Người với người sống để thương nhau

04/12/2013 - 12:00 AM

Đã quen chống chọi với lũ dữ, nhưng chưa có khi nào đồng bào miền Trung lại gánh chịu sự tàn khốc của thiên nhiên đến như vậy. Chỉ trong vòng 2 tuần, khúc ruột miền Trung liên tiếp oằn mình hứng chịu 2 cơn bão dữ số 10 và 11, gây thiệt hại nặng nề về người và của, làm hàng chục ngưòi chết, hàng trăm người bị thương và mất tích  hàng nghìn ngôi nhà bị sập trôi, hàng nghìn hecta hoa màu bị ngập úng…
 Khi cơn bão số 10, số 11 và siêu bão Hải Yến vừa đi qua thì người dân miền Trung lại hứng chịu cơn đại hồng thủy.Tại nhiều làng, xã, đâu đâu cũng thấy cảnh tượng nhà cửa xơ xác tiêu điều, tài sản, hoa màu của người dân đều đã trôi ra sông ra biển, khó có ai có thể đo đếm được. Tại Quảng Ngãi, lũ đã làm hơn 700ha đất canh tác bị cát bồi lấp, hơn 15.000 tấn lương thực bị hư hỏng, hàng nghìn tấn thóc giống bị ướt, gần 1.500ha cây công nghiệp ngắn ngày bị ngập úng, hơn 11.000 con gia súc và gần 11.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi, gần 15km kênh mương đã sạt lở…
Triệu trái tim, triệu tấm lòng. Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đã trở thành kim chỉ nam hành động cho mỗi tổ chức, cá nhân. Đã là con rồng, cháu tiên, cùng trong một bọc trứng thì lá lành đùm lá rách là nghĩa cử cao đẹp mà trong mỗi người dân Thủ đô đều nghĩ đến khi từng giờ, từng ngày chứng kiến nỗi đau tột cùng của đồng bào miền Trung.Vì vậy, ngay sau khi có Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam, Kế hoạch số 32/KH-MTTQ-BTT ngày 02/10/2013 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP, MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân Thủ đô đã tích cực hưởng ứng bằng các hành động cụ thể.
 Uỷ ban MTTQ các quận, huyện, thị xã đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các xã, phường, thị trấn và khu dân cư (KDC); phối hợp với Phòng Văn hoá- Thông tin của quận, huyện chỉ đạo cán bộ thông tin cơ sở đưa Lời kêu gọi, Kế hoạch vận động ủng hộ lên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn, KDC. Các Ban Công tác Mặt trận (BCTMT) cơ sở rất tích cực vào cuộc, đã thành lập đoàn vận động đi quyên góp đến từng hộ gia đình, các hộ kinh doanh cá thể, các cá nhân, các nhà hảo tâm; tích cực tuyên truyền, động viên, kêu gọi nhân dân trên địa bàn tham gia ủng hộ. Đồng thời, tăng cường thời lượng phát thanh tuyên truyền trên loa đài của KDC, công bố danh sách báo cáo công khai kết quả và biểu dương các hộ đã kịp thời ủng hộ. Các cơ quan, đoàn thể của TP cũng tích cực vận động theo ngành dọc đến cán bộ, đoàn viên, hội viên ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ. Điển hình như: TAND TP, LĐLĐ TP, Thành đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo TP... Nhiều đơn vị đã  tổ chức vận động không chỉ hội viên của mình còn vận động các tổ chức, doanh nghiệp (DN), nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài như Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo Tây Trường Sơn, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP…Các đơn vị này đã triển khai đã vận động tiền, hàng và ủng hộ trực tiếp đến các nơi bị bão lũ.Tính đến ngày 15/11/2013, Quỹ “cứu trợ” TP đã thu được tổng số tiền trên 21, 5 tỷ đồng. Trong đó, thu ủng hộ trực tiếp của các đơn vị, DN và cá nhân đạt gần 4 tỷ đồng; thu gián tiếp từ Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã đạt 17,5 tỷ đồng. Một số đơn vị vận động được số tiền ủng hộ cao như: Đống Đa 2,8 tỷ đồng, Thanh Xuân 2,2 tỷ đồng, Cầu Giấy 2,06 tỷ đồng, Hoàn Kiếm 1,83 tỷ đồng, Ba Đình 1,5 tỷ đồng, Tây Hồ 1,472 tỷ đồng, TCty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội 500 triệu đồng, CATP 500 triệu đồng…
Bên cạnh đó, các cơ quan đoàn thể, các Hội quần chúng đã vận động trong cán bộ hội viên, đoàn viên và nhân dân ước khoảng: 10,925 tỷ đồng ( gồm tiền mặt và trị giá hàng hóa). Trong đó,  Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội  5,390 tỷ đồng, Hội CCB TP  2,519 tỷ đồng, Hội Hội LHPN TP 1,416 tỷ đồng, Thành đoàn Hà Nội ước đạt 1 tỷ đồng, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP 600 triệu đồng,…
Để kịp thời chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung, số tiền trên đã được Ủy ban MTTQ TP chuyển đến các tỉnh miền Trung và bắc Tây nguyên bị thiệt hại do bão lũ thành 03 đợt với tổng số tiền 17 tỷ đồng. Trong đó, đợt 1 ủng hộ 6 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lũ với tổng số tiền 7 tỷ đồng. (Cụ thể: Quảng Bình: 2 tỷ đồng, Thanh Hóa: 1 tỷ đồng; Nghệ An: 1 tỷ đồng; Hà Tĩnh: 1 tỷ đồng, Quảng Trị 1 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế 1 tỷ đồng).  Đợt 2, ủng hộ 4 tỷ đồng  cho 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do cơn bão số 11. (Cụ thể: TP Đà Nẵng: 1 tỷ đồng; Quảng Nam: 1 tỷ đồng; Quảng Ngãi 1 tỷ đồng, Quảng Trị 500 triệu đồng; Thừa Thiên Huế: 500 triệu đồng).  Đợt 3, ủng hộ 6 tỷ đồng cho đồng bào các tỉnh Miền Trung và bắc Tây Nguyên bị ảnh hưởng do áp thấp nhiệt đới (Cụ thể: Thừa Thiên Huế: 1 tỷ đồng; Quảng Nam 1 tỷ đồng, Quảng Ngãi 1 tỷ đồng, Bình Định: 1 tỷ đồng, Gia Lai 1 tỷ đồng,  Phú Yên: 1 tỷ đồng).
Ngoài ra, theo báo cáo từ Uỷ ban MTTQ các quận, huyện, thị xã và các đoàn thể, các Hội, một số cơ quan, đơn vị, nhân dân Thủ đô còn đến hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào miền Trung với tổng số tiền mặt ước khoảng 4,5 tỷ đồng và 5,318 tỷ đồng trị giá hàng hóa gồm: 27,7 tấn gạo, 7.855 thùng mỳ tôm, 8.435 bộ quần áo, 1.600 bộ đồ dùng học tập, 40 bộ sách giáo khoa, 5.300 quyển vở, 10.000 thời khoá biểu, 705 chiếc chăn bông, 01 bộ máy tính, 1.050 chiếc khăn mặt, 150 chiếc màn, 300 đôi tất, 2 thùng thuốc chữa bệnh và 89 thùng hàng khác các loại…
Với tinh thần cả nước hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt, có thể nói, chưa có khi nào tinh thần tưong thân tương ái của ngưòi Việt Nam nói chung, nhân dân Thủ đô nói chung lại toả sáng và phát huy mạnh mẽ như trong các đợt quyên góp ủng hộ vừa qua. Đó chính là biểu hiện sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, một nguồn lực quan trọng để đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức và phát triển bền vững./.

                                                              TRI PHƯƠNG

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020