Lợi ích kép
Sau 5 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
80/QĐ - TTg về Quy chế giám sát đầu tư công cộng đã khuyến khích người
dân theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư,
hoạt động của các nhà thầu và đơn vị thi công dự án trong quá trình đầu
tư thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (do MTTQ thành lập). Xin
đưa ra một vài ví dụ để khẳng định hoạt động giám sát của Mặt trận các
cấp đã và đang mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng, giúp cấp ủy,
chính quyền nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành.
Qua theo dõi, ban giám sát đầu tư của cộng đồng
(GSĐTCCĐ) xã Lệ Chi (Gia Lâm) đã phát hiện 10 vụ việc sai phạm, điển
hình là vụ gian dối, thay đổi vật liệu khi thi công hệ thống mương cứng
của xã khiến lòng mương không đảm bảo theo yêu cầu và bình độ tiêu
thoát nước không đúng với thiết kế. Sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ
mặt trận đã buộc chủ thi công phải làm lại công trình theo đúng thiết
kế. Cũng tại huyện Gia Lâm, Ban Thanh tra nhân dân (TTND) xã Bát Tràng
phát hiện công trình xây dựng đài tưởng niệm thực hiện không đảm bảo kỹ
thuật trong thi công thiết kế đã đề nghị đình chỉ thi công để chủ đầu tư
sửa sai. Lực lượng TTND còn phát hiện nhiều vụ lấn chiếm đất công ở Yên
Thường, Kiêu Kỵ.
Do bám sát cơ sở, lực lượng TTND phường Nghĩa Đô (Cầu
giấy) đã phát hiện kiến nghị với Chủ tịch UBND phường về một vụ việc có
dấu hiệu vi phạm nguyên tắc thu chi tài chính tại nhà văn hóa phường.
Cán bộ Mặt trận phường Cống Vị (Ba Đình) phát hiện và kiến nghị thu hồi
2.033m2 đất công để xây dựng trường học. Tại huyện Chương Mỹ, thông qua
việc giám sát công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đã phát hiện 10
vụ lấn chiếm đất công, 1 vụ cho thuê mượn đất vượt thẩm quyền, 28 vụ sử
dụng đất sai mục đích...
Với sự vào cuộc tích cực, chỉ tính từ đầu năm 2010
đến nay cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã phát hiện, kiến nghị giải quyết 1.353
vụ việc. Trong các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đền
bù giải phóng mặt bằng cũng có sự tham gia của cán bộ mặt trận. Đặc
biệt, TP Hà Nội đã làm điểm tại 61 xã, phường, thị trấn về thực hiện quy
chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”.
Thông qua sự giám sát của Mặt trận, hơn 144.123m2 đất và hơn 3 tỷ đồng
được thu hồi về cho Nhà nước, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội, giải quyết những bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh việc thực hiện vai trò giám sát, MTTQ TP Hà
Nội đã tiên phong đi đầu cả nước ký kết với Thường trực HĐND - UBND TP
thực hiện Quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội. Với “công trình”
đầu tay - phản biện đề án thu học phí trong các trường công lập của UBND
TP trước khi trình HĐND TP xem xét, hoạt động này đã thực sự tạo điều
kiện để các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát huy quyền làm chủ và trách
nhiệm công dân trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các quyết sách
của TP.
Nỗi niềm người trong cuộc
Tại buổi tọa đàm về chất lượng hoạt động của TTND và
Ban GSĐTCCĐ do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức vừa qua đã nhận được nhiều ý
kiến phản hồi của chính những người trong cuộc. Phấn khởi trước sự quan
tâm của Nhà nước tới hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận (với sự
chỉ đạo sát sao từ Trung ương tới địa phương, kịp thời ban hành các các
văn bản hướng dẫn thực hiện, tập huấn nghiệp vụ...) nhưng cán bộ mặt
trận cho rằng vẫn còn quá nhiều bất cập trong khi triển khai nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch UB MTTQ phường Vạn Phúc (Hà Đông) Bạch
Ngọc Khanh chia sẻ, các chủ thi công không bao giờ muốn cán bộ Mặt trận
“xía” vào công việc của họ, tìm mọi cách để cán bộ làm công tác này
không tiếp cận với các dự án đầu tư. Nếu phía chính quyền không tạo điều
kiện, phối hợp tốt với MTTQ thì càng khó hơn nhiều. Hơn nữa, người
tham gia GSĐTCCĐ nhất là giám sát các công trình xây dựng đòi hỏi phải
có trình độ, am hiểu về kỹ thuật xây dựng. Trên thực tế vẫn có nhiều cán
bộ rất nhiệt tình nhưng kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn còn thiếu.
Do vậy, cần phải tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức và có kinh phí
hỗ trợ cho cán bộ làm công này. Cũng theo ông Khanh, nên trích từ nguồn
kinh phí xây dựng của mỗi một công trình để hỗ trợ lực lượng làm nhiệm
vụ, đồng thời đổi mới hình thức tập huấn theo cách tổ chức học tập rút
kinh nghiệm ngay tại thực địa.
Nhiều ý kiến cho rằng, MTTQ cấp cơ sở hiện nay có một
công cụ rất lợi hại giám sát đảng viên, cán bộ chính quyền địa phương,
trên thực tế, hoạt động này còn hình thức. Một cán bộ Mặt trận của
phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) cho biết, với hơn 100 cơ quan, đơn
vị đóng trên địa bàn phường, cán bộ Mặt trận mới chỉ tiếp cận được cơ
quan Đảng, chính quyền, công an, ngân hàng còn lại phải "bó tay". Hầu
hết các cơ quan rất khó chịu khi thấy mình bị giám sát cho dù đã được
thông báo "địa phương được quyền giám sát họat động của họ”. Kết quả
giám sát cán bộ, đảng viên cũng rất khiêm tốn, chưa có vụ việc sai phạm
nghiêm trọng nào được phát hiện thông qua giám sát. Nguyên nhân chính ở
đây là sự e ngại, nể nang, chưa kể cán bộ Mặt trận "gánh" quá nhiều
việc.
Đây chính là những hạn chế, khó khăn mà chỉ khi nào
cán bộ Mặt trận quyết tâm tự vượt qua, cộng với một thái độ hợp tác tích
cực từ phía cấp ủy, chính quyền thì công tác giám sát và phản biện mới
đạt được kết quả như mong muốn, mới giúp Đảng và Nhà nước nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý, điều hành, vai trò của nhân dân mới thực sự được
tôn trọng.
Lê Hương