Thực hiện Quy chế
phối hợp tổ chức phản biện xã hội (PBXH) giữa HĐND-UBND-Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội,
kế hoạch công tác năm 2014 của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP về PBXH, sáng
20/6/2014, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP tổ chức hội nghị tham gia đóng góp ý
kiến PBXH vào dự thảo Tờ trình của UBND Thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị
quyết HĐND TP quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính
trong lĩnh vực văn hoá và xây dựng (quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô).
Tới dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND-UBND-Uỷ ban MTTQ TP; đại diện
các sở, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và Liên hiệp các Hội KHKT TP; các
chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc Hội đồng Tư vấn Văn hoá-Xã hội và Hội
đồng Tư vấn Dân chủ-Pháp luật, Uỷ ban MTTQ TP. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Điệp-Phó
Chủ tịch Thường trực, Lê Thị Kim Oanh-Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP chủ trì hội
nghị.
GS. TS Trần Quốc Toản - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị đã có 16 ý kiến phát biểu
đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia xung quanh sự cần thiết
và căn cứ pháp lý của việc ban hành Nghị quyết HĐND TP quy định mức tiền phạt đối
với một số hành vi vi phạm hành chính tại 2 lĩnh vực trên; những nội dung cơ bản
của Nghị quyết như phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền xử phạt và quy định mức phạt
tiền theo khung tiền phạt…Theo đó, khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô quy định:"HĐND
TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền
phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương
ứng trong các lĩnh vực văn hoá, đất đai và xây dựng".
Về vấn đề này, đại đa số ý kiến đều tán
thành chủ trương của TP về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết của HĐND TP
quy định mức xử phạt và cho rằng, đây là việc làm cần thiết để thực hiện Luật
Thủ đô. Trong quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, các cơ quan soạn thảo đã nêu
cao ý thức, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, đúng quy trình; đã tranh thủ, tập
hợp những ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn, thể hiện tinh thần cầu thị
và phát huy được trí tuệ xã hội. Nội dung Tờ trình đã nêu được sự cần thiết, cơ
sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để đề xuất những nội dung phù hợp, giúp cho Nghị
quyết của HĐND TP đáp ứng được những yêu cầu cơ bản. Nội dung của dự thảo Nghị
quyết cũng như nội dung cụ thể về việc điều chỉnh, nâng mức phạt đối với một số
hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng ở khu vực các quận nội thành là phù hợp
với căn cứ pháp lý và thực tiễn…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị một
số vấn đề cần làm rõ như tính thuyết phục, tính khả thi của Nghị quyết và cho
rằng, không gian áp dụng mức xử phạt cần được mở rộng ra tất cả các quận, huyện,
thị xã trong toàn TP thay vì chỉ áp dụng trong 12 quận nội thành như Tờ trình đặt
ra. Đối tượng xử phạt cũng phải mở rộng, bao gồm các tổ chức, cá nhân, cơ quan,
người có thẩm quyền được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước nếu để xảy ra các vụ việc
vi phạm, bảo đảm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bên cạnh
đó, trong dự thảo Nghị quyết còn thiếu hẳn một điều là "Biện pháp khắc phục" hậu quả như: Buộc phải trả lại đất đai đã lấn chiếm, hoặc chiếm dụng di tích;
buộc tháo dỡ các công trình xây dựng, quảng cáo trái phép và chịu đền bù các thiệt
hại; kiến nghị với Nhà nước huỷ bỏ các danh hiệu đã được phong tặng; buộc xin lỗi
tổ chức hoặc cá nhân…
Có đại biểu cũng cho rằng, Nghị quyết
của HĐND TP quy định nâng mức xử phạt bằng 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính
phủ quy định là quá cao so với mặt bằng lương tối thiểu và thu nhập trung bình
của người dân và đề nghị: Chỉ nên nâng mức xử phạt gấp 1,5 lần mức tiền phạt tối
đa do Chính phủ quy định; phải song song tiến hành cả hai biện pháp tuyên truyền
giáo dục và xử phạt. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm, năng
lực, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước trong các lĩnh vực nhằm hạn chế tối đa
các hành vi vi phạm…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân
Điệp- Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ TP đã cảm ơn và tiếp thu tất cả những
ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu để trình lên HĐND TP khoá XIII tại
kỳ họp thứ 10 vào đầu tháng 7 tới. Đồng chí cũng cho biết: Bên cạnh việc tổ chức
hội nghị PBXH lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên
gia…Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP đã ban hành kế hoạch số 28/KH-MTTQ-BTT ngày
17/6/2014 để tổ chức tham khảo ý kiến nhân dân về nội dung trong dự thảo Tờ trình
của UBND TP trình HĐND TP tại kỳ họp lần thứ 10, nhiệm kỳ 2011-2016 trên hệ thống
bình chọn trực tuyến của Uỷ ban MTTQ TP. Qua đó, phát huy quyền làm chủ, huy động
trí tuệ, tâm huyết của nhân dân đối với việc xây dựng các chính sách của TP, tạo
sự đồng thuận./.
Minh Thuý