Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha Ảnh: Hoàng Long
Đó là vấn đề đời sống, việc làm, về vệ sinh an toàn thực phẩm; y tế; giáo dục; về phòng chống tham nhũng lãng phí…
Về sản xuất và đời sống, cử tri đánh giá cao chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai trong 4 năm qua đã mang lại những hiệu quả rất tốt tại các địa phương. Tuy nhiên người dân kiến nghị một số tiêu chí của Chương trình vẫn chưa sát với thực tế và mong muốn Chính phủ xem xét sửa đổi những tiêu chí đó làm cho việc xây dựng nông thôn mới thực sự phù hợp, huy động cao nhất sự đóng góp và chung sức của người dân.
Cùng với đó, vấn đề mà cử tri là ngư dân quan tâm nhiều là Nghị định 67 của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân đóng mới tàu đánh bắt hải sản. Đây là chủ trương rất tốt đẹp, mục đích đặt ra lớn nhưng tiến độ thực hiện lại rất chậm. Số lượng tàu được đóng mới chưa đáng kể so với kế hoạch đặt ra. Cử tri kiến nghị, các cơ quan nhà nước phải làm sao để các tiêu chí đưa ra cần phù hợp với thực tế về mức cho vay, điều kiện vay, các thủ tục cho vay... để đóng mới tàu. Khúc mắc này không phải từ ngân hàng mà từ chính các cơ quan khác trong việc quy định các điều kiện để người dân có thể vay để đóng tàu.
Chúng tôi đã kiểm tra và ngành ngân hàng khẳng định họ hoàn toàn thông thoáng trong việc giải ngân nhưng do vướng một số điều kiện nên người dân chưa thể tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn ưu đãi. Việc này, Mặt trận kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT, ngành ngân hàng và các cơ quan hữu quan khác làm sao giải quyết vấn đề này được nhanh chóng, giúp ngư dân có thêm nhiều tàu mới để vươn khơi đánh bắt hải sản cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Một vấn đề nữa là điều 60 của Luật BHXH. Khi Quốc hội tính toán làm điều luật này là rất nhân văn và phù hợp với Việt Nam, đảm bảo cho người lao động khi hết tuổi lao động có được một mức lương ổn định để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay khâu tuyên truyền chưa tốt. Hơn nữa không phải tất cả người lao động đều muốn đợi đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu mà có một bộ phận người lao động có những nguyện vọng muốn lấy ngay một lần để giải quyết việc trước mắt hoặc giúp cho con cái học hành, học nghề. Mặt trận đề nghị với Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu làm sao xem xét lại quy định này cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc người lao động khi về già vẫn giữ được một mức lương ổn định lâu dài nhưng đảm bảo quyền lợi trước mắt của một bộ phận người lao động.
Hiện nay người dân phản ánh bức xúc đâu đó vẫn còn những thái độ thờ ơ thiếu trách nhiệm của một bộ phận nhân viên y tế đối với người bệnh; quy định về mua bảo hiểm y tế cho hộ gia đình là rất khó khăn. Chúng tôi đã tính toán, nếu một hộ gia đình có từ 4 đến 5 người phải mua từ 1,5 đến 2 triệu/năm với mức đó thì rất nhiều hộ nông dân không có điều kiện để mua. Phải tính lại chuyện này vì thực ra người dân chỉ muốn mua cho người già, trẻ em còn thanh niên chưa muốn mua nếu bắt buộc mua cả là rất khó.
Về phòng chống tham nhũng lãng phí người dân đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong vấn đề này đặc biệt kiến nghị đến cơ chế phòng chống tham nhũng. Đây là vấn đề quan tâm của cử tri, những người thuộc khối cán bộ hưu trí. Họ băn khoăn về tỷ lệ thu hồi tài sản trong tham nhũng còn rất thấp so với tài sản bị chiếm đoạt. Thứ hai là việc kê khai tài sản của cán bộ công chức nhiều nơi làm chưa nghiêm.
Ngoài ra những vấn đề khác như để người dân có điều kiện để vay vốn trong xóa đói giảm nghèo. Cử tri có ý kiến về mức chuẩn nghèo hiện nay không còn phù hợp, đề nghị nâng mức chuẩn nghèo. Chúng tôi cũng đã tập hợp để kiến nghị với Quốc hội.
Mặt trận Tổ quốc là nơi tập hợp ý kiến kiến nghị của cử tri, ngoài ý kiến của các đoàn Quốc hội gửi về, Mặt trận còn nhận được từ các nguồn nào, thưa ông?
- Theo thống nhất chung giữa UBTVQH và UBTƯ MTTQ Việt Nam việc tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri được giao cho Mặt trận thực hiện. Nguồn là từ báo cáo tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Nhưng có thể nói, nguồn chính của Mặt trận lại là từ báo cáo của UBMTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Báo cáo này chúng tôi đã yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố gửi từ trước đây 1 tháng thông qua phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội và thông qua công việc thường xuyên của UBMTTQ các tỉnh thành phố lắng nghe nhân dân định kỳ hàng tháng. Thứ hai là các vị ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Chúng tôi có 383 ủy viên từ trong nước đến nước ngoài, từ nhân sĩ trí thức cho đến các tiểu thương, công nhân… Nguồn thứ ba chính là các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Cho đến thời điểm này, Mặt trận đã tổng hợp được 3854 ý kiến gửi về kỳ họp Quốc hội. Trong đó 1920 ý kiến từ các đoàn đại biểu Quốc hội và 1934 ý kiến được tập hợp từ hệ thống MTTQ Việt Nam, nhiều hơn khá nhiều so với kỳ họp trước.
Qua giám sát việc giải quyết những kiến nghị của cử tri sau mỗi kỳ họp, ông đánh giá như thế nào về chất lượng, tiến độ giải quyết của các cơ quan chức năng?
- Góc độ cá nhân tôi, qua theo dõi, đánh giá Chính phủ và các bộ ngành rất có ý thức trong việc tiếp thu những ý kiến kiến nghị của cử tri thông qua tổng hợp của Mặt trận và các phát biểu của ĐBQH. Cụ thể những bộ, ngành có những chuyển biến tốt như Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương…. Như Bộ Nội vụ những vấn đề về cải cách hành chính, những vấn đề về thái độ trong công vụ được thực hiện khá quyết liệt, đặc biệt một ở một số bộ, các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên những vấn đề thuộc về vĩ mô không dễ gì có thể giải quyết nhanh được. Điều này có thể thông cảm với các Bộ trưởng nhưng phải ghi nhận sự cầu thị nhiệt tình có trách nhiệm.
Đặc biệt, với các ý kiến kiến nghị cử tri lần này, khi Mặt trận gửi văn bản đề nghị các Bộ trưởng xem xét góp ý kiến đến những liên quan đến bộ ngành mình đều được các Bộ trưởng trả lời ngay, kể cả ngày nghỉ, ngoài giờ. Những vấn đề chưa tốt, còn tồn tại thì thừa nhận đồng tình, điều gì cần có đánh giá đúng, các Bộ trưởng cũng đều có ý kiến. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cân nhắc và đối chiếu từ quan điểm của các bộ và tình hình thực tế của cử tri, với những việc cử tri đề cập nhiều vẫn giữ nguyên vì đó là trách nhiệm của Mặt trận là phản ánh trung thực ý kiến của cử tri.
Phải khẳng định Chính phủ và các bộ ngành đa phần đều có ý thức tiếp thu giải quyết, tuy nhiên tới giờ này, qua theo dõi của Mặt trận, có rất nhiều vấn đề được giải quyết nhưng cũng có những vấn đề cần tiếp tục phải làm.
Bên cạnh những mặt tích cực của các cơ quan chức năng vẫn còn những hạn chế, nhiều vụ việc như vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu ra cho nông sản, lãng phí đất đai... kỳ họp nào cũng được phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vậy MTTQ có kiến nghị gì với Chính phủ và Quốc hội để những việc này không lặp lại vào mỗi kỳ họp?
- Vấn đề lúc này là quyết tâm chính trị của các lãnh đạo các cơ quan nhà nước phải biến thành hành động, phải có sự chỉ đạo sát sao đối với cơ quan chuyên môn. Thực ra việc xem xét giải quyết các kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng là nhiệm vụ mà các bộ ngành phải làm, tuy nhiên tôi đề nghị các cơ quan Nhà nước phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho vấn đề này và phải thường xuyên đôn đốc nhắc nhở các đơn vị chức năng trong việc thực hiện. Như vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân kỳ họp nào cũng nói nhưng phải xem cơ chế vướng mắc ở đâu. Của bộ ngành nào? Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Hải quan hay thuế? Tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác rất không hài lòng khi tại các kỳ Quốc hội, một số bộ ngành đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Việc này phải có sự chỉ đạo chung của Chính phủ để làm sao những vấn đề mà cử tri đã nêu và nêu nhiều lần cần phải xử lý dứt điểm. Nhân dân cử tri không hy vọng mọi việc giải quyết 100% nhưng vấn đề là phải có chuyển biến.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Dạ Yến- Vũ Mạnh (thực hiện) |