Lớn lên trong một gia đình làm nghề trồng hoa và cây
cảnh nên chị được thừa hưởng cái nghiệp của bố mẹ. Không những thế, chị
còn có gia cảnh đặc biệt: chồng là một Trung úy (bệnh binh, mất sức
61%) , hội viên Cựu chiến binh, mẹ chồng chị hiện là Chủ tịch Hội Cựu
thanh niên xung phong của xã.
Những ngày đầu khởi nghiệp, cách đây hơn 20 năm, tài
sản hai vợ chồng chị lúc đó chỉ là chiếc xe đạp lọc cọc, nhưng với
nguyện vọng vươn lên thoát nghèo, anh chị đã có ý tưởng khởi nghiệp từ
việc nuôi cá cảnh và được gia đình ủng hộ. Với số vốn khoảng hơn 2
triệu đồng do Hội cựu chiến binh và Hội phụ nữ của xã cho vay, chị bắt
đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá cảnh, rồi xây vài chục bể nhỏ để nuôi cá.
Chị phải lăn lộn, vất vả thức khuya dậy sớm, lần mò đến các mương, rãnh
để hớt giun nước về nuôi cá. Khi nghề cá cảnh đi vào ổn định, vợ chồng
chị mở thêm hướng kinh doanh hoa, cây cảnh.
Với bản chất cần mẫn, năng động, thông minh, lại
được thừa hưởng cái nghiệp của gia đình, chị Hương đã bắt đầu chuyển
hẳn từ kinh doanh cá sang kinh doanh hoa, cây cảnh. Anh chị đã mày mò,
học hỏi kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh trên khắp cả nước.Thậm chí, năm
2000, chị đã mạnh dạn ra nước ngoài học tập các mô hình làm kinh tế để
áp dụng tại gia đình, được chính quyền địa phương, và các ban ngành
đoàn thể ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ từ cung cấp mặt bằng đến việc
chuyển đổi cây trồng.
Với diện tích hơn 2000m2 đất vừa của nhà, vừa đi
thuê, chị cùng gia đình đã sưu tầm các cây cảnh từ khắp mọi miền trong
và ngoài nước. Hiện nay, có khoảng ba bốn chục loại cây cảnh có giá trị
lớn như: Tùng la hán, si, hắc kim tùng…Đấy là còn chưa kể tới rất
nhiều loài hoa có giá trị nhập từ Đà Lạt, Trung Quốc, Hà Lan… để bán
vào các dịp lễ, Tết. Với sự nhạy bén trên thương trường, chị đã nhanh
chóng nắm bắt và chiếm lĩnh thị phần về dịch vụ cây cảnh quý hiếm và
các cây thế đủ loại. Hầu hết, hoa, cây cảnh chị đều xuất cho các đại lý
lớn trong nước, để từ đó phân phối ra thị trường.
Chị chân tình cho biết, kinh doanh cây cảnh thì
quanh năm, nhưng hoa chủ yếu cung cấp theo thời vụ, tuy nhiên cũng phải
tùy thuộc vào thiên nhiên. Có những năm thời tiết khắc nghiệt, hoa nhập
về bị chết, chị mất khoảng 5 đến 6 trăm triệu đồng, nhưng không vì thế
mà chị chùn bước. Nhiều năm nay, chị còn nhận đặt cây và thiết kế mô
hình phục vụ hoa và cây cảnh trên mọi quy mô khuôn viên theo yêu
cầu.Chị không giấu nổi niềm tự hào khi khoe rằng gia đình chị được vinh
dự cung cấp rất nhiều loài hoa cho Lễ hội phố hoa của Thành phố Hà Nội
trong dịp Tết vừa qua.
Không chỉ giỏi trong kinh doanh, chị còn là người
phụ nữ chịu thương chịu khó, đảm đang chăm sóc gia đình. Hai con của
chị hiện đều đang theo học đại học. Chị còn tham gia công tác xã hội
rất nhiệt tình, luôn giúp đỡ tạo điều kiện cho hội viên cách làm kinh
tế để vươn lên xóa đói giảm nghèo, có thu nhập ổn định...
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội
phụ nữ xã, cho biết: cụ Nguyễn Thị Điệp, mẹ chồng chị Hương năm nay đã
79 tuổi, nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Hiện bà là chủ
tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của xã, người phụ nữ đầy tâm đức này
đang nuôi một con của Hội viên ăn học…
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hương còn là một hội
viên nhiệt tình trong công việc của Hội. Với ý chí và nghị lực vươn lên
xóa đói giảm nghèo, lại may mắn có được người mẹ chồng tâm đức, năm nào
chị và gia đình cũng nhận được nhiều bằng khen của Trung ương Hội,
Thành hội về gương điển hình của Thành phố làm kinh tế giỏi, và gương
“Người tốt việc tốt” của Thành phố.
Không phải vô tình mà chị em trong xã đã tôn vinh chị
với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.
Thu Uyên
Ảnh: Cơ sở trồng hoa, cây cảnh của chị Hương