Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, do là Huyện xa trung
tâm Thủ đô Hà Nội, cơ sở vật chất phát triển kinh tế chưa mạnh, song
công tác xây dựng và phát triển đời sống văn hóa huyện Ba Vì trong 15
năm qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện
khá tốt; sự phối hợp, gắn kết giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị
được phát huy. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền
thống được quan tâm thực hiện; đạo đức lối sống của đại bộ phận cán bộ,
đảng viên, nhân dân có nhiều tiến bộ. Từ cơ chế hỗ trợ của Huyện và các
nguồn lực xã hội hóa, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thông
tin, thể thao cơ sở trên địa bàn Huyện đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Đầu tiên, trên lĩnh vực xây dựng con người mới với tư tưởng và phẩm chất
đạo đức lối sống, 15 năm qua huyện Ba Vì đã tổ chức cho hơn 87% cán bộ
đảng viên và hàng vạn hội viên, đoàn viên được học tập Nghị quyết Đại
hội Đảng các cấp. Phong trào con người mới gắn với chuẩn mực cụ thể của
từng giới, từng ngành được Huyện phát động, đặc biệt là cuộc vận động
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phong trào thể dục
thể thao quần chúng được mở rộng, số người tham gia tập luyện thường
xuyên chiếm hơn 20% dân số. Công tác y tế được quan tâm, trên địa bàn
Huyện không có dịch bệnh lớn nào xảy ra suốt 15 năm qua, đã có 87% trạm y
tế có bác sỹ, gần 97% số cơ sở đạt chuẩn quốc gia về y tế. Chương trình
xóa đói giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả đến nay chỉ còn 11,9% hộ
nghèo trên địa bàn toàn Huyện.
Lĩnh vực thứ hai về xây dựng môi trường văn hóa được Huyện triển khai
với nhiều mô hình điểm hiệu quả. Đó là cuộc vận động xây dựng gia đình
văn hóa, nếu năm 1998 có 44,1% hộ được công nhận thì đến nay có hơn 80%
số hộ đạt tiêu chuẩn. Mô hình xây dựng làng, cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp văn hóa cũng đã đi vào chiều sâu, có 31/31 xã, thị trấn xây dựng
được quy ước làng văn hóa. Đến nay có gần 62,5% số làng đạt danh hiệu
làng văn hóa, cao hơn so với năm 1998 là gần 50%; có 58 cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp được công nhận làng văn hóa. Về thực hiện nếp sống văn
minh trong việc cưới, tang, mừng thọ và lễ hội, huyện Ba Vì đã đề ra
Nghị quyết 02 về thực hiện nếp sống văn minh trong các việc trên. Đến
nay đã có 32% hộ gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc
cưới với 50 mâm, mỗi mâm 6 người. Đám tang thực hiện là hơn 54%, mừng
thọ là 61% và lễ hội đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trên địa
bàn, thực hiện tốt hai phần lễ và hội đảm bảo trang trọng, tiết kiệm.
Về sự nghiệp giáo dục, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học ngày
càng hoàn thiện, tiếp tục giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học và hoàn
thành phổ cập trung học cơ sở, 18 trường đạt chuẩn quốc gia, học sinh
giỏi các cấp ngày một tăng đi đôi với số lượng học sinh đỗ đại học, cao
đẳng tăng hàng năm.
Trên các lĩnh vực phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin, huyện Ba Vì
mỗi năm tổ chức hàng trăm đêm văn nghệ quần chúng, thành lập chi hội văn
nghệ xứ Đoài… Huyện cũng đã đầu tư gần 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách
nhà nước và nhân dân đóng góp để tôn tạo nhiều di tích lịch sử văn hóa
như : Đền Hạ- Đền Trung- Đền Thượng, Đình Thụy Phiêu, Tây Đằng, Chu
Quyến…Ngoài ra, 180 Nhà văn hóa thôn được xây dựng với nguồn kinh phí
nhà nước và nhân dân đóng góp là hơn 30 tỷ đồng. Song song với đó việc
bảo tồn và phát huy, phát triển văn hóa dân tộc 7 xã miền núi được chú
trọng, đó là huyện đã khai thác đưa vào liên hoàn văn nghệ các bài hát
Mường, Dao, những điệu múa Rùa, chuông của đồng bào Dao. Sưu tầm, lưu
giữ bộ trang phục, đồ dùng của hai dân tộc Mường và Dao. Trên lĩnh vực
đưa thông tin về cơ sở, đến nay 100% xã có Đài Truyền Thanh, gần 80% dân
được nghe đài bốn cấp…
Có thể nói thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII trên địa bàn
huyện Ba Vì, nhận thức của cán bộ và nhân dân được nâng lên, Huyện tiếp
tục giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học và hoàn thành phổ cập trung học
cơ sở, thực hiện có hiệu quả việc thực hiện nếp sống văn minh an sinh xã
hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững, văn hóa dân tộc
thiểu số được bảo tồn và phát huy, đến năm 2012 thu nhập bình quân đầu
người trên địa bàn huyện là 24,7 triệu đồng.
Lê Hồng Đạt (Đài Truyền Thanh huyện Ba Vì)