Hơn một ngàn đại biểu là cá nhân và đại diện cho các tập thể tiêu biểu trong các phong trào thi đ
ua,
xây dựng văn hóa của Thủ đô hơn 10 năm qua đã tụ hội về đây nhằm tôn
vinh văn hóa và khẳng định quyết tâm xây dựng văn hóa Hà Nội, văn hóa
Thăng Long xứng đáng với bề dày1000 năm lịch sử.
Ngày hội văn hóa Thăng Long - Hà Nội có sự hiện diện của Bí thư Thành ủy
Phạm Quang Nghị; nguyên Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế
Duyệt; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng
Kim; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, cùng đại diện lãnh đạo các
ban, ngành trung ương và Hà Nội.
Không ngừng phát triển văn hóa Hà Nội
Báo cáo 5 năm thực hiện Chương trình 08-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về
phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết
thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị
Thanh Hằng khẳng định, văn hóa Hà Nội đã có bước phát triển đáng kể từ
việc xây dựng cơ sở vật chất đến các sản phẩm văn hóa, từ văn hóa cộng
đồng đến từng văn hóa gia đình, văn hóa mỗi cá nhân. Nhiều công trình
văn hóa lớn đã được xây dựng và cải tạo, nâng cấp trong những năm qua
như các nhà hát, rạp chiếu phim, tượng đài, công viên, trung tâm giải
trí… Đặc biệt với chủ trương xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể thao, Hà
Nội đã khơi dậy nguồn lực to lớn cùng tham gia phục vụ nhu cầu thưởng
thức văn hóa nghệ thuật ngày càng cao
của người dân Thủ đô. Song song với thực hiện Chương trình 08, phong
trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (2000-2010) đã góp
phần làm dày thêm những kết quả phát triển văn hóa, xây dựng người Hà
Nội thanh lịch, văn minh. Không chỉ xây dựng được hàng vạn các mô hình
gia đình, làng, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa, phong trào còn
tham gia thiết thực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, lễ tang,
lễ hội và sinh hoạt tín ngưỡng. Dù kết quả chưa thực sự như mong đợi,
nhưng thành phố đã bước đầu định hình được nếp sống mới phù hợp hơn, văn
minh hơn và trở thành suy nghĩ, hành động của đông đảo người Hà Nội.
Sự phát triển văn hóa của Hà Nội trong những năm qua
được thể hiện sâu đậm, mạnh mẽ thông qua những kết quả của 15 năm thực
hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu
dân cư", 10 năm tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời
sống văn hóa và kết quả 10 năm (2000-2009) xây dựng, quản lý và sử dụng
Quỹ "Vì người nghèo". Qua mỗi công việc này, chúng ta đều thấy hiện lên
rạng rỡ giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết của người Hà Nội. Nhờ đó,
người nghèo được giúp đỡ để vươn lên, người có công được quan tâm, người
khó khăn vì thiên tai được hỗ trợ… Những nghĩa cử tốt đẹp đó đã làm ấm
lòng hàng trăm ngàn người, tô thắm thêm tinh thần đoàn kết, tình cảm yêu
thương, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng dân cư thành phố. Đó chính là
những giá trị bảo đảm cho văn hóa người Hà Nội trường tồn và không ngừng
phát triển.
Mỗi người Hà Nội phải có trách nhiệm giữ gìn văn hóa
Điều đáng vui mừng tại Ngày hội văn hóa Thăng Long - Hà Nội tối qua
không chỉ vì những kết quả hết sức đáng khích lệ của các cuộc vận động,
các phong trào xây dựng và phát triển văn hóa, mà chính là Hà Nội đã
khẳng định được quyết tâm mạnh mẽ trong nhiệm vụ quan trọng này. Phó Chủ
tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ nhiệm Chương trình 08 đã dành
nhiều thời lượng phân tích những hạn chế trong thực hiện chương trình,
đặc biệt là nhiệm vụ nặng nề và khó khăn khiến biết bao người tâm huyết
với Hà Nội vẫn còn đau đáu. Đó là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn
minh. Sự nhìn nhận thấu đáo cũng như quyết tâm mạnh mẽ trong việc phát
triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn được
khẳng định trong phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị. Mở đầu
phát biểu, đồng chí nhấn mạnh: "Trải qua 1000 năm lịch sử, truyền thống
văn hiến của Thủ đô không ngừng được hun đúc, phát huy và trở thành giá
trị bền vững, là tài sản vô cùng quý báu của Thủ đô Hà Nội nói riêng,
của đất nước nói chung. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đó vừa
là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của mỗi công dân Thủ đô".
Đồng chí Bí thư thẳng thắn chỉ ra nhiều thói hư tật xấu vẫn diễn ra hằng
ngày, thậm chí là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay như tình trạng
vi phạm trật tự an toàn giao thông, tệ xả rác ra đường, những lời ăn
tiếng nói chưa đẹp trong giao tiếp hay nạn bạo lực học đường… Đồng chí
khẳng định, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là thời cơ đặc biệt để
Hà Nội thúc đẩy các phong trào, các cuộc vận động phát triển văn hóa,
xây dựng văn hóa người Hà Nội có bước tiến mới. Vì vậy, các cấp, các
ngành thành phố phải nỗ lực hết sức thực hiện các chương trình, kế hoạch
với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm sao để mỗi công dân Thủ đô thực
sự là chủ thể tích cực, sáng tạo giữ gìn và phát huy văn hóa xã hội,
góp phần tích cực xây dựng văn hóa Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Tổng kết chương trình, thành phố đã khen tặng nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong các phong trào.