đối tượng, làm rõ việc 51 hộ lấn chiếm đất công
1552 m2 giúp thu hồi hàng tỷ đồng...Ban giám sát đầu tư cộng đồng
phường Sơn Lộc đã giám sát, phát hiện kiến nghị UBND phường xử lý dự án
xây dựng trường Mầm non, trường tiểu học có sai phạm trong thi công,
UBND đã yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đúng thiết kế, kết cấu vật
tư thép. Đồng thời đã phát hiện, kiến nghị UBND xử lý dỡ 1 gian xây
dựng sai thiết kế, ảnh hưởng hành lang bảo vệ lưới điện công trình thi
công Hiệu sách của công ty Cổ phần sách Hà Tây...Hoạt động tích cực của
Ban TTND, Ban GSĐTCĐ, cùng với việc phối hợp chính quyền, đoàn thể, tổ
hoà giải đã hoà giải thành 195/214 đã góp phần ổn định xã hội, giảm
khiếu kiện vượt cấp, đông người.
Công tác tuyên truyền, giáo dục Pháp luật cho cộng
đồng đã được quan tâm tập trung vào những vấn đề nóng : Luật đất đai,
chính sách đền bù GPMB, Luật Khiếu nại tố cáo, những chính sách liên
quan trực tiếp tới quyền, lợi ích công dân... Thông qua tuyên truyền
nâng cao ý thức trách nhiệm cho công dân hiểu và thực hiện quyền dân
chủ trong kỷ cương pháp luật Nhà nước.
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tham gia
xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền; MTTQ các cấp đã tổ chức cho nhân
dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình, thông qua nhiều hoạt
động: Giám sát đảng viên, công chức; tổ chức tiếp xúc cử tri; tổ chức
bầu trưởng thôn; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt cấp
xã. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri MTTQ các cấp đã tổng hợp hàng
trăm ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phản
ánh đến HĐND, UBND các cấp, đề nghị giải quyết kịp thời bức xúc của
nhân dân. Năm 2008 vừa qua đã tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối
với Chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND các xã, phường. Các cuộc họp
dân ở các khu dân cư đã thu hút trên 72% đại diện hộ gia đình tham gia.
Tại các cuộc họp đã có trên 1.200 ý kiến đóng góp của nhân dân cho các
chức danh. Qua việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nhân dân phát huy được
quyền làm chủ, đồng thời giúp cho cấp uỷ Đảng và chính quyền nắm chắc
hơn, cụ thể hơn đội ngũ cán bộ cơ sở để có phương hướng bồi dưỡng, đào
tạo. Đội ngũ cán bộ được nhân dân trực tiếp góp ý thấy rõ những điểm
mạnh của mình để phát huy, khắc phục những hạn chế nhằm thực hiện tốt
hơn chức trách nhiệm vụ được giao.
Qua thực tiễn thực hiện pháp lệnh 34 thực hiện dân
chủ ở xã, phường thị trấn trên địa bàn thị xã- chúng tôi rút ra một số
bài học kinh nghiệm sau :
+ Phải tạo sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. Coi trọng
công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến Pháp luật cho nhân dân bằng
các hình thức đa dạng. Phải thực sự tôn trọng, tin dân, lắng nghe ý
kiến nhân dân, thẳng thắn đứng về phía nhân dân để bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của dân, bảo vệ dân nếu quyền làm chủ của dân bị vi phạm.
+ Cán bộ chuyên trách làm công tác mặt trận phải nắm vững chủ
trương, quan điểm của Đảng, chính sách của nhà nước về thực hiện dân
chủ, phải đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động, giải thích để dân
hiểu, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện quyền làm chủ đúng
pháp luật.
+ Thực hiện dân chủ phải gắn với công khai, minh bạch để nhân
dân nắm được các thông tin, hiểu rõ quyền và trách nhiệm từ đó phản
ánh ý kiến, kiến nghị có tính xây dựng, tạo sự đồng thuận xã hội
+ Phát huy dân chủ đồng thời phải giữ vững kỷ cương pháp luật.
Những tấm gương tốt phải được biểu dương khen thưởng đồng thời xử lý
nghiêm những hành vi vi phạm dân chủ, lợi dụng dân chủ để gây rối hoặc
vụ lợi cá nhân. Quan tâm giải quyết dứt điểm những vi phạm pháp lệnh
thực hiện dân chủ ngay từ cơ sở.
Để Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy ngày càng tốt
hơn vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ đã được Luật MTTQ Việt Nam quy
định, góp phần tích cực trong việc vận động các tầng lớp nhân dân thực
hiện tốt Pháp lệnh 34 của Quốc Hội, đề nghị: Đảng, Nhà nước cần quan
tâm hỗ trợ kinh phí công tác đào tạo, huấn luyện thường xuyên cho đội
ngũ cán bộ MTTQ, Ban TTND, Ban GSĐTCĐ. Nâng cao năng lực, bản lĩnh thực
hiện tốt nhiệm vụ giám sát xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Những ý kiến đóng góp đúng đắn của nhân dân đối với
các chức danh phải được cấp uỷ, chính quyền quan tâm đưa vào nội dung
kiểm điểm phân tích chất lượng đảng viên, nội dung đánh giá chất lượng
công chức, đồng thời có biện pháp theo dõi đôn đốc sửa chữa, tạo lòng
tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Dương Quang Minh