MTTW khảo sát việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị

09/05/2017 - 12:00 AM

Thực hiện Kế hoạch số 370/KH-MTTW-BTT ngày 12/4/2017 và Công văn số 3482/MTTW ngày 03/5/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc khảo sát thực tiễn kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Chiều ngày 5/5/2017, đoàn khảo sát của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã về làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội.

Tới dự buổi làm việc có: đồng chí Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – Trưởng đoàn khảo sát, đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng các đồng chí trong Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến – UVBTV Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; đồng chí Nguyễn Kim Hoàng – Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, cùng các đồng chí lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố, các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện: Long Biên, Thanh Xuân, Thanh Trì, Gia Lâm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Chức – Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố trình bày Dự thảo báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.

Ngay sau khi Trung ương triển khai Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị; Thông tri số 28/TTr-MTTW-BTT và Kế hoạch số 471/KH-MTTW-BTT ngày 17/4/2014 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội và Quy định về tham gia góp kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối  hợp với Ban Dân vận Thành ủy tham mưu cho Thành ủy ban hành Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 4/3/2014, Quyết định số 6525-QĐ/TU ngày 25/9/2015, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội đã triển khai Kế hoạch số 26/KH-MTTQ-BTT ngày 6/6/2014 về triển khai thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn (tạm thời) số 31/HD-MTTQ-BTT ngày 12/11/2014 “về giám sát và nhận xét của Ban công tác Mặt trận đối với đảng viên đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ở nơi cư trú”  trong hệ thống MTTQ từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, MTTQ Việt Nam thành phố còn phối hợp với các đoàn thể chính tri – xã hội, sở, ngành Thành phố có kế hoạch giám sát chuyên đề theo những lĩnh vực cụ thể.

Qua 3 năm thực hiện, với sự chủ động, sáng tạo và kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn Thành phố đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát nhằm phát hiện những khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Trong 3 năm qua, MTTQ Việt Nam Thành phố đã tham gia 18 cuộc giám sát và khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, các Ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội; phối hợp tham gia cùng Thường trực HĐND Thành phố, các Ban của HĐND Thành phố giám sát 28 cuộc về triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND Thành phố; phối hợp với Sở LĐ – TBXH Thành phố giám sát tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật, Hội Y học, Hiệp Hội dược học và Sở Y tế Thành phố tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Vân Đình...; phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư Thành phố tổ chức giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở tại quận Hoàng Mai và phường Hoàng Văn Thụ....; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố tổ chức giám sát việc triển khai và thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ và Luật khoa học và Công nghệ tại UBND huyện Ba Vì, Thanh Oai, Viện Công nghệ thực phẩm – Bộ Công thương, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội...; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương và Hội Nông dân Thành phố giám sát việc tuân thủ pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi trong quá trình canh tác, chăn nuôi và sơ chế biến sản phẩm sau thu hoạch tại các huyện; phối hợp với Hội LHPN Thành phố tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước” trên địa bàn Thành phố tại quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng và huyện Thường Tín… Ngoài ra MTTQ Thành phố còn phối hợp với VKSND Thành phố giám sát việc tuân thủ pháp luật tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam của Công an Thành phố và Công an các quận, huyện, thị xã. Ở cơ sở, MTTQ các cấp đã chủ động, thường xuyên phối hợp tham gia giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND về phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, giám sát việc thực hiện Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nông thôn mới, giám sát việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ ở xã, phường, thị trấn được đẩy mạnh và hoạt động có hiệu quả, trong 3 năm qua các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ qua hoạt động giám sát đã kiến nghị với chính quyền thu hồi 157.675m2 đất và 14.637,4 triệu đồng.

Về hoạt động phản biện xã hội, với kinh nghiệm thực hiện từ tháng 10 năm 2010, ngay sau khi có Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, MTTQ Thành phố đã triển khai tới các cấp Mặt trận trên địa bàn, cho đến nay hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn Thành phố đã được triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Qua 3 năm thực hiện Quyết định số 217, MTTQ Thành phố đã tổ chức 10 hội nghị phản biện xã hội, MTTQ cấp huyện đã tổ chức 125 hội nghị, MTTQ cấp xã đã tổ chức 312 hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo nghị quyết của HĐND cùng cấp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố và địa phương trong phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng, quyền lợi và nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân.

Về hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ các cấp đều coi đây là một trong những công tác trọng tâm hàng năm. Từ khi có Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, công tác này đã lan tỏa và đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên, đoàn viên và nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo các văn kiện đại hội Đảng các cấp, đã có 13.376 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo chính trị; 5.786 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010 – 2015, qua đó đã được các cấp ủy Đảng tiếp thu, chính sửa, góp phần nâng cao chất lượng các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp; Việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị với các tầng lớp nhân dân được tổ chức hàng năm. Lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nhân dân, người lao động, chủ doanh nghiệp, nhất là người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, qua đó đã tiếp thu những ý kiến và giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của chủ doanh nghiệp, người lao động, tạo điều kiện, cơ chế trong sản xuất kinh doanh, cũng như giải quyết những chính sách liên quan đến người lao động như BHYT, BHXH, vấn đề nhà ở, trường mầm non và các thiết chế văn hóa cho người lao động. Các cấp ủy, chính quyền cấp huyện đã tổ chức 54 cuộc, cấp xã đã tổ chức 186 cuộc đối thoại với nhân dân, 99,77% cơ quan, đơn vị, đã tổ chức hội nghị CBCC, 65,31% doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị người lao động, qua đó đã tháo gỡ, giải đáp kịp thời những kiến nghị của nhân dân, công nhân viên chức người lao động.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Chủ trương của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được cụ thể hóa, thể chế hóa để triển khai thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội, nhiều nơi còn bị động từ khâu lựa chọn hình thức phối hợp đến nội dung, đối tượng giám sát. Việc triển khai tuy khá sâu rộng trong hệ thống chính trị song còn chung chung. Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa đủ điều kiện thực hiện từ khâu xây dựng kế hoạch đến khâu triển khai giám sát, phản biện xã hội. Sự phối hợp giữa MTTQ với các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa chặt chẽ, thường xuyên. Năng lực giám sát, phản biện xã hội của nhiều cán bộ Mặt trận các cấp còn lúng túng. Kinh phí dành cho hoạt động này còn nhiều khó khăn, nhất là ở những địa phương có nguồn thu ngân sách thấp...

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ hơn một số vấn đề về cơ chế, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị;  về vai trò chủ trì hay phối hợp của MTTQ, của các Hội đồng tư vấn, của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, về quy chế tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân; việc tiếp thu, giải quyết và trả lời của chính quyền đối với các kiến nghị của MTTQ...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trưởng đoàn khảo sát đánh giá Hà Nội đã chủ động triển khai, thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội rất tích cực và có hiệu quả, làm tốt ở cả 3 cấp với nhiều điểm mới trong cách triển khai, thực hiện nhiệm vụ,  góp phần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội./.

                                                                            Từ Ngọc Lâm

                                                                   Ban Dân chủ - Pháp luật

                                                                 Uỷ ban MTTQ Thành phố

 

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020