Thực hiện Kế hoạch
số 26/KH-MTTQ-BTT ngày 6/6/2014 của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP về thực hiện
Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát, phản biện xã hội và
tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn
thể chính trị - xã hội, ngày 29/9/2014, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP tổ chức
hội nghị triển khai, hướng dẫn tổ chức làm điểm tham gia giám sát, phản biện xã
hội và góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng chí Đào Văn Bình - Uỷ
viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP chủ trì hội nghị.
Đ/c Đào Văn Bình - Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP chủ trì hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Bùi Anh Tuấn - Phó
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP đã triển khai Hướng dẫn số 25/HD-MTTQ-BTT ngày
12/9/2014 của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP về tổ chức làm điểm tham gia giám
sát, phản biện xã hội và góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo
Quyết định số 217, 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Theo đó, căn cứ vào nội
dung Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và Thông tri, Kế hoạch của Uỷ ban
TW MTTQ Việt Nam, Thành uỷ Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP, Ban Thường
trực Uỷ ban MTTQ 03 đơn vị được chọn làm điểm (gồm Đông Anh, Hai Bà Trưng, Thạch
Thất) báo cáo cấp uỷ và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế
hoạch, tổ chức quán triệt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên
về mục đích, yêu cầu và nội dung giám sát phản biện xã hội và tham gia góp ý kiến
xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cùng cấp. Tổ chức tập huấn, bồi dưõng nghiệp
vụ về nội dung, phương pháp giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng
Đảng, xây dựng chính quyền cho cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là ở cơ sở. Thời
gian làm điểm được triển khai ngay trong quý IV/2014; sau đó rút kinh nghiệm và
triển khai rộng trong hệ thống MTTQ trên địa bàn TP.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị làm điểm
đã bày tỏ tâm tư, vướng mắc, thuận lợi, khó khăn khi triển khai thực hiện Quyết
định 217, 218 của Bộ Chính trị. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, phấn
khởi và nhất trí cao với Quyết định của Bộ Chính trị khi chính thức trao quyền
giám sát, phản biện cho MTTQ; qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của
MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây
dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, đây là
một việc mới và khó, chưa có mô hình để áp dụng, học tập; nội dung, đối tượng, phạm
vi giám sát, phản biện khá rộng; trong khi đó bộ máy MTTQ các quận, huyện biên
chế ít (mỗi quận, huyện chỉ được biên chế từ 5-7 người), cán bộ chưa được đào tạo
bài bản, chủ yếu làm theo kinh nghiệm; nhận thức về vai trò giám sát, phản biện
của MTTQ và các đoàn thể chính tri-xã hội ở một số cấp uỷ chưa cao; có nơi chính
quyền chưa tạo điều kiện phối hợp với MTTQ trong hoạt động giám sát…Đó chính là
những rào cản trong việc triển khai hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ, làm
hạn chế đến hiệu quả của hoạt động. Tuy nhiên, do là đơn vị đi đầu trong toàn
quốc về giám sát và phản biện xã hội nên hoạt động này của MTTQ TP và một số quận,
huyện đã được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhất là 9 tháng đầu năm 2014. Một
trong những “kinh nghiệm” của MTTQ TP và MTTQ quận, huyện là chọn nội dung để
giám sát, phản biện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bước đầu, được
cấp uỷ, chính quyền ghi nhận.
Các đại biểu đề nghị, để nâng cao hiệu
quả giám sát, phản biện, trong thoòi gian tới, cùng với Hướng dẫn số
25/HD-MTTQ-BTT của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP, Ban Dân vận Thành uỷ chỉ đạo
các Ban Dân vận quận, huyện và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tăng cưòng
công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện; chủ động yêu cầu MTTQ các cấp
thực hiện giám sát, phản biện. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức
về vai trò, nhiệm vụ của MTTQ và các tổ chức thành viên và Quyết định 217, 218
của Bộ Chính trị đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cưòng tập
huấn nghiệp cho cán bộ Mặt trận làm công tác giám sát, phản biện xã hội… Bên cạnh
đó, cũng cần có cơ chế, kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện và cho các hội
đồng, các ban tư vấn của Mặt trận và tăng quyền, tính độc lập tương đối cho cán
bộ Mặt trận (là chủ thể phản biện), quyền lực cho cơ quan giám sát, phản biện; nhất
là cơ chế tiếp thu ý kiến giám sát, phản biện của MTTQ.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban
MTTQ TP Đào Văn Bình cho rằng, để triển khai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính
trị, ngay từ đầu năm 2014, Thành uỷ, UBND, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP đã có
văn bản chỉ đạo cấp uỷ, MTTQ các cấp triển khai thực hiện và thực tế, công tác
phản biện xã hội cũng đã được Hà Nội triển khai thực hiện từ năm 2011 và cho kết
quả ban đầu. Việc Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP ban hành Hướng dẫn số
25/HD-MTTQ-BTT chọn 03 đơn vị làm điểm là để TP tổng kết, đánh giá, rút kinh
nghiệm nhằm thực hiện công tác này một cách có bài bản và hiệu quả hơn. Song
song với các đơn vị làm điểm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các quận, huyện, thị
xã trên toàn TP cần nắm vững các nội dung của bản Hướng dẫn và các Quyết định
217, 218 của Bộ Chính trị, chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp, thiết thực
góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, phục vụ
cho Đại hội Đảng các cấp chuẩn bị diễn ra vào đầu năm 2015./.
Lê
Minh