Năm 2011, ông Lê Truyền đã tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 13 sau khi nghỉ cương vị Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Trong những ngày đang diễn ra những vòng hiệp thương cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV này, ông Lê Truyền- hiện là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhớ lại và bảo rằng mặc dù lần đó ông không trúng cử nhưng đó như một trải nghiệm thú vị của một người mà cuộc đời luôn gắn bó với công tác Mặt trận.
Ông Lê Truyền.
Ngày 16/2, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Còn tại các địa phương, UBMTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021. Dịp này, ông Lê Truyền kể lại chuyện tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
PV: Thưa ông, hồi ấy quả thực nhiều người khá bất ngờ khi biết ông có đơn xin tự ứng cử. Ông còn nhớ đâu là lý do để một người từng nhiều năm trực tiếp tham gia các kỳ hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội lại tự mình ứng cử đại biểu Quốc hội không?
Ông Lê Truyền: Đúng là hồi ấy nghe tin tôi tự ứng cử, nhiều người gọi điện cũng bảo bất ngờ. Nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, sau ngần ấy năm công tác, tham gia nhiều công việc khác nhau, tham gia làm công tác hiệp thương nhiều kỳ bầu cử Quốc hội, đến lúc đã nghỉ hưu tôi tự ứng cử vì thấy mình có điều kiện hơn, cả về thời gian, về kinh nghiệm, về kiến thức…để trở thành một đại biểu của nhân dân.
Thứ hai là, trong những năm làm công tác Mặt trận, rất nhiều hội nghị của Mặt trận đã bàn và nêu nhiều về vấn đề tự ứng cử. Tôi còn nhớ là khi chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa 12, tại các hội nghị của Mặt trận có một vấn đề đã được đặt ra: Người tự ứng cử có cơ cấu không? Cơ cấu nằm ở chỗ nào? Vì thế, khi đã nghỉ hưu tôi đã tự ứng cử để nhập cuộc, tự cọ xát xem vấn đề người tự ứng cử như thế nào.
Trước đây cũng nhận xét nhiều về các ứng cử viên tại các hội nghị hiệp thương, thì khi đứng ra tự ứng cử, tôi đã phải tự làm những việc liên quan đến bản thân mình. Mà nếu mình không trải nghiệm thì không bao giờ có thể biết được những chi tiết đó (bao gồm từ thủ tục của Đảng, thủ tục của một người tự đứng ra ứng cử như nhận hồ sơ ký nhận, photo tài liệu….) và mình biết đến rất nhiều vấn đề của người tự đứng ra ứng cử.
Tóm lại lần tự ứng cử của tôi là muốn tìm hiểu để góp phần vào việc thay đổi quan niệm đối với người tự ứng cử vào Quốc hội tại Việt Nam - trong một xu thế dân chủ ngày càng được mở rộng.
Trong quá trình làm thủ tục tự đứng ra ứng cử, ông có gặp vướng mắc gì không? Có khó khăn gì khiến người tự ứng cử cảm thấy nản lòng không?
- Không có gì vướng mắc cả. Trong quá trình đi làm thủ tục, tôi thấy nếu như mình cứ tôn trọng luật pháp và cơ quan làm công tác bầu cử cũng tôn trọng luật pháp thì mọi chuyện chẳng có gì khó khăn.
Từ trải nghiệm đó, theo ông, bây giờ chúng ta phải đổi mới công tác bầu cử như thế nào, trong xu hướng càng ngày càng có nhiều người tự ứng cử?
- Trước hết là chúng ta phải dần dần thay đổi quan niệm về người tự ứng cử, để mọi người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện dám ứng cử một cách thoải mái. Thay đổi thì trước hết là những người tự ứng cử là những người bình thường (bình đẳng) như những người được giới thiệu. Rồi người bình thường ấy lại phải đi vào tiêu chuẩn, điều kiện, khả năng….sao cho thuyết phục.
Việc thay đổi quan niệm ấy thì bắt đầu từ những người làm công tác bầu cử; rồi thay đổi cả trong nhân dân để mọi người tự xét tiêu chuẩn, điều kiện của mình để tự ứng cử một cách bình thường. Khi đã thành danh sách rồi, tự ứng cử hay giới thiệu cũng đều gọi là người ứng cử đại biểu QH cho dân chủ, bình đẳng.
Khi lấy ý kiến cử tri của người tự ứng cử ở nơi cư trú, ông còn nhớ ấn tượng với điều gì không?
- Hồi ấy tôi đã được lấy ý kiến của cử tri ở 3 tổ dân phố, với tổng số đại biểu không kể khách mời, kết quả có 65 người thì 61 người đồng ý. Tính ra là trên 90%. Trong số những người không đồng ý, có người hỏi tôi: ông ứng cử theo cơ cấu nào?
Theo tôi, phải coi những cuộc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác là rất quan trọng. Vì thế, làm những việc đó phải chuẩn bị chu đáo. Trước hết là số lượng cử tri tham dự các cuộc lấy ý kiến ở nơi cư trú nên mở rộng ra để nhiều người tham dự và cũng là việc tuyên truyền sâu rộng hơn trong nhân dân về hoạt động bầu cử. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri phải cung cấp đầy đủ những thông tin của những người ứng cử cho cử tri biết.
Hồi đó khi tự ứng cử ông dù đã nghỉ hưu vẫn là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Đảng đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam có ý kiến gì về việc ông tự ứng cử không?
- Tôi có xin ý kiến, Ban thường trực và Đảng đoàn hồi ấy nhất trí với việc tự ứng cử của tôi.
Vấn đề kê khai tài sản cũng được xem như là sự trung thực của người tự ứng cử? Theo ông có giám sát được việc kê khai này không?
- Ở Việt Nam, để quản lý được tài chính tài sản của cá nhân là việc khó làm. Kê khai tài sản đối với những người tự ứng cử cũng là những cái chung trong quản lý cán bộ. Nhưng mục này cũng là tài liệu được giữ kín mà khi nào có người hỏi mới trả lời, hoặc khi người ta phát hiện những trường hợp này, trường hợp khác có tài sản không giống như bản kê khai, mới đối chiếu, điều tra và kết luận. Còn hiện tại việc kê khai tài sản chưa phải là một tài liệu, thông tin công khai cho cử tri biết để tiến hành hội nghị hiệp thương.
Đối với các bước hiệp thương hiện nay, là người làm công tác Mặt trận nhiều năm, làm công tác bầu cử qua nhiều khóa, tham dự nhiều lần hiệp thương, ông thấy cần phải thay đổi gì trong quá trình hiệp thương?
- Hội nghị hiệp thương theo đúng nghĩa là dân chủ, thảo luận kỹ lưỡng, thỏa thuận với nhau để tìm ra kết quả chung. Mặt trận làm việc theo nguyên tắc hiệp thương ở nhiều vấn đề khác nhau, nhưng các hội nghị hiệp thương về việc giới thiệu người ra ứng cử là hội nghị Hiệp thương quan trọng nhất của mặt trận TQVN.
Theo tôi hội nghị hiệp thương lần 1 thảo luận về cơ cấu thành phần, khi đó không thể bàn số lượng, cơ cấu, thành phần… khớp với nhau ngay để tránh tình trạng sẽ có số tròn. Cần phải mở rộng ra để thêm số lượng, góp vào danh sách để tiến hành hiệp thương vòng 2.
Vòng 2 là lập danh sách sơ bộ thôi, nhưng vẫn có điều kiện lựa chọn, để loại trừ ngay ở vòng 2. Rồi đến vòng 3 lại tiếp tục lựa chọn để bảo đảm vẫn là số tròn, nhưng người ta có cơ hội lựa chọn trong danh sách đó.
Hiệp thương của Mặt trận Trung ương không có người tự ứng cử. Theo Luật, người ở địa phương nào thì sẽ nộp hồ sơ ứng cử ở ủy ban bầu cử cấp đó. Ở Trung ương, chưa có cơ chế cho người tự ứng cử, nên dù có công tác ở cơ quan trung ương vẫn phải về địa phương ứng cử.
Nói hội nghị hiệp thương là nói chung của các cấp Mặt trận, đâu phải chỉ có Mặt trận Trung ương, thưa ông?
- Công việc của mặt trận đối với các cuộc bầu cử rất nhiều, có những việc rất quan trọng như là hiệp thương, vì có hiệp thương mới có kết quả giới thiệu, mà có được Mặt trận giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội mới có trong danh sách. Vai trò của Mặt trận rất quan trọng. Nhưng để làm được những việc quan trọng như thế, Mặt trận cần phải hết sức gần dân, truyên truyền vận động cho mọi người dân hiểu rằng đây là nhân dân tự xác định quyền của mình, để trao quyền lực cho những người mình bầu bằng những lá phiếu.
Và khi đã trở thành đại biểu nhân dân rồi, thành đại biểu Quốc hội, hay đại biểu HĐND, thì họ đều là người thuộc cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân do người dân ủy quyền. Cái này người dân chưa nhận thức sâu sắc được nên người ta tham gia vào quá trình bầu cử nhiều khi chưa thực sự nghiêm túc và trách nhiệm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cẩm Anh (thực hiện)