Những sự kiện đáng nhớ trong tháng 10

17/10/2011 - 12:00 AM

1. Thành lập Hội Việt - Mỹ (The VietNam - USA society, 17-10-1945)
Việt-Mỹ thân hữu Hội, tiền thân của Hội Việt-Mỹ ngày nay được thành lập ngày 17-10-1945, chỉ 45 ngày sau khi đất nước giành được độc lập. Hội là tổ chức hữu nghị song phương đầu tiên ở nước ta. Đã có 2 thời kỳ (ngay sau khi được thành lập và những năm dài kháng chiến chống Mỹ). Hội Việt-Mỹ có cơ cấu, bộ máy làm việc như một cơ quan độc lập tương đối.

Ngay sau khi được thành lập, Hội có cơ quan ngôn luận riêng; có tạp chí bằng hai thứ tiếng, có chương trình phát thanh chuyên đề để giới thiệu về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam với nhân dân Mỹ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từ cuối 1966, Nhóm công tác chuyên trách về vận động nhân dân Mỹ được thành lập và đến năm 1967, Ban Mỹ vận gồm 40 cán bộ, có kinh phí và bộ máy hoạt động riêng, được thành lập. Do đòi hỏi khách quan của mối quan hệ nhân dân 2 nước, ngày 10-7-1968, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ, gọi tắt là Ủy ban Việt-Mỹ được chính thức thành lập.
Tháng 10-1992, để đón bắt những biến đổi sắp đến trong quan hệ Việt-Mỹ, Hội được chính thức đổi tên từ “Uỷ ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ” thành Hội Việt-Mỹ. Các đối tác nước ngoài cuả Hội là những tổ chức xã hội - chính trị phi chính phủ, phi lợi nhuận, cựu chiến binh, giáo dục... của Mỹ.
2. Ngày mất của cụ Nguyễn Văn Tố (7-10-1947).
Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5-6-1889, trong một gia đình nho giáo, tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ (Hà Nội), nay là 78 phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm. Tốt nghiệp tr¬ường Thông ngôn, cụ làm nhân viên phụ tá, sau lên chức Chủ sự Học viện Viễn Đông Bác Cổ. Cụ còn viết cho các báo chí tiếng Việt và tiếng Pháp…; soạn thảo hai bộ sử đồ sộ là “Đại Nam dật sử” và “Sử ta so với sử Tàu” rất công phu (cụ hy sinh nên bộ “Sử ta so với sử Tàu” còn dang dở).
Cụ không những uyên thâm Hán học mà tinh thông cả Tây học. Cụ đã cùng một số trí thức đầu thế kỷ XX phát động công cuộc Cách mạng chữ quốc ngữ, vì khi đó trình độ dân trí còn rất thấp. Đầu năm 1938, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định vận động một tổ chức công khai chống nạn mù chữ và thành lập Hội truyền bá quốc ngữ, đặt trụ sở tại Hội quán Trí Tri số nhà 59, nay là 47 phố Hàng Quạt (phố Hàng Đàn cũ), cụ được cử làm Hội trưởng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ nhậm chức Bộ trưởng Cứu tế - Xã hội (nay là Bộ LĐ-TB-XH), là đại biểu Quốc hội. Ngày 2-3-1946, trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội) cho đến ngày 8-11-1946. Ngày 3-11-1946, cụ lại giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ.
Ngày 7-10-1947, cụ hy sinh khi giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
3. Trung ương Đảng đề ra 4 điều kiện để thống nhất Việt Minh - Liên Việt (9-10-1949)
Ngày 9-10-1949, Ban Thường vụ TƯ Đảng đã nhận định: Việc chuẩn bị thống nhất Việt Minh - Liên Việt ở toàn quốc tiến hành không đều, có địa phương làm xong, có địa phương chưa xong. Mặc dù đại hội toàn quốc của Việt Minh và Liên Việt hoãn lại và việc thống nhất chưa được chính thức quyết định, nhưng có thể thực hiện ngay việc thống nhất ở những địa phương có đủ 4 điều kiện sau đây:
- Hai bên Việt Minh và Liên Việt đã từng thực tế hành động chung.
- Đoàn viên hai bên và nhân dân ở địa phương đã được giải thích và hiểu rõ cần phải thống nhất Việt Minh và Liên Việt .
- Các đoàn thể trong Việt Minh đã được củng cố và thống nhất đến cấp địa phương đó.
- Việc sắp xếp cán bộ để lập Ban Chấp hành Liên Việt mới đã làm xong.
Ở những địa phương chưa có đủ 4 điều kiện trên, cần xúc tiến việc chuẩn bị thống nhất, theo đúng những chỉ thị trước đây của TƯ về vấn đề này.
Khi điều kiện chín muồi, từ ngày 3 đến 7-3-1951, Đại hội toàn quốc hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành. Đại hội đã ấn định Chính cương, Điều lệ mới của Mặt trận Liên Việt theo phương châm: Đảm bảo sự đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân yêu nước để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bọn tay sai.
Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt đã củng cố và tăng cường khối đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công nông vững chắc, do giai cấp công nhân lãnh đạo, đánh dấu cuộc kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới.
4. Lễ kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn (8-10-1960)
Trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố ở 2 miền Nam - Bắc đã diễn ra sôi nổi, biểu thị tình đoàn kết và ý chí sắt đá đấu tranh vì sự nghiệp thống nhất nước nhà. Lễ kết nghĩa giữa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn diễn ra với sự góp mặt của hơn 1.000 đại biểu của nhân dân thủ đô Hà Nội và hai Hội đồng hương Huế, Sài Gòn. Trong lễ kết nghĩa, Chủ tịch Trần Duy Hưng thay mặt nhân dân Hà Nội; ông Nguyễn Hộ, thay mặt nhân dân Sài Gòn - Gia Định; ông Hoàng Phương Thảo, thay mặt nhân dân Huế và tất cả anh chị em đồng hương Sài Gòn và Huế đã đặc biệt nhấn mạnh mối tình đoàn kết keo sơn, gắn bó giữa nhân dân Hà Nội, Huế, Sài Gòn nói riêng và nhân dân cả nước ta nói chung, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng ở miền Nam, với khát vọng thống nhất đất nước.
Sự gắn kết đó là minh chứng hùng hồn cho tất yếu lịch sử đã trở thành chân lý của dân tộc Việt Nam, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam ta là một/ Dân tộc Việt Nam ta là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam Bắc là con một nhà".
Ngày nay, ba địa phương Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đang nối tiếp truyền thống quý báu "là cây một cội, là con một nhà", đã và đang kề vai sát cánh, đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bài viết "Mặt trận thống nhất phản đế giữa nhân dân Việt - Mỹ” (24-10-1965)
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, được nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới ủng hộ. Ngay tại nước Mỹ, có Phong trào phối hợp hành động chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, gồm 200 tổ chức quần chúng thuộc hầu hết các bang ở Hoa Kỳ, do “Uỷ ban Phối hợp toàn quốc đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam” lãnh đạo. Cuộc đấu tranh diễn ra bằng nhiều hình thức và quyết liệt, như: cuộc biểu tình của 10 vạn người ở 60 thành phố trong ngày Quốc tế phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ (15-17.10.1965), do “Uỷ ban Ngày Việt Nam” tổ chức; “Tuần lễ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam” (10.1967) của 200 nghìn người khắp nước Mỹ tập trung về Oasinhtơn, có 16 vụ tự thiêu. Năm 1968, gần 50 nghìn thanh niên trốn lính, gần 1.000 trường cao đẳng và đại học tổng bãi khoá, gần 300 nghìn công nhân ngành hàng không, ngành điện... đình công. Đỉnh cao là phong trào bạo động gần như nội chiến tại 100 thành phố của nước Mỹ (ngày 7.8.1966). Phong trào nhân dân Mỹ chống Mỹ xâm lược Việt Nam là sự ủng hộ mạnh mẽ, thiết thực, có hiệu quả đối với Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngay từ tháng 10-1965, khi phong trào mới bắt đầu manh nha, bằng nhãn quan chính trị sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định về hình thái của Mặt trận thống nhất phản đế giữa hai dân tộc. Người chỉ rõ: "Mặt trận này tuy chưa xây dựng về hình thức, nhưng thực tế đã hình thành bằng hành động và tinh thần". Người phân tích, nhân dân Mỹ đã nhận rõ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là có hại cho họ, cho nên muốn giữ gìn quyền lợi chính đáng của họ thì cần phải ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Người kết luận: “Nhân dân Mỹ đánh từ trong ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng. Đó sẽ là thắng lợi vẻ vang của Mặt trận thống nhất nhân dân hai nước, mà cũng là thắng lợi chung của loài người yêu chuộng chính nghĩa và hoà bình”.

                                                                                    Toàn Trực (Biên soạn)

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020