Mô hình hoạt
động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi xuất hiện tại Hà Nội từ năm
1993, sau hơn 20 năm phát triển cùng với sự phát triển của xã hội, đến nay số
lượng phương tiện taxi trên địa bàn Thành phố đã lên tới trên 19.000 xe của 77
doanh nghiệp. Ba năm gần đây, hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đã vận
chuyển trung bình trên 100 triệu lượt hành khách, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại
của người dân.
Cùng với sự
phát triển nhanh chóng của các loại hình kinh doanh vận tải, công tác quản lý của
nhà nước đã kịp thời hoàn thiện các thể chế quản lý: Nghị định số 86/2014/NĐ-CP
ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng
xe ô tô, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch
vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án quản lý hoạt
động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2025.
Tuy nhiên, đến
nay, hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đang bộc lộ nhiều bất cập như:
Chất lượng cung ứng dịch vụ thấp, giá dịch vụ cao và ít thay đổi so với biến động
của thị trường và cao so với chất lượng cung ứng dịch vụ, quản trị doanh nghiệp
còn bất cập, chưa tạo ra được hình ảnh văn minh, thanh lịch trong nếp sống, đi
lại của Thủ đô… Từ những bất cập trên, UBND Thành phố xây dựng dự thảo quy chế
quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi nhằm nâng cao chất lượng cung
ứng dịch vụ vận tải hành khách của loại hình taxi đáp ứng nhu cầu đi lại của
người dân đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm
môi trường đô thị; ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, điều hành; Tạo
lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh; Tạo dựng
nếp sống, thói quen đi lại theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát
triển đô thị của Thủ đô và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội góp ý
kiến tư vấn, phản biện xã hội trước khi trình HĐND Thành phố quyết nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Căn cứ Luật
MTTQ Việt Nam năm 2015; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14 – CP –
ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chính Phủ
và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức
giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; Quy chế phối hợp tổ chức phản
biện xã hội số 03/QCPH – HĐND – UBND - UBMTTQVN ngày 31/1/2015 giữa HĐND - UBND
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; sáng ngày 10/3/2018, tại Hội trường Tầng
III Uỷ ban MTTQ Thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố tổ chức Hội
nghị góp ý kiến phản biện xã hội vào dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh
doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội
Tham dự Hội
nghị có: đồng chí Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội;
Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; các
đồng chí Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố
Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, có liên quan; Ban chủ nhiệm các
HĐTV Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia; đại
diện lãnh đạo Tổng công ty vận tải Hà Nội, Hiệp hội vận tải Thành phố, Hiệp hội
taxi Hà Nội và đại diện UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam một số quận,
huyện.
Đồng chí Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị,
các đại biểu đã được nghe đại diện UBND Thành phố trình bày và giải trình về một
số nội dung cơ bản trong dự thảo quy chế; nghe đại diện đoàn khảo sát báo cáo tổng
hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đại biểu nhân dân nơi đoàn
đến khảo sát đóng góp ý kiến vào dự thảo quy chế và 13 ý kiến phát biểu thảo luận
của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị, đồng thời nghe giải
trình về một số nội dung của dự thảo “Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận
tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Các đại biểu nhất
trí cho rằng việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành
khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất cần thiết và là đòi hỏi
khách quan, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Dự thảo Quy chế
hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của HĐND
Thành phố về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường
bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà
Nội giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Quá trình xây
dựng dự thảo Quy chế, Sở Giao thông vận tải - cơ quan tham mưu cho UBND Thành
phố soạn thảo Quy chế - đã thường xuyên trao đổi với Ban Thường trực Ủy ban
MTTQ Việt Nam Thành phố với tinh thần nghiêm túc, thật sự cầu thị, đồng thời lắng
nghe ý kiến đóng góp của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước, từ Bộ
giao thông vận tải, Uỷ ban ATGT quốc gia đến các Hiệp hội, doanh nghiệp kinh
doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, của các chuyên gia, các nhà khoa học…
trong lĩnh vực quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, việc dự thảo
quy chế thể hiện cách làm khoa học, có trách nhiệm trước Nhà nước, nhân dân và
các tổ chức kinh doanh taxi.
Tuy nhiên,
Quy chế cũng cần bổ sung những quy định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích, trách nhiệm
của các chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp, người lái xe và hành khách. Hành khách
cần được phục vụ một cách thuận tiện, an toàn nhất nhưng cũng phải có nếp sống
văn minh, thanh lịch. Doanh nghiệp, lái xe được quyền thực hiện những gì pháp
luật không cấm, được cạnh tranh nhưng phải công bằng, lành mạnh, văn minh hiện
đại. Nhà nước với vai trò quản lý thì phải kiểm soát được hoạt động kinh doanh
của các hãng taxi, đảm bảo giao thông an toàn, giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt
là là kiểm soát, giám sát chống thất thu thuế, tạo điều kiện cho các dịch vụ vận
tải hành khách, trong đó có taxi, phát triển lành mạnh, phù hợp quy hoạch, bảo
vệ quyền lợi của hành khách đi taxi.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ
tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy
ban MTTQ Thành phố cho rằng dự thảo Quy chế cần xây dựng theo hướng tập trung cải cách hành
chính, giảm cơ chế xin – cho, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung và
phát triển loại hình vận tải bằng xe taxi theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng
được yêu cầu của hành khách, hạn chế những quy định quá cụ thể không cần thiết
(như địa điểm giao ca, thời gian giao ca…). Về giải thích từ ngữ, Sở GTVT
cần rà soát, tham mưu cho UBND Thành phố đưa ra những khái niệm, những thuật ngữ
mang tính bao trùm hơn, rộng hơn, tránh bị động, đón trước được xu thế phát triển,
đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 hiện nay, quy định chặt chẽ hơn đối với
loại hình taxi công nghệ cao để có thể quản lý được tất cả các loại hình taxi.
Việc quy định vùng phục vụ là cần thiết, nhưng khái niệm cần quy định là tập
trung các điểm đỗ chờ khách của từng hãng taxi chứ không nên quy định phân vùng
đối với cả việc dừng, đón, trả khách. Về màu sơn chung, UBND Thành phố cần
nghiên cứu lộ trình thực hiện cho phù hợp để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp taxi. Về quyền khai thác kinh doanh dịch vụ vận tải, chỉ
nên quy định là lâu dài thay cho vĩnh viễn bởi ngay cả luật cũng có lúc còn phải
sửa đổi, bổ sung, đồng thời UBND Thành phố cần kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy
định về đấu giá để quy định trong quy chế cho phù hợp hoặc xin tiêu chí đặc thù
để đấu giá vì quyền khai thác kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe
taxi chưa được quy định trong Luật đấu giá hiện hành. Về điểm đỗ công cộng nên
quy định là tối thiểu hoặc tối đa để đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Dự thảo
quy chế cần nghiên cứu bổ
sung vai trò giám sát của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong quá trình triển
khai, thực hiện và chế tài xử lý vi phạm, đặc biệt là những vi phạm chưa được
điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật.
Từ
Ngọc Lâm