Những công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ

22/09/2010 - 12:00 AM

Cầu Vĩnh Tuy - dải lụa vắt ngang sông Hồng



Những ngày Thu tháng 9, Hà Nội trong xanh, dịu mát, đứng trên cầu Chương Dương nhìn xa xa cầu Vĩnh Tuy trông giống như một dải lụa vắt ngang sông Hồng. Công trình giao thông trọng điểm này đã kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày Đại lễ. Đây là cây cầu thứ 5 bắc qua sông Hồng, khơi thêm một huyết mạch giao thông quan trọng, góp phần giảm tải cho dòng xe ngày một tăng, rộng mở cửa ngõ phía nam thủ đô.

Khởi công xây dựng ngày 3/2/2005, cầu Vĩnh Tuy đã được chủ đầu tư và nhà thầu quyết tâm hoàn thành và thông kỹ thuật vào ngày 2/9/2009. Chiếc cầu vượt sông Hồng, nối bờ nam thuộc phường Vĩnh Tuy - Thanh Lương cách ngã ba dốc Minh Khai 275m về phía cầu Mai Động quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) với bờ Bắc là phường Sài Đồng vượt qua đường sắt Hà Nội-Hải Phòng và quốc lộ 5 tại km 2+630, nút giao với tuyến chính cùng 3 nhánh đường kết nối quốc lộ 5 và đường nội bộ dân khu công nghiệp Sài Đồng thuộc quận Long Biên.

Đây là cây cầu bê tông rộng nhất hiện nay ở Việt Nam. Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 5.830m, trong đó phần cầu chính vượt  sông dài 3.778 m,  mặt cầu rộng 38m, rộng nhất trên địa bàn cả nước hiện nay.  Cầu Vĩnh Tuy cũng nắm giữ kỷ lục về kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là 8 nhịp liên tục đúc hẫng dài 990m, có nhịp đúc hẫng lớn nhất 135m. Công trình được thiết kế kết cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8.

Theo Ban Quản lý Dự án Hạ tầng Tả Ngạn, đơn vị chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư 3.600 tỷ đồng (giai đoạn 1), sau khi  thông xe,  cầu Vĩnh Tuy rút ngắn lộ trình từ trung tâm thành phố ra quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 3km, đồng thời góp phần quan trọng trong việc giảm tải cho cầu Chương Dương và Long Biên với lưu lượng vận tải xe qua cầu khoảng 34.000 lượt xe/ngày đêm vào năm 2010, 72.000 lượt xe/ngày đêm vào năm 2020. 

Hiện nay, chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thiện nốt những hạng mục còn lại của dự án và chuẩn bị xúc tiến triển khai dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư dự kiến 2.008 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng hoàn thiện cầu theo quy hoạch  tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Con đường gốm sứ ven sông Hồng - bức tranh gốm lập kỷ lục GUINESS Thế giới.



Cách đây 3 năm, khi dự án mang tên con đường gốm sứ ven sông Hồng do nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy khởi xướng, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội đã thu hút nhiều luồng dư luận trái chiều. Thế nhưng, đến nay, khi dự án sắp hoàn thành biến bức tường đê bê tông xám xịt thành bức tranh gốm sứ dài gần 4km được Tổ chức Guiness Thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới và tác giả dự án Nguyễn Thu Thủy được công bố là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của Thủ đô năm nay, thì giá trị của công trình dường như ai cũng phải thừa nhận.

Được UBND TP Hà Nội cho phép triển khai theo phương thức xã hội hóa, dự án "Con đường gốm sứ" đã thu hút không chỉ các nghệ sĩ Việt Nam mà còn nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các bạn bè quốc tế. Gần 100 nghệ sĩ gốm và họa sĩ từ các nước trên thế giới đã gửi những viên gạch nhỏ được vẽ cầu kỳ như một bức tranh, hay có những viên gạch được phủ những men màu lạ mang dấu ấn nghệ thuật của những vùng đất xa xôi đến Hà Nội. Nhiều nghệ sĩ cũng trực tiếp đến xưởng gốm để tham gia thực hiện công trình, như nghệ sĩ gốm người Anh Paul Scott thực hiện đoạn tranh mosaic hoa lam nền trắng, 3 nữ họa sĩ Argentina thực hiện đoạn tranh tái hiện phong cảnh và thiên nhiên tươi đẹp... Dự án Con đường Gốm sứ cũng nhận được tài trợ của gần 30 doanh nghiệp, logo doanh nghiệp được gắn hài hòa với các bức tranh, góp phần tôn vinh thương hiệu Việt.

Trên chiều dài gần 4km, diện tích khoảng 7.000m2 tường bê tông, các nghệ sỹ đã phủ kín tranh ghép mảng gốm sứ với 21 đoạn chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp theo các chủ đề: tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các hoạ tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - Thành phố vì hoà bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế... Công trình đã nhận được giải thưởng "Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội" năm 2008 và là công trình có tầm văn hóa lịch sử, mang tính nghệ thuật cộng đồng lớn nhất từ trước tới nay.

Công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng là một trong những công trình nghệ thuật đặc sắc, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đại lộ Thăng Long - Đại lộ dài nhất Việt Nam

Trên công trường Đại lộ Thăng Long, những đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện những công việc cuối cùng để kịp thông xe chào mừng Đại lễ. Đây là Đại lộ dài nhất Việt Nam với vai trò là trục giao thông  huyết mạch nối liền trung tâm Thủ đô với chuỗi đô thị phía Tây Thành phố. 



Được khởi công đầu năm 2005, Đại lộ Thăng Long (trước là đường Láng - Hòa Lạc) có tổng mức đầu tư (theo dự toán phê duyệt) hơn 7.500 tỷ đồng với chiều dài toàn tuyến cao tốc là hơn 29km, nối từ đường vành đai 3, đoạn ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với đường Quốc lộ 21A, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh.  Đường có chiều rộng trung bình 140 mét, bao gồm 2 dải đường cao tốc qui mô mỗi chiều 3 làn xe rộng 16,25m, 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m,  dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m, 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị, 2 làn đường sắt trên cao và đường dẫn nước sông Đà, được xây dựng đồng bộ với hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng.  Đây là đường cấp 1 đồng bằng, thiết kế cho xe chạy với vận tốc 70 km/h đến 120 km/h, bảo đảm thông xe tốt 2 mùa, lưu lượng thông xe từ 1.500 đến 2.000 xe/ngày đêm. Công trình này do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, đại diện là Ban Quản lý Dự án Thăng Long, tổng thầu xây lắp là Tổng Công ty xuất - nhập khẩu xây dựng Việt Nam (VINACONEX), tư vấn thiết kế là Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) và tư vấn giám sát là Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải. 

Công trình tượng đài Tượng đài Thánh Gióng

Công trình tượng đài Thánh Gióng, biểu tượng của tinh thần quật cường và sức mạnh dân tộc Việt Nam cũng đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lắp dựng thành công trên đỉnh núi Đá Chồng (núi Sóc), xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào ngày 1/8 (tức ngày 21/6 Âm lịch). Tượng được đặt vĩnh cửu tại điểm cao nhất trên núi Đá Chồng và được khánh thành trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất, có trọng lượng gần 100 tấn, với chiều cao tới đỉnh là 11,07m, độ vươn ra là 16m, mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tượng Thánh Gióng được đánh bóng, xuống màu hoàn chỉnh, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật và mỹ thuật. Cùng với đó, các hạng mục khác như nhà phương đình, sân hành lễ, đường lên xuống, cảnh quan sân vườn cũng tiếp tục được hoàn thiện.

Thánh Gióng là một trong “tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn với huyền thoại cậu bé làng Phù Đổng dũng cảm đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Công trình Tượng đài Thánh Gióng được Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (trước đây) khởi công từ tháng 7/2004 (giai đoạn 1) với tổng dự toán công trình ở giai đoạn thực hiện khoảng 60 tỷ đồng, trong đó phần đúc tượng gần 30 tỷ đồng.

Công trình tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn

Đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, công trình tượng đài Bác Hồ -  Bác Tôn đã được hoàn thiện. Công trình là món quà quý giá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. HCM tặng Thủ đô Hà Nội nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thể hiện tình cảm kính yêu của nhân dân đối với Bác Hồ - Bác Tôn và cũng là biểu hiện của tình đoàn kết Nam - Bắc một nhà.  Công trình tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn được đặt trong khuôn viên đảo Thống Nhất - Công viên Thống Nhất (Hà Nội) với diện tích hơn 6.000 m2, được bao quanh bằng nhiều cây xanh.

Để thực hiện công trình đầy ý nghĩa này, từ năm 2009, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. HCM và TP Hà Nội đã có nhiều cuộc gặp gỡ, bàn bạc chuẩn bị. Ban tổ chức xây dựng công trình tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn đã mời các thành viên của Hội Mỹ thuật TP. HCM, Hội Mỹ thuật TP Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng tham gia sáng tác mẫu tượng. 25 mẫu phác thảo tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn của các tác giả và nhóm tác giả tham gia được tuyển chọn kỹ lưỡng, tiếp đó 3 mẫu tượng đã được chọn vào vòng 2 để trưng bày, lấy ý kiến đóng góp của người dân tại 2 TP: Hà Nội và TP. HCM. Sau khi chọn mẫu phác thảo 05-BHBT cơ bản đạt yêu cầu nhất của tác giả Lâm Quang Nới (hội viên Hội Mỹ thuật TP. HCM).

Theo họa sĩ Phạm Đỗ Đồng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. HCM, thành viên hội đồng nghệ thuật, nhận xét: “Có thể nói đây là bức tượng về Bác Hồ và Bác Tôn đẹp nhất từ trước đến nay. Ngoài các yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật, thành công của tác phẩm này chính là đã thể hiện được phong thái của hai vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc, từ trang phục, ánh mắt, thế đứng, tư thế bắt tay... thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc. Tất cả đã làm nên cái hồn của tượng đài”.

Tuyết Mai

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020