Những đề xuất để nhận thức và thực hiện tốt hơn phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

03/10/2024 - 04:10 PM
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ở mục XII2 (Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân) ghi rõ một yêu cầu là: “Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở cần sự vào cuộc tích cực của người dân và cả hệ thống chính trị, trên cơ sở vận dụng sáng tạo các nội dung cơ chế và cần có những điều kiện vật chất, tinh thần tương ứng. Bài viết đưa ra một số giải pháp để góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm này.

 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến vàChủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn
trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và biểu trưng cho 63 điển hình là Chủ tịch ủy ban
MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2017-2022.

 
Đánh giá đúng giá trị lý luận và thực tiễn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung, trong đó có cơ chế thực hiện nói riêng
 
Trước hết, như chúng ta đã biết, vấn đề dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa là một nội dung lý luận lớn và quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những nội dung cơ bản về dân chủ đã được chủ nghĩa Mác - Lênin đề cập, như: Quan niệm về dân chủ; dân chủ vô sản là bản chất của chế độ mới xã hội chủ nghĩa; Nhà nước vô sản là Nhà nước dân chủ, bảo vệ quyền dân chủ của đông đảo người dân và chuyên chính với thiểu số những kẻ bóc lột, đi ngược lại với lợi ích dân chủ của Nhân dân...; dân chủ phải đi đôi với tập trung là nguyên tắc hoạt động trong xã hội mới... Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, một cách sáng tạo, vào quá trình cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó, Người chú trọng đến thực hành dân chủ với quyền và trách nhiệm của người dân trong nền dân chủ mới. Người thể hiện điều này trong những vần thơ nổi tiếng ở tác phẩm "Dân vận" của mình:
 
"Chế độ ta là chế độ dân chủ
 
Bao nhiêu lợi ích đều là vì dân
 
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
 
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
 
Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân
 
Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra
 
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên
 
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"1.
 
Trong công cuộc đổi mới đất nước, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã có những nhận thức mới về dân chủ, nhất là về việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong thực tiễn. Ngay từ Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (1998) đã nhận định: "Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội, phát huy một bước quyền làm chủ của Nhân dân, nhờ đó đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc"2.
 
Đảng ta xác định rằng, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Do đó, thực hiện dân chủ ở cơ sở là để phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của Nhân dân ở cơ sở, trong đó có đông đảo nông dân, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của nông dân và Nhân dân trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội.
 
Qua đó, đoàn kết ở cơ sở, nhất là nông thôn, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn và khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, tham nhũng, góp phần vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
 Các đại biểu biểu quyết thông qua Dự thảo số lượng danh sách Hiệp thương cử Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX. (Ảnh: TTXVN)
 
Cơ chế ("Nhân dân biết, nhân dân bàn...") đã có quá trình trải nghiệm trong thực tế, dần hoàn thiện, có nội dung sát thực và phong phú
 
Nhiều vấn đề lý luận và đường lối, do nhiều lý do, chưa được trải nghiệm - chỉ ở dạng dự báo hoặc vừa làm vừa hoàn thiện. Nhưng, cơ chế ("Nhân dân biết, nhân dân bàn...") đã gắn ngay với thực tiễn và được nhận thức phát triển từng bước:
 
- Ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở3. Đây vừa là kết quả tất yếu của quá trình Đảng lãnh đạo thực hiện dân chủ, vừa thực sự là đánh dấu bước đột phá về xây dựng cơ chế thực hiện dân chủ trực tiếp và gián tiếp ở nơi công dân sinh sống lao động hàng ngày.
 
- Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, để hoàn thiện cơ chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, ngày 26/2/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45-1998/ NQ-UBTVQH10 giao cho Chính phủ khẩn trương ban hành Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Quán triệt tinh thần đó, ngày 11/5/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã.
 
Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 22/1998/CT-TTg ngày 15/5/1998 về việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở xã và Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) ban hành Thông tư số 03/1998/TT-TCCP ngày 6/7/1998 hướng dẫn áp dụng “Quy chế thực hiện dân chủ xã” đối với phường và thị trấn. Sau đó, Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 đã được thay thế bằng Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7/7/2003 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (áp dụng cho cả phường và thị trấn).
 
- Nhận rõ tầm quan trọng của loại hình cơ sở cấp xã, sau một thời gian thực hiện, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đây là văn bản pháp luật quan trọng nhất về thực hiện dân chủ ở cấp xã. Bên cạnh đó còn có một số văn bản khác được ban hành nhằm cụ thể hóa những nội dung mới về thực hiện dân chủ ở cấp xã, ví dụ như Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN về việc hướng dẫn thi hành các Điều 11, 14, 16, 22, 26 của Pháp lệnh năm 2007.
 
- Để thực hiện dân chủ ở loại hình cơ sở là Cơ quan, đơn vị nhà nước, Chính phủ đã có Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8/9/1998 của Chính phủ, ngày 9/1/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/02/2015, gồm 4 chương, 18 điều.
 
Quy chế và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở với các văn bản chỉ đạo của Đảng và pháp chế hóa của Nhà nước đã “phủ sóng” ở các loại hình cơ sở quan trọng, nhất là cấp xã, những nơi tuyệt đại bộ phận giai cấp, tầng lớp nhân dân Việt Nam cư trú, sinh sống, lao động. Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã trở thành phong trào rộng lớn, phát huy rõ rệt quyền làm chủ của Nhân dân. Từ thực tiễn ấy, để thống nhất các dạng văn bản, theo chiều hướng nâng cao tính pháp lý và "phủ sóng" được hết các loại hình cơ sở phong phú, đồng thời hoàn thiện chất lượng, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế, đưa đến sự ra đời Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, được Quốc hội ban hành ngày 10/11/2022.
 
Đề xuất trên về nhận thức rõ thực tế trải nghiệm và hoàn thiện từng bước cơ chế ("Nhân dân biết, nhân dân bàn",...) để một mặt, củng cố niềm tin vào nội dung và giá trị của cơ chế, thực hiện tốt hơn dân chủ ở cơ sở; mặt khác, tiếp tục góp phần hoàn thiện cơ chế qua mỗi giai đoạn của công cuộc đổi mới đất nước.
 
Nhận thức rõ những thành tựu và hạn chế của thực hiện dân chủ ở cơ sở những năm qua
 
Một là, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên.
 
Hai là, thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến. Công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm hơn trước. Tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tiến bộ.
 
Ba là, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của Nhân dân tại địa bàn dân cư. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt nhiều kết quả, một số nơi đã tổ chức được các hoạt động phản biện xã hội ở cấp huyện và cơ sở.
 
Bốn là, Nhân dân tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Quyền làm chủ của Nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
Năm là, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.
 
Sáu là, bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được Nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả như: Vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án; hiến đất xây dựng các công trình, dồn điền, đổi thửa; giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng các tập thể đoàn kết, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động trong các doanh nghiệp,... tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
 
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế, yếu kém như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế.
 
Nhận thức và thực hiện cơ chế (“Nhân dân biết, nhân dân bàn...”) phải trên cơ sở Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
 
Thực hiện dân chủ ở cơ sở phát triển từ dạng Quy chế đến Pháp lệnh, rồi Luật. Còn nội dung của cơ chế, lúc đầu, trong Văn kiện Đại hội VI (1986) là: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"4 và chưa có nội dung cụ thể. Đến Chỉ thị 30-CT/TW cũng bốn yếu tố trên, nhưng đã có nội dung cụ thể dưới dạng gợi ý ban đầu. Còn tiếp đến các văn bản của Nhà nước, trong hình thức Quy chế dân chủ ở cơ sở, các yếu tố trong cơ chế tăng hơn, gồm: Dân biết, dân bàn, và quyết định (trực tiếp), dân bàn và tham gia ý kiến (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã quyết định), dân giám sát và kiểm tra. Đồng thời, đã có nhiều nội dung cụ thể cho các yếu tố ở các loại hình cơ sở khác nhau... Đến Đại hội XIII, cơ chế có thêm yếu tố: "dân thụ hưởng".
 
Trước hết, các nội dung cơ bản của Luật cần nắm vững là: Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3); Phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 4); Quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 5); Nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 6); Quyền thụ hưởng của công dân (Điều 7); Các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 8).
 
Từ đó, trực tiếp nghiên cứu nắm vững các nội dung của Cơ chế thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Luật. Luật đưa ra ba loại hình cơ sở cơ bản: Cơ sở xã, phường, thị trấn (cấp xã); cơ sở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (cơ quan, đơn vị); cơ sở tổ chức có sử dụng lao động. Cơ sở cấp xã rộng lớn nhất, chiếm đông đảo công dân. Ở loại cơ sở này, khái quát nội dung cơ chế như: 1) Công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn (gồm 4 điều, với 27 khoản cụ thể); 2) Nhân dân bàn và quyết định (gồm 10 điều, với 33 khoản cụ thể); 3) Nhân dân tham gia ý kiến (gồm 5 điều, với 19 khoản cụ thể); 4) Nhân dân kiểm tra giám sát (gồm 14 điều, với 46 khoản cụ thể).
 
Các nội dung trên của cơ chế còn được xác định tương ứng ở hai loại hình cơ sở cơ quan, đơn vị và cơ sở có sử dụng lao động. Tất nhiên với những nội dung cụ thể - đặc thù và số điều, khoản không giống nhau.
 
Ngoài ra, để thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật còn xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội khác...
 
Như vậy, phải trên cơ sở Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, mới đảm bảo được nhận thức và thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn cơ chế "Nhân dân biết, nhân dân bàn, nhân dân làm, nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát, nhân dân thụ hưởng" trong điều kiện mới hiện nay ở nước ta.
 
Chú thích:
 
1.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr. 698.
 
2.    Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Hà Nội, 1998, Điều 1.
 
3.   Sau đó, vào ngày 4/3/2010, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
 
4.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
PHAN THANH KHÔI -  Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên giảng viên cao cấp
 
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020