Thực hiện Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và
quy chế hoạt động của Ban đại diện Phật giáo huyện, Ban đại diện Phật
giáo huyện Từ Liêm và các tăng, ni trụ trì các chùa luôn bám sát thực
hiện phương châm “Đạo pháp-dân tộc-CNXH”, triển khai thực hiện tốt công
tác phật sự trên địa bàn huyện. Đã có 48/50 chùa có sư trụ trì được
Thành hội chấp thuận đăng danh công nhận hơn 110 tăng ni. Thường trực
Ban đại diện Phật giáo huyện đặt tại chùa Thị Cấm-xã Xuân Phương, nơi
đây cũng trở thành trung tâm các khoá học an cư hàng năm của Thành hội
Phật giáo Hà Nội. Ban đại diện Phật giáo huyện luôn coi trọng công tác
giáo dục tăng, ni nâng cao trình độ phẩm cấp Phật học ngày càng cao,
hiện có 15 vị trình độ Đại học, 04 cao đẳng, 18 vị trung cấp, nhiều vị
đang theo học tại Học viện và cao học.
Công tác hoằng pháp luôn được nêu cao tinh thần “Hoằng dương chính pháp
lợi lạc quần sinh” các nghi lễ đều được tổ chức trang nghiêm, trọng
thể, tiết kiệm, phát huy lưu truyền đạo pháp và giữ gìn bản sắc văn hoá
dân tộc trong tổ chức: Đại lễ Phật đản, lễ đức Phật thành đạo, lễ vu
lan, tất niên, cầu an, cầu siêu đảm bảo nghi lễ Phật giáo và quy định
nhà nước về nếp sống văn minh, phòng chống mê tín dị đoan, tiết kiệm
giảm đốt vàng mã.
Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở
khu dân cư” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và thực hiện
Thông bạch của Thành hội Phật giáo Hà Nội về đẩy mạnh phong trào xây
dựng chùa tinh tiến, Ban đại diện Phật giáo huyện đã phát động tới 100%
các chùa đăng ký thi đua xây dựng chùa “Tinh tiến” nổi bật là các chùa
luôn quan tâm đẩy mạnh hoạt động nhân đạo từ thiện xã hội, thực hiện
tinh thần từ bi cứu khổ của đạo phật, tương thân, tương ái “Lá lành đùm
lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc. 5 năm qua, tăng, ni,
phật tử đã ủng hộ được 3.398 triệu đồng và nhiều hiện vật, vật chất giá
trị khác.
Việc giữ gìn bảo vệ cảnh quan các chùa thường xuyên được quan tâm trùng
tu, tu bổ và tôn tạo bằng các nguồn đầu tư ngân sách nhà nước và huy
động sức dân các nhà hảo tâm, 5 năm qua đã có 22/48 chùa được sửa chữa
và xây dựng nâng cấp với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tăng, ni các chùa luôn thực hiện và chấp hành nghiêm các chủ trương,
chính sách, pháp luật ở địa phương, chú trọng bảo vệ giữ gìn các di vật,
tượng cổ, bảo vệ di tích lịch sử văn hoá, thường xuyên giữ gìn sự đoàn
kết giữa tăng, ni với nhân dân ở từng khu dân cư và tăng cường mối quan
hệ với chính quyền địa phương. Phong trào xây dựng chùa tinh tiến hàng
năm có hơn 80 % số chùa đạt danh hiệu chùa tinh tiến góp phần nâng cao
chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở
khu dân cư”, 35 chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá,
trong đó có 28 chùa di tích cấp quốc gia và 7 chùa di tích cấp Thành
phố. Năm 2011, toàn huyện có 46/79 thôn làng đạt danh hiệu văn hoá và
thúc đẩy nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới hiện nay và phát huy
truyền thống huyện anh hùng thời kỳ đổi mới.
Những thành tích kết quả 5 năm qua đã được đánh giá tại Đại hội Phật
giáo huyện Từ Liêm nhiệm kỳ 2012-2017 diễn ra trong 2 ngày 10 và
11/04/2012 tại nhà văn hoá huyện Từ Liêm với 500 đại biểu tham dự. Đại
hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới và bầu ra Ban đại diện
mới. Đại hội thành công rực rỡ với sự hoan hỷ và nhất trí cao của toàn
thể đại biểu tham dự Đại hội. Tại Đại hội, Ban đại diện Phật giáo huyện
Từ Liêm đã được Thành hội Phật giáo Hà Nội khen thưởng và các cấp Thành
phố và huyện khen thưởng 23 chùa, 30 tăng, ni có thành tích xuất sắc 5
năm qua.
Nguyễn Văn Hoà-PCT UBMTTQ Từ Liêm