(HNM) - Thiếu nước sạch khu vực nông thôn; ô nhiễm môi trường làng nghề chưa giải quyết triệt để; thiếu quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là sân chơi cho thiếu nhi; quản lý nhà chung cư chưa hiệu quả… là những vấn đề được đại biểu (ĐB) HĐND thành phố chất vấn, tái chất vấn các sở, ngành, thành viên UBND thành phố vào hôm qua 7-7, ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội.
Dự phiên chất vấn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Đào Văn Bình. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phiên chất vấn.
Khó hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn
Theo mục tiêu, năm 2015, TP Hà Nội sẽ cung cấp nước sạch cho 100% dân số 12 quận nội thành, 40% dân số khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nhiều dự án cấp nước sạch cho khu vực nông thôn chưa đi vào hoạt động do thiếu vốn, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa khó khăn; một số phường ở quận mới thành lập chưa được sử dụng nước sạch. Đây là những vấn đề được cử tri quan tâm tại các buổi TXCT trước kỳ họp và ĐB HĐND gửi chất vấn đến UBND thành phố. Ngay đầu giờ sáng, báo cáo kết quả thực hiện kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, hiện có 10/12 quận đã bảo đảm 100% dân số được sử dụng nước sạch đô thị, chỉ còn hai quận mới chưa bảo đảm 100% là Bắc Từ Liêm (đạt 95%) và Nam Từ Liêm (đạt 85%).
|
Thiếu nước sạch vẫn là một “vấn nạn” trên địa bàn thành phố. Ảnh: Anh Tuấn |
Dự kiến, trong năm 2015, dự án cấp nước cho các phường thuộc các quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Để ổn định nguồn nước sạch đô thị, UBND thành phố đã chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai Nhà máy nước sạch Sông Hồng, khai thác hết công suất Nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì, nâng công suất các nhà máy trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, thị xã Sơn Tây. Về cung cấp nước sạch nông thôn, hiện thành phố chỉ bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện các dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới; 6 dự án cấp nước sạch tập trung chưa bố trí được vốn.
Thành phố cũng chỉ mới bố trí vốn hỗ trợ 10.000/40.000 thiết bị xử lý nước cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo tại khu vực nguồn nước bị ô nhiễm nặng, chưa đủ điều kiện xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung trước năm 2020 theo quy hoạch. Để tháo gỡ khó khăn về vốn, UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất của các sở, ngành, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp nhận, đầu tư 6 dự án cấp nước sạch liên xã; đầu tư, quản lý khai thác vận hành đối với 7 dự án nước sạch vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời về nước sạch, ĐB Nguyễn Thị Thùy (Tổ Gia Lâm), Phạm Thị Thanh Mai (Tổ Hà Đông) đã tái chất vấn, đề nghị UBND thành phố làm rõ nguyên nhân và giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND thành phố. Cụ thể, khi nào mới hoàn thành hỗ trợ tiếp 30.000 máy lọc nước cho các hộ khó khăn vùng bị ô nhiễm nặng? Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho rằng, đến hết năm 2014, toàn thành phố có 106 trạm cấp nước sạch nông thôn, trong đó, có 81 trạm đang hoạt động và cung cấp ổn định nước sạch cho nhân dân.
Tuy nhiên, 4 trạm đang xây dựng dở dang, 10 trạm đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố đã chỉ đạo đầu tư 6 trạm cấp nước sạch liên xã, dự kiến sử dụng ngân sách thành phố và hiện đã bố trí được 45 tỷ đồng từ ngân sách cho 6 dự án và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Về thiết bị xử lý nước sạch (thiết bị lọc) cho 30.000 hộ gia đình chính sách, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cho biết, một thiết bị lọc trị giá 4,5 triệu đồng, như vậy thành phố phải bố trí hơn 100 tỷ đồng để lắp đặt thiết bị cho các hộ dân, nhưng hiện chưa bố trí được vốn và sẽ sắp xếp, bố trí nguồn vốn phù hợp trong thời gian tới.
Thiếu khu vui chơi trẻ em
Nhiều ĐB chất vấn về hiện trạng các khu chung cư (cả cũ và mới) không quan tâm đúng mức tới quy hoạch không gian công cộng, dẫn đến tình trạng trẻ em tại các khu dân cư không có nơi vui chơi; thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Thế Hùng cho biết, qua rà soát sơ bộ toàn TP Hà Nội có khoảng 200 vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó 4 quận nội đô cũ gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng có 29 vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ).
Trong thời gian qua, thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng các khu vui chơi, vườn hoa nhưng chưa đáp ứng đủ cả về số lượng, chất lượng. Cụ thể, khu vực nội đô cũ có mật độ dân cư đông, mật độ xây dựng cao nhưng thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Hệ thống vườn hoa, sân chơi hiện có vốn đã quá tải thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Điển hình tại các khu tập thể cũ như: Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tập thể Đội Cấn (quận Ba Đình)… Để xảy ra thực trạng này là do công tác quản lý chưa chặt chẽ; hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước, chất lượng xuống cấp.
Trang thiết bị tại các khu vui chơi cho trẻ em chất lượng kém, lạc hậu. Tại các khu đô thị mới, tiến độ xây khu vui chơi chung cho trẻ em chậm. UBND thành phố đã giao Sở QH - KT phải xác định quỹ đất công cộng ngay từ bước lập quy hoạch. Các dự án cải tạo chung cư cũ cũng phải bố trí diện tích dành cho khu vui chơi trẻ em. Cùng với đó, ưu tiên quỹ đất di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để xây dựng công viên, vườn hoa, khu vui chơi. UBND thành phố cũng giao UBND các quận kiểm tra, rà soát các sân chơi bị chiếm dụng để có biện pháp giải tỏa, thu hồi, đồng thời bổ sung trang thiết bị dành cho các hoạt động vui chơi cho trẻ em trong khu dân cư, khu tập thể.
Sau phần trả lời của Giám đốc Sở QH-KT, ĐB Phạm Xuân Tài (Tổ Thường Tín) lập tức đề nghị ngành chủ quản làm rõ hiện nay công viên, vườn hoa thiếu so với nhu cầu người dân hay thiếu so với quy chuẩn? ĐB Tài chất vấn, năm 2013 HĐND thành phố đã ban hành Quy hoạch phát triển văn hóa, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2015 thì 45% các khu đô thị phải có khu vui chơi trẻ em, kết quả thực hiện chỉ tiêu này thế nào? Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, các điểm vui chơi, công viên, vườn hoa của thành phố hiện nay không đáp ứng cả về quy chuẩn và nhu cầu của người dân, nhất là ở các quận trung tâm. Về chỉ tiêu của HĐND thành phố, do thời gian qua chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thị trường xây dựng trầm lắng nên hết năm 2015, thành phố sẽ không đạt chỉ tiêu 45% các khu đô thị có khu vui chơi trẻ em.
Truy đến cùng vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ em, chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, ĐB Nguyễn Hoài Nam (Tổ Hai Bà Trưng) đề nghị UBND thành phố làm rõ kết quả thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí theo Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND.
Kỳ họp có số lượng người tham gia chất vấn và trả lời chất vấn nhiều nhất Cùng với nội dung quy hoạch sân chơi cho thiếu nhi, cung cấp nước sạch nông thôn, các đại biểu còn chất vấn, tái chất vấn các vấn đề khác như: Ô nhiễm môi trường các làng nghề; quản lý nhà chung cư, tái định cư và các khu đô thị; chậm, nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tình trạng nông dân một số nơi bỏ ruộng hoang hóa, gây lãng phí đất đai; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa chậm; chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh tiểu học… Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, phiên chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, theo đến cùng vấn đề, thể hiện trách nhiệm cao của đại biểu với cử tri. UBND thành phố đã báo cáo rõ, chuẩn bị chu đáo phần trả lời. Đây cũng là kỳ họp có số lượng tham gia chất vấn cao nhất với 29 lượt (trong đó có nhiều đại biểu kiêm nhiệm ở các quận, huyện) và số lượng lãnh đạo các sở, ngành tham gia trả lời. Các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định. Thời gian trả lời chất vấn của các thành viên UBND thành phố bảo đảm khoa học, đúng thời gian quy định, thể hiện văn hóa, văn minh, thanh lịch người Hà Nội. |
Về vấn đề này, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, UBND thành phố đã xây dựng và công bố tổng số 44 danh mục dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có 3 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, công viên, vườn hoa. Ngoài ra, UBND thành phố đã phê duyệt chấp thuận địa điểm, chấp thuận đề xuất dự án hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cho 26 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, khu vui chơi thể thao với diện tích chiếm đất khoảng 21,47ha, tổng mức đầu tư dự kiến các dự án khoảng 1.700 tỷ đồng.
Các dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, tuy nhiên quá trình triển khai đều chậm so với kế hoạch đã được phê duyệt. Liên quan đến chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, Giám đốc Sở VH-TT&DL Tô Văn Động thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của các thiết chế văn hóa chưa hiệu quả, nguyên nhân trước tiên thuộc về vai trò quản lý nhà nước của ngành. Thứ hai là do các thiết chế văn hóa được đầu tư từ lâu, xuống cấp, đội ngũ cán bộ quản lý cũng chưa đáp ứng yêu cầu... Ông Tô Văn Động khẳng định, tới đây, Sở sẽ tham mưu với thành phố xây dựng cơ chế quản lý, vận hành hiệu quả tối đa đối với các thiết chế văn hóa, đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý thiết chế văn hóa…
Trong thời gian buổi chiều, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ và Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu HĐND thành phố về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao phần trả lời của các giám đốc sở, các ĐB đã đồng tình và không tái chất vấn thêm. Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh, thời gian qua, thành phố đã quan tâm đầu tư các khu vui chơi giải trí, vườn hoa, công viên cho nhân dân, nổi bật là đã ban hành Quy hoạch công viên cây xanh; chấp thuận các địa điểm xây dựng các điểm văn hóa với diện tích trên 20ha và 26 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Cùng với đó, thành phố đã đầu tư các khu công viên mới cho nhân dân như công viên Cầu Giấy, Yên Sở... Tuy nhiên, với sự phát triển đô thị như hiện nay thì khu vui chơi, vườn hoa, công viên của thành phố còn thiếu so với nhu cầu của nhân dân và tiêu chuẩn.
Nguyên nhân là các sở, ngành chưa có giải pháp cụ thể, quyết liệt, chủ động rà soát, báo cáo UBND thành phố để báo cáo HĐND thành phố xem xét, quyết định. Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu thời gian tới UBND chỉ đạo các ngành triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt; chỉ đạo các ngành có giải pháp quyết liệt thu hồi các khu đất của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để xây dựng vườn hoa, khu vui chơi cho nhân dân. Rà soát lại các vườn hoa, công viên, khu vui chơi hiện có để có hướng đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Bên cạnh đó, tích cực triển khai Nghị quyết số 16/2003 của HĐND thành phố, đẩy mạnh thu hút xã hội hóa; tăng cường kiểm tra, giải quyết một cách quyết liệt, nghiêm túc việc lấn chiếm vườn hoa, khu vui chơi, nhất là trong các khu dân cư cũ...