(HNM) - Lộ trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) thế nào là vấn đề trọng tâm Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trong quá trình thảo luận về dự án Luật BHXH (sửa đổi) diễn ra ngày 13-8. Nếu triển khai theo phương án Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đưa ra, có thể sẽ bảo đảm cân đối tài chính quỹ BHXH, vừa không gây xáo trộn đời sống người lao động khi về hưu.
Đóng BHXH dựa trên thu nhập thực tế
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết, qua tổng hợp, một trong những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật BHXH sửa đổi là lộ trình nào để bảo đảm cân đối tài chính thu, chi. Hai phương án về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đã được cơ quan thẩm tra dự án luật đưa ra xin ý kiến UBTVQH. Phương án 1: Áp dụng tiền đóng BHXH bắt buộc là tiền lương, tiền công lao động có được hằng tháng theo quy định của Bộ luật Lao động từ ngày 1-1-2018. Phương án 2: Đề nghị áp dụng từ ngày dự án Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (1-7-2015). Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai nhận định, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH. Tuy nhiên, việc áp dụng ngay quy định này trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiền lương tối thiểu đang trong lộ trình thực hiện e rằng khó khả thi. Vì lẽ này, triển khai từ ngày 1-1-2018 sẽ hợp lý hơn.
Theo đó, việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng tháng cũng cần áp dụng thời gian tương ứng - từ năm 2018, trên nguyên tắc đóng thế nào, hưởng thế ấy. Như vậy, mức lương hưu hằng tháng của người lao động sẽ được trả bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu nhất trí với phương án thời gian thực hiện là 1-1-2018. Ông Nguyễn Văn Giàu lý giải, thứ nhất việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động. Xét rộng hơn, giải pháp này cũng góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH. Cũng tán thành xu thế này, song Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, mấu chốt là công tác tuyên truyền phải rõ ràng, chi tiết để người lao động nắm được khi tham gia BHXH họ có quyền, lợi ích gì, từ đó tự nguyện chấp hành. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu với người tham gia BHXH cần thực hiện có lộ trình nhằm tạo điều kiện để người lao động có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách như mục tiêu xây dựng luật đã đặt ra. Cụ thể là tính bình quân của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31-12-2019. Từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024 tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; từ ngày 1-1-2025 trở đi tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Có nghĩa là, nếu người lao động có đủ 30 năm đóng BHXH thì không xảy ra chênh lệch so với mức hưởng đang áp dụng hiện hành. Chỉ có nhóm về hưu sớm mới bị giảm quyền lợi nhất định.
Tự nguyện hay bắt buộc?
Cũng tại phiên họp, vấn đề đóng BHXH tự nguyện hay bắt buộc cũng được UBTVQH cho ý kiến. Nhiều đại biểu băn khoăn trước việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khá lớn, nhất là đề xuất nhóm cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc Nhà nước có thể sẽ hỗ trợ đóng 14% mức tiền lương cơ sở và người lao động sẽ đóng 8% còn lại. Theo tính toán, cho đến nay, Việt Nam có 230.000 người hoạt động không chuyên trách và nếu thực hiện BHXH bắt buộc Nhà nước phải bỏ ra 443 tỷ đồng/năm để hỗ trợ tiền đóng BHXH. Nhưng, vấn đề là chất lượng hoạt động của đội ngũ không chuyên trách không đồng đều. Ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, chính sách hỗ trợ tốt mà chất lượng hoạt động của nhóm này không thay đổi thì không ổn. "Cần đặt ra điều kiện là phải nâng cao chất lượng hoạt động của những người hoạt động không chuyên trách, coi đây như một sự ràng buộc nếu được hưởng thêm quyền lợi về BHXH" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu kiến nghị.
Ở góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nêu quan điểm, đã làm việc bán chuyên trách thì không phải 100% thời gian làm việc ở cơ quan... Cần xác định đối tượng hoạt động bán chuyên trách ở xã, phường là BHXH tự nguyện chứ không phải là BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến phản ánh, nhóm này tuy không chuyên trách và được hiểu là làm bán thời gian nhưng lãnh đạo cấp xã phân công công việc thì phải làm hết cả ngày. Phụ cấp cũng tùy hoàn cảnh địa phương mà HĐND quyết định và thực tế nơi thấp, nơi cao nên chưa công bằng. Đáng lưu ý, ở vùng sâu, vùng xa, số này hoạt động rất tích cực nên cần nghiên cứu tạo cơ chế hỗ trợ không chỉ trong dự án luật này mà cả trong dự án Luật Chính quyền địa phương.
Đưa ra quan điểm mềm dẻo hơn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng kiến nghị, việc xử lý vấn đề cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường tham gia BHXH theo hướng tiếp cận hiện đại. "Phải trên cơ sở trả lương bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu" - ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.
Về giải pháp chống thất thu BHXH, UBTVQH thống nhất giao chức năng thanh tra đóng BHXH cho cơ quan BHXH và bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc cơ quan BHXH cấp tỉnh và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho việc điều chỉnh chính sách trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) được đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Lao động, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH và nhiều cơ quan liên quan kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương xây dựng lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu, trình QH các nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi) tại kỳ họp QH thứ tám tới đây.