Sáng ngày 15/6/2018, tại Hội trường cơ quan Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức Hội nghị góp ý kiến phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về “Quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Toàn cảnh hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Dương Cao Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, có liên quan; Ban Chủ nhiệm các HĐTV Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam một số quận, huyện.
Normal
0
false
false
false
EN-US
X-NONE
X-NONE
Đ/c Trương Thu Hà –
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai
phát biểu góp ý kiến
vào dự thảo Nghị quyết
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố trình bày và báo cáo về một số nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết nêu trên. Theo đó, trong những năm qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Thành phố đến xã, phường, thị trấn quan tâm chỉ đạo, chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng trẻ em là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm của Thành phố, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp, huy động xã hội hiệu quả, đưa tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 10,8% năm 2010 xuống còn 5,7% năm 2016, góp phần quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường chất lượng bữa ăn bán trú đảm bảo an toàn thực phẩm và phấn đấu đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, cân đối, thực hiện đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục, chú trọng giáo dục thể chất, đẩy mạnh phong trào thể thao trong trường học như: phổ cập bơi, duy trì các câu lạc bộ bóng rổ, cầu lông… góp phần không nhỏ cải thiện tầm vóc thanh niên Hà Nội.
Tuy nhiên, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn cao, để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần cho đứa trẻ, dễ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành như: béo phì, đái tháo đường và một số bệnh truyền nhiễm khác. Hiện tượng gia tăng nhanh chóng tình trạng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường đang trở thành gánh nặng kép về dinh dưỡng, nó không chỉ ảnh hưởng tới học tập và hành vi của trẻ mà còn là cửa ngõ của các bệnh mạn tính không lây như: tim mạch, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa… Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như: Vitamin A, Vitamin D, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực, đặc biệt là chiều cao và quá trình dậy thì bình thường của trẻ, làm giảm khả năng học tập của các em. Nguyên nhân chính của suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân, béo phì và thiếu vi chất là do chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực không hợp lý, chế đô ăn mất cân đối, chất lượng bữa ăn chưa đáp ứng đủ chất dinh dưỡng để phát triển tối đa tiềm năng của trẻ, chưa chọn lựa và sử dụng thực phẩm có lợi cho sức khỏe, lối sống ít vận động thể lực… dẫn đến sự phát triển chiều cao chưa tương xứng với độ tuổi, một số gia đình chưa thực sự quan tâm chăm sóc trẻ đúng cách, bữa ăn học đường còn thiếu đồng bộ, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học ở một số nơi chưa được uống sữa hàng ngày hoặc uống sữa chưa đúng với quy định về dinh dưỡng.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, dinh dưỡng giai đoạn tiền học đường và học đường đóng vai trò then chốt, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai, trong đó chất đạm, chất béo và vi chất dinh dưỡng là những là những yếu tố chính tác động đến phát triển tầm vóc của trẻ. Nhiều công trình nghiên cứu và bằng chứng khoa học đã chứng minh sữa tươi là thực phẩm bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, có khả năng giúp con người phát triển thể lực, giảm các bệnh tim mạch, huyết áp, giảm stress… Thành phần sữa giầu protein chất lượng cao, các chất béo có lợi và đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể giúp xương phát triển tốt và tăng chiều cao.
Do vậy việc xây dựng và triển khai Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội là nhu cầu cấp thiết để góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Hà Nội, đáp ứng nhu cầu chiến lược phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Hội nghị đã nghe đại diện đoàn khảo sát báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị, trường học và đại biểu cha mẹ học sinh nơi đoàn đến khảo sát đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết và 11 ý kiến phát biểu thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị phản biện.
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng chủ trương xây dựng và triển khai Đề án Chương trình Sữa học đường là hoàn toàn đúng đắn và nhận được sự đồng thuận của đại đa số phụ huynh học sinh. Quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thường xuyên trao đổi với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố với tinh thần nghiêm túc, thật sự cầu thị, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước, của các chuyên gia, các nhà khoa học và phụ huynh học sinh…
Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn: Các trường mầm non đón trẻ nhập học từ 18 tháng tuổi thì trẻ tử 18 tháng tuổi có được tham gia chương trình không? Nếu được tham gia thì có loại sữa, lượng sữa phù hợp với lứa tuổi? Bởi ở lứa tuổi này cũng rất cần bổ sung sữa phát triển trí tuệ và chiều cao, trong khi Đề án chương trình Sữa học đường chỉ căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng của khuyến nghị cho người Việt Nam (tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3 – 5 tuổi và 6 - 11 tuổi) của Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế. Cách thức giao, nhận sữa và bảo quản sữa trong quá trình vận chuyển và trước khi phát cho trẻ sử dụng có bị ảnh hưởng tới chất lượng sữa không? Làm sao để giữ nguyên được chất lượng của nhà sản xuất để không ảnh hưởng tới tiêu hóa của trẻ khi sử dụng?
Định lượng calo/ngày cho trẻ hiện nay đã và đang thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục vàĐào tạo và Viện Dinh dưỡng quốc gia (trong đó đã có sữa) và đảm bảo năng lượng cho trẻ trong thời gian học và hoạt động thể chất tại trường, khi thực hiện Chương trình Sữa học đường có gây quá tải (thừa dinh dưỡng) cho trẻ ảnh hưởng tới thể chất của trẻ?Định mức 180ml/trẻ/ngày liệu đã phù hợp chưa? Thời điểm uống như thế nào? Khi lứa tuổi tham gia Chương trình chênh lệch rất lớn (từ 3 tuổi đến 11 tuổi), nhu cầu của các lứa tuổi cũng khác nhau, đặc biệt là ở khối mầm non, để sau khi uống sữa, về nhà các trẻ không bỏ bữa ăn tại gia đình, gây tâm lý cho phụ huynh. Đối với những ngày thời tiết lạnh thì việc uống sữa trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ(sữa lạnh gây viêm họng…), doanh nghiệp cung cấp sữa và nhà trường có giải pháp gì để làm ấm sữa mà không làm thay đổi chất lượng sữa?
Đối với những trẻ đã có dấu hiệu béo phì thì có được tham gia Chương trình sữa học đường không?nếu tham gia thì uống loại sữa nào để không bị béo phì. Mặt khác khi Đề án Chương trình được triển khai thực hiện thì 5 ngày/tuần các trẻ sẽ được uống sữa với cùng một vị sẽ gây chán cho trẻ, không muốn uống sữa.
Về tỷ lệ kinh phí thực hiện Đề án: Các đại biểu đề nghị giảm mức đóng góp của phụ huynh học sinh xuống 30%, nâng mức hỗ trợ từ doanh nghiệp lên 50% bởi khi thực hiện Đề án doanh nghiệp đã không mất chi phí quảng cáo bán hàng (thông thường là 30% và doanh nghiệp vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh có lãi), nếu doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 20% thì không hợp lý (chưa phải là hỗ trợ), vì vậy các đại biểu đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ 50% kinh phí (thực tế như vậy mới hỗ trợ 20%), đặc biệt là với các xã vùng nông thôn mức sống của người dân còn thấp vàkhông đồng đều như khu vực nội thành….
Đồng chí Vũ Hồng Khanh - UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: Về chủ trương, việc ban hành Nghị quyết là thực sự cần thiết, nhân văn và đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của đại đa số phụ huynh học sinh, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực, trí tuệ của trẻ em, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, chính quyền Thành phố đối với thế hệ mầm non của Thành phố, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Việc tham gia Đề án Chương trình Sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện. Về đối tượng thụ hưởng, dự thảoNghị quyết cần quy định cụ thể hơn là các trường mầm non và tiểu học của Hà Nội, vì trên địa bàn Thành phố còn có các trường tiểu học và mầm non quốc tế, trường thực nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường của các trường Đại học, đối với các đối tượng đặc thù như: trẻ béo phì, trẻ không uống được sữa do cơ địa bị dị ứng với Protein trong sữa, không dung lạp Lacto… cũng cần có giải pháp và tư vấn phù hợp. Về thời gian: Dự thảo cần quy định rõ là 5 ngày/tuần (tránh trường hợp có trường học 6 ngày/tuần), 9 tháng/năm và chỉ thực hiện đến hết năm 2020. Về nguồn kinh phí và cơ chế hỗ trợ: Chủ trương Nhà nước, phụ huynh và xã hội cùng tham gia chương trình Sữa học đường là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên tỷ lệ nguồn kinh phí tham gia Chương trình Sữa học đường cần hợp lý, đồng thời Dự thảo cần lưuý giải pháp về cơ chế chính sách trong quyết định số 1340 của Thủ tướng Chính phủ, đó là ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững của Chương trình Sữa học đường, đặc biệt tại các huyện nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Về chất lượng sữa: Dự thảo cần quy định rõ trách nhiệm của ngành y tế đối với chất lượng sữa của chương trình Sữa học đường…
Từ Ngọc Lâm