(HNM) - Ngày 23-1, Đại hội lần thứ XII của Đảng làm việc tại hội trường. Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Đại hội tiếp tục thảo luận về các văn kiện.
Đây là phiên thảo luận tập trung lần cuối về văn kiện trước khi Đại hội chuyển sang những phần việc quan trọng khác. Các ý kiến đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm về các vấn đề thiết thực đối với đời sống dân sinh và tương lai đất nước.
|
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Vấn đề vị thế đất nước, năng lực cạnh tranh quốc gia là những chủ đề "nóng", là mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu dự Đại hội. Trong tâm tư ai cũng trăn trở trước sự phát triển của đất nước chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Cũng với tinh thần đó, tham luận trong phiên họp sáng qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, 5 năm qua, chúng ta đạt được nhiều kết quả hội nhập quan trọng, song mới ở giai đoạn "gia nhập, tham gia, đàm phán" ký kết các thỏa thuận quốc tế, khu vực. Công tác triển khai hội nhập quốc tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Sự chuẩn bị trong nước đối với các cam kết quốc tế sắp phải thực hiện còn chậm và thiếu chủ động, trong đó lớn nhất là chưa tận dụng được các cơ hội của hội nhập quốc tế, với hội nhập kinh tế là trọng tâm. Do đó, thách thức của hội nhập kinh tế sẽ ngày càng tăng lên".
Trước bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, phải thực hiện triệt để phương châm "triển khai đồng bộ" các định hướng đối ngoại được Đại hội XII thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt tới tài năng trẻ; bồi dưỡng, đào tạo các tài năng trẻ trở thành chuyên gia trên các lĩnh vực, là đầu tàu dẫn dắt các phong trào và hoạt động thanh niên. Cùng tư duy tăng cường bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa kiến nghị cần sớm xây dựng, ban hành và thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực nữ Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn năm 2030. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương kiến nghị sớm ban hành và thực hiện Đề án tổng thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam với quan điểm "Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế và hiện thực hóa các cơ hội của hội nhập quốc tế, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp theo hướng năng động, đổi mới và sáng tạo, thực hiện thành công ba đột phá chiến lược trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế".
|
Các đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: TTXVN |
Ý kiến của các đại biểu địa phương, bộ, ngành có điểm chung là mong muốn trung ương tiếp tục chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành. Trung ương tiếp tục có những cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp hợp tác, gắn bó hơn nữa với nông dân... Trên hết, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được đại biểu đề cao. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, phải thực hiện thật tốt chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước là bảo đảm an sinh xã hội. Các cấp ủy cần coi các chính sách xã hội là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài, liên tục từ đó chủ động đề ra các giải pháp phù hợp nhằm mục tiêu bảo đảm tốt an sinh xã hội, chăm lo cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, phải thực hiện những bài học quan trọng về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Đảng phải lắng nghe nhân dân, vì nhân dân, dựa vào nhân dân, để nhân dân tin vào Đảng. Và chỉ có như vậy, Đảng mới có thể lãnh đạo thành công đường lối đổi mới.
Đầu giờ chiều, Đại hội làm việc tại hội trường về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch, thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Số lượng Ủy viên chính thức tăng 5 đồng chí, giảm 5 Ủy viên dự khuyết so với khóa trước.
Theo chương trình, hôm nay 24-1, Đại hội sẽ làm việc tại đoàn về công tác nhân sự.
Công tác chuẩn bị nhân sự chặt chẽ, thấu đáo
Trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội chiều 23-1, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng (Đoàn Đảng bộ Quân đội) khẳng định, công tác chuẩn bị nhân sự chặt chẽ, thấu đáo. Cụ thể, công tác nhân sự đã được Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) thảo luận rất kỹ. Nhiều ý kiến cho rằng nên nâng số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lên vì hiện nay có nhiều nhiệm vụ phát triển và đặc biệt trong Đảng, có nhiều bộ phận thành lập thêm như: Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương... do đó cần có thêm Ủy viên Trung ương. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, không cần tăng lên nhiều, 200 đồng chí là hợp lý. So với khóa trước, số lượng Ủy viên Trung ương tăng từ 175 đồng chí lên 180 đồng chí và Ủy viên dự khuyết giảm từ 25 đồng chí xuống còn 20 đồng chí, nghĩa là Ban Chấp hành Trung ương vẫn giữ nguyên số lượng là 200 đồng chí, nhưng có sự thay đổi số lượng Ủy viên dự khuyết và Ủy viên chính thức.
Công tác chuẩn bị nhân sự lần này công phu hơn, chặt chẽ hơn từ cơ sở lên. Các đồng chí dự kiến giới thiệu vào Trung ương lần này được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu, đều qua rất nhiều vòng từ cơ sở, được Bộ Chính trị bỏ phiếu, rồi mới ra Trung ương giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới… Tiêu chí cụ thể đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương đã rất rõ trong Phương án nhân sự Ban Chấp hành Trung ương. Đó là các đồng chí có năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và đặc biệt có trách nhiệm đối với đất nước và có tư duy về chiến lược… Đặc biệt, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đưa ra tiêu chí không để lọt những người cơ hội, những người thiếu phẩm chất đạo đức, những người đứng đầu tổ chức, đơn vị để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, mất đoàn kết, trù dập cán bộ… vào Ban Chấp hành Trung ương. “Tôi cho rằng, đây là lần tổ chức nhân sự hết sức chặt chẽ và chọn được những người mà tôi rất tin là sẽ lãnh đạo đất nước ta phát triển vượt bậc” - Thượng tướng Võ Tiến Trung khẳng định. |