Nâng cao hiệu quả việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

25/09/2024 - 04:53 PM
Giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được Hiến pháp và pháp luật quy định; là phương thức thực hành dân chủ và kiểm soát quyền lực trong quá trình hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng, trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan.
 
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết
liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết
các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 6/7/2023.
 
Thời gian qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc ngày càng được nâng cao chất lượng, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, Nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, nhiều kiến nghị sau giám sát đã chỉ ra những sai sót, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật của chính quyền, được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khắc phục, giải quyết kịp thời, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
 
Nhiều văn bản phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những góp ý cụ thể, sâu sắc đối với các dự án, dự thảo văn bản của các cơ quan chủ trì xây dựng, được các cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cao và ghi nhận, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật, đồng thời bảo đảm tính khả thi, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội…
 
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, việc tiếp thu, phản hồi, giải quyết kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được các cơ quan chức năng thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời; nhiều văn bản trả lời của cơ quan chức năng còn chung chung, chưa cụ thể, một số văn bản được trả lời chỉ mang tính chất thông báo, hình thức; nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình và phản hồi lại cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Nhận thức về vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và trách nhiệm tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về cơ chế bảo đảm thực hiện chưa thực sự đầy đủ và thống nhất; quy định cụ thể về chế tài đối với việc không thực hiện tiếp thu, phản hồi; về chất lượng văn bản kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở nhiều nơi chưa cao; về năng lực trình độ cán bộ Mặt trận chưa đồng đều, còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng, nhất là ở cấp cơ sở; cơ chế khuyến khích việc tham gia, phát huy trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và Nhân dân; Mặt trận chưa quan tâm thực sự đến công tác theo dõi, đôn đốc và quyết tâm “theo đuổi” đến cùng những kiến nghị...
 
Để thực hiện tốt hơn nữa việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới, cần quan tâm đề xuất một số nội dung kiến nghị cụ thể sau:
 
Thứ nhất, đề nghị các cấp ủy tiếp tục quan tâm đến công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư, đặc biệt quan tâm đến việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xác định đây là tiêu chí quan trọng trong đánh giá việc thực hiện cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
 
Các cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền tăng cường công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương trong thực hiện tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận; nghiên cứu ban hành và thực hiện nghiêm túc Quy chế tiếp thu, phản hồi ý kiến kiến nghị sau giám sát, sau phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trường hợp cấp ủy đã ban hành cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
 
Cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm cho ý kiến về chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu, phản hồi và giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận. Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định kỳ báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp thảo luận, có ý kiến để các tổ chức, cá nhân liên quan trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị. Định kỳ hàng năm chỉ đạo các cơ quan hữu quan sơ kết, tổng kết công tác phối hợp giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị nghiệm thu
đề tài khoa học cấp Bộ: “Việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, tháng 6/2024.     ẢNH: HƯƠNG DIỆP 

 
Thứ hai, đề nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện, đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan đến công tác giám sát, phản biện xã hội, quan tâm việc sửa đổi, bổ sung những quy định cụ thể về tiếp thu, phản hồi, thực hiện giải quyết kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; nghiên cứu xây dựng các đạo Luật riêng quy định về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng đầy đủ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, quyền giám sát, phản biện xã hội. Thực hiện và đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
 
Thứ ba, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan chủ động phối hợp tham gia công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chỉ đạo các bộ, ngành cơ quan chủ trì soạn thảo, xây dựng chính sách chủ động phối hợp với Mặt trận trong quá trình thực hiện công tác phản biện xã hội, thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm tiếp thu, giải trình đối với những kiến nghị phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nghiên cứu, ban hành quy định về tiếp thu, phản hồi, giải trình kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
 
Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số quy định bảo đảm kinh phí, ngân sách cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước hết là Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
 
Hiện nay việc sửa đổi đang được triển khai thực hiện, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Ban tư vấn thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện nhằm bảo đảm về kinh phí phù hợp, tương xứng với hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
 
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt quan tâm bảo đảm kinh phí và các điều kiện cho công tác giám sát và phản biện xã hội; chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo quy định.
 
Thứ tư, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tiếp tục quan tâm việc hướng dẫn công tác giám sát và phản biện xã hội, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống Mặt trận; hàng năm chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội, chú trọng việc lựa chọn trúng và đúng nội dung giám sát và phản biện xã hội; Xây dựng có hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2024 - 2029” để có cơ sở đề xuất những nội dung, cơ chế, chính sách cụ thể liên quan.
 
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn công tác giám sát và phản biện xã hội, chú trọng tập huấn nội dung về quy trình giám sát và phản biện xã hội, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, quan tâm theo dõi, đôn đốc, giám sát “đến cùng” việc tiếp thu, phản hồi của cơ quan có thẩm quyền; đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát và phản biện xã hội, trong đó có sự theo dõi về tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận; đồng thời trong quá trình thực hiện cần phát huy hơn nữa vai trò các chuyên gia, nhà khoa học, lực lượng cộng tác viên; phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, tuyên truyền nhằm lan tỏa rộng rãi về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung, về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận nói riêng, thực hiện công khai, minh bạch kết quả thực hiện và việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và phản biện của các cơ quan có thẩm quyền liên quan để Nhân dân biết và giám sát.
 
Tăng cường sự phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội; nâng cao chất lượng kiến nghị giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh theo dõi việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội; tăng cường giám sát đối với việc thực hiện kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Định kỳ, chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Trung ương theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện; tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp, phương hướng triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
 
Thứ năm, đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo rà soát các quy định liên quan đến tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đề xuất sửa đổi, bổ sung và xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
 
Sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015: Tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó chú trọng việc thi hành các chế định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đánh giá nghiêm túc, khách quan những ưu điểm, hạn chế và vướng mắc trong các quy định của Luật, các nguyên nhân nội tại và phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện Luật. Qua thực tiễn thi hành cho thấy, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với một trong những trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung là các quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) nội dung quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; chú trọng nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình, cơ quan thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản đối với phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình các kiến nghị sau phản biện xã hội của Mặt trận.
 
Sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết về hình thức và quy trình thực hiện giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Qua báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Nghị quyết liên tịch 403 cho thấy một số quy định, nội dung của Nghị quyết liên tịch số 403 cần được sửa đổi, bổ sung (phù hợp với các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015)1, để kịp thời giải quyết những bất cấp, hạn chế trong quá trình thực hiện, trước mắt cần đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 403, trong đó các vấn đề sau đây cần nghiên cứu để quy định cụ thể:
 
Quy định rõ thời hạn gửi các kiến nghị sau phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bổ sung quy định cụ thể thời điểm thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản trong quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi văn bản đề nghị và dự thảo văn bản đến Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để thực hiện phản biện xã hội, trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, phản hồi ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc đối với dự án, dự thảo văn bản...
 
Đề xuất xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân: Nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân. Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu và nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân”. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đối với việc xây dựng Dự án Luật Hoạt động giám sát của Nhân dân để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động, tổ chức để Nhân dân tham gia giám sát, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
 
Thứ sáu, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ sớm, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, chú trọng nâng cao chất lượng văn bản kiến nghị giám sát và kiến nghị phản biện xã hội;
 
Các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận cần rõ ràng, cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh theo dõi việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường giám sát đối với việc thực hiện kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.
 
Tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận. Thực hiện dân chủ, hiệp thương phối hợp chặt chẽ, tăng cường cung cấp thông tin phục vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; tăng cường phối hợp, hiệp thương thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Kịp thời thông tin, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tạo tiếng nói chung, thống nhất, mạnh mẽ của cả khối Mặt trận, đoàn thể, các thành viên của Mặt trận những vấn đề qua giám sát, phản biện xã hội.
 
Tiếp tục quan tâm đến công tác tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, nhất là ở cơ sở. Tăng cường sự tham gia của đội ngũ tư vấn, chuyên gia, nhà khoa học và những người có kinh nghiệm để nâng cao chất lượng kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có cơ chế động viên, khuyến khích xứng đáng đối với các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn, tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong thời gian tới.
 
Chú thích:
 
 1.  Báo cáo số 753/BC-MTTW-BTT ngày 10/11/2023 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
QUẢN THỊ THANH HẢI - Thạc sĩ, Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội,
 
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020