Cùng với việc triển khai các dự án chỉnh trang đô
thị, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo các ngành khẩn trương quét vôi, sơn cửa
làm đẹp mặt phố; các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác vệ sinh
môi trường tưới rửa đường, quét rác, thu gom vận chuyển rác thải, chống
bụi bẩn. Thế nhưng, tệ đổ rác ra đường của nhiều người dân vẫn chưa có
nhiều chuyển biến. Cứ sau khi công tác chỉ đạo, kiểm tra có phần lơi
lỏng thì tình trạng đổ rác, phế thải không đúng giờ, nơi quy định lại
tái diễn. Không chỉ vậy, phế thải xây dựng đổ trộm trên đường phố,
quảng cáo, rao vặt "tầm gửi" trên thân cây, cột điện, bờ tường... cũng
vẫn tiếp diễn. Để giải quyết tình trạng này, ngay từ những ngày đầu năm
mới 2010, Hội LHPN TP Hà Nội đã kiên trì tập hợp, đoàn kết và phát huy
sức mạnh của giới nữ trong các phong trào làm đẹp đường phố. Việc đầu
tiên là Thành hội đã vận động các cán bộ, hội viên gắn thực hiện phong
trào "Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác,
phế thải ra đường và nơi công cộng" với thực hiện các nội dung, chỉ
tiêu của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Tiếp đó, chỉ đạo các chi hội đăng ký các đoạn đường phụ nữ tự quản xanh
- xạch - đẹp, quản lý các tuyến phố vệ sinh - văn minh đô thị nhằm phát
huy vai trò nòng cốt của chị em trong việc duy trì nếp tổng vệ sinh vào
sáng thứ bảy hằng tuần tại khu dân cư.
Hiện các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đang tổ chức tốt các hoạt động thiết
thực cải thiện môi trường như vận động phụ nữ và nhân dân Thủ đô tự
giác tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào các đợt cao điểm,
chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của Thủ đô, của hội, hưởng ứng
tuần lễ quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường… bằng các hoạt động cụ
thể như thu gom rác thải, nạo vét, khơi thông cống rãnh, góp sức xây
mới và sửa chữa các công trình vệ sinh, trồng và chăm sóc cây xanh. Các
cấp hội đã đăng ký quản lý 115 tuyến phố trật tự - vệ sinh văn minh đô
thị và 6.618 đoạn đường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, cán bộ, hội viên phụ
nữ các quận, huyện Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng
đang là nòng cốt tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng
nơi quy định, duy trì nếp tổng vệ sinh hằng tuần. Mô hình CLB "Phụ nữ
tham gia bảo vệ môi trường" do Thành hội Phụ nữ chỉ đạo điểm tại phường
Mộ Lao - quận Hà Đông và mô hình "Đoạn đường nở hoa" thực hiện trên địa
bàn huyện Gia Lâm, Từ Liêm… cũng được các hội viên hội phụ nữ hưởng ứng
thực hiện. Từ phong trào giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp đã
xuất hiện nhiều tập thể, hội viên điển hình xuất sắc với những hoạt
động thiết thực đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng. Ðiển hình là bác
Trương Thị Chi, Chi hội trưởng phụ nữ cụm 1, phường Nguyễn Du, quận Hai
Bà Trưng đã đến từng nhà trên địa bàn phường phát tài liệu, giải thích
lợi ích của việc phân loại rác, đến các điểm thu gom rác kiên trì nhắc
nhở, hướng dẫn các hộ dân chưa làm đúng. Ngoài ra, bác còn có tài
thuyết phục chị em bán hàng rong không vứt rác bừa bãi ra hè phố.
"Chất lượng môi trường của TP Hà Nội phụ thuộc lớn
vào ý thức của cộng đồng trên địa bàn" là nhận xét của bà Nguyễn Thị Bé
- hội viên Hội Phụ nữ quận Hoàn Kiếm. Nhiều năm tham gia phong trào "Vì
Thủ đô xanh, sạch, văn minh", bà Bé cho biết "Từ chiều thứ sáu hằng
tuần, chị em chúng tôi đã nhắc nhở nhau và đúng 6 giờ kém 15 các sáng
thứ bảy là ra đường dọn dẹp vệ sinh. Chúng tôi phụ trách đoạn phố từ
ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo đến ngã tư Bà Triệu - Nguyễn Du. Sau đó
có các cuộc kiểm tra chéo như phường Tràng Tiền kiểm tra phường Hàng
Bài, phường Hàng Bài kiểm tra phường Trần Hưng Đạo để bình bầu, thi
đua". Bà Bé cũng cho rằng, mấy chục năm trước, người Hà Nội có một thói
quen tuyệt vời. Cứ chiều thứ bảy, nhà nhà đều đổ ra đường tổng vệ sinh
sạch như ly như lau chẳng cần loa phường, tổ trưởng dân phố thúc giục
từng nhà. Nay nếu Hội Phụ nữ thành phố "ra tay" vận động để phong trào
này ngấm đến từng cụm dân cư thì tốt biết mấy.
Theo chị Hoàng Hải Yến - hội viên Hội Phụ nữ phường
Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội muốn triển khai thành công việc xử lý
rác thải theo phương pháp 3R (phân loại rác ngay tại từng gia đình)
phải có cách tuyên truyền đi vào lòng dân. Không thể riêng lẻ một số
phường thực hiện mà cả thành phố phải vào cuộc, cùng làm mới hiệu quả
được. Công tác này cũng phải được đưa vào hệ thống giáo dục, thành phố
phải lập ban chỉ đạo, tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống thông tin đại
chúng. Và với những cá nhân, tổ chức vi phạm như đổ rác, phế thải, bùn
đất ra đường phố và nơi công cộng phải bị xử phạt thật cao.
Theo báo HNM
Ảnh: Phụ nữ phường Việt Hưng (quận Long Biên) làm
vệ sinh ngõ, phố, giữ gìn môi trường. Ảnh: Linh Tâm