(HNM) - Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa sẽ khép lại nhiệm kỳ đại hội đầu tiên của Đảng bộ Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính (1-8-2008).
Những vấn đề khó khăn phải đối mặt sau hợp nhất đã và đang được giải quyết. Kỳ vọng về một Thủ đô giàu tiềm lực, mạnh mẽ trên đường đổi mới và hội nhập xứng đáng là "đầu não" của đất nước Việt Nam đang dần hiện hữu. 5 năm - một khoảng thời gian không dài nhưng đủ để minh chứng quyết tâm chính trị, cũng như những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội đã đạt được trong công cuộc "xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong ước của Bác Hồ.
|
5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng Thủ đô. Ảnh: Vũ Long |
1. Trong những ngày tháng Mười của 5 năm trước, Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội - Đại hội đầu tiên của Đảng bộ Thủ đô sau hợp nhất được tiến hành trong không khí trang nghiêm, dân chủ, đoàn kết. Những vấn đề đặt ra sau hợp nhất thêm một lần nữa được bàn bạc kỹ lưỡng để từ đó có những quyết sách phù hợp. Không chỉ là việc huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ, làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hà Nội sau hợp nhất còn có một vùng ngoại thành rộng lớn - nơi hơn 60% người dân sinh sống. Làm sao để vùng ngoại thành có cơ sở vật chất, hạ tầng đồng bộ, người nông dân có đời sống vật chất và tinh thần hơn hẳn các vùng miền khác? Vấn đề cốt yếu là bộ máy, đội ngũ cán bộ - làm sao để phát huy được trí tuệ, nâng cao được tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, cải thiện được môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, để Hà Nội vững vàng trong vai trò trung tâm đầu não; đầu tàu và động lực kinh tế của cả nước…? Tất cả những vấn đề đó được phân tích, nhìn nhận thấu đáo. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình khách quan và chủ quan, Thành ủy khóa XV quyết định xây dựng 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá, bao trùm toàn diện các vấn đề, lĩnh vực.
Chính phủ đã phê duyệt đồng bộ Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực… Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho Hà Nội phát huy các thế mạnh trong quá trình phát triển. Nhưng, những thuận lợi do khách quan mang lại sẽ không thể trở thành sức mạnh nếu như bộ máy không quyết tâm, đổi mới cách tổ chức thực hiện. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp lại được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh những nhiệm vụ chính trị thường xuyên, từ thành phố tới cơ sở, các cấp ủy luôn nghiên cứu, xem xét, nắm bắt tình hình thực tế, chọn ra những việc quan trọng nhất, cấp thiết nhất để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhằm giải quyết một cách rốt ráo, quyết liệt, đạt hiệu quả ở mức cao nhất có thể. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu được đề cao, coi hiệu quả công việc là thước đo đánh giá cán bộ gắn với thực hiện tốt phương châm: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm; việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
2. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, Bộ Chính trị đánh giá cao những thành tựu Hà Nội đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận cách làm sáng tạo của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới - một trong 10 thành tựu tiêu biểu của nhiệm kỳ 2010-2015. Không chỉ dành nguồn lực lớn (5.800 tỷ đồng) đầu tư cho hạ tầng, công trình công cộng, làm đổi thay diện mạo nông thôn, điều mà Hà Nội đã làm được là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giải quyết được những khó khăn tồn tại từ nhiều năm trước như dồn điền, đổi thửa, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới (166/386 xã). Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành đã làm thay đổi tư duy của người nông dân - chủ thể thụ hưởng thành quả của chương trình nông thôn mới. Không khí nhà nhà hồ hởi tham gia bàn bạc, đóng góp công sức, tiền của, hiến đất làm đường, xây nhà văn hóa đã làm sáng lên những vùng quê. Ngắm cánh đồng vuông vức, có hệ thống tưới, tiêu thuận tiện, có đường ô tô chạy vào tận ruộng… nhiều nông dân đã thốt lên: Đây thực sự là một cuộc cách mạng! Cuộc cách mạng làm đổi thay tư duy sản xuất, tư duy làm chủ để họ tự tin đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, làm giàu trên chính đồng đất của mình. Sự quan tâm, đầu tư hiệu quả cho "tam nông" đã góp phần tăng thu nhập của người dân nông thôn lên 33 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ dân có nhà ở kiên cố và khang trang; có máy thu hình, điện thoại cố định và kết nối internet ngày càng nhiều. Số hộ nghèo đã giảm từ 11,2% từ đầu nhiệm kỳ xuống còn 2%.
|
Diện mạo nông thôn của Hà Nội đã có nhiều đổi mới. Ảnh: Bá Hoạt |
Vùng ngoại thành ngày càng sáng, xanh, đẹp, khu vực nội đô cũng ngày càng hiện đại hơn. Hà Nội đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đặc biệt, 5 năm qua, thành phố đã dồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, các tuyến cao tốc, đường hướng tâm, trục đường chính đô thị và các tuyến giao thông quan trọng. Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài, đường Vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, Đường 5 kéo dài...; những cây cầu: Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Đông Trù và 7 cây cầu vượt… không chỉ làm đẹp thêm gương mặt đô thị, giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông mà hơn hết đã rút ngắn khoảng cách giữa Thủ đô với cả nước, với bạn bè quốc tế, đẩy mạnh giao thương, mở ra nhiều triển vọng liên kết, hợp tác, cùng phát triển. Cùng với đó, hệ thống trường học, bệnh viện, nhà ở được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Chất lượng dịch vụ đô thị được nâng cao nhằm giải quyết triệt để những vấn đề phát sinh trong tiến trình phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.
3. Tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015, chúng ta vui mừng khi 15/19 chỉ tiêu Đại hội XV đặt ra được thực hiện hoàn thành kế hoạch. Trong đó, 4 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là xây dựng nông thôn mới (đạt hơn 43% tổng số xã); tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực ngoại thành; tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân tăng lên 21,3; tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân tăng lên 11,5... Có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch gồm tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng. Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới phức tạp, suy thoái kinh tế kéo dài, đặc biệt những diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã tác động xấu đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị thì tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm của Hà Nội tăng 9,23% là sự nỗ lực rất lớn (mục tiêu đặt ra là 12-13%). GRDP của Hà Nội gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước; bình quân thu nhập đầu người 3.600 USD, gấp 1,8 lần so với năm 2010. Hà Nội vẫn giữ vững vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thủ đô hôm nay đã và đang phát huy ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Đảng bộ Thủ đô vững mạnh, trưởng thành, xứng với quy mô có số tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên lớn nhất cả nước. Trong mọi thời điểm, Thủ đô luôn yên bình, là điểm đến an toàn của du khách trong nước và quốc tế. Khép lại một nhiệm kỳ với nhiều thành tựu nổi bật, Hà Nội tự hào khi dân số chỉ chiếm 8% của cả nước nhưng hằng năm đang đóng góp cho đất nước khoảng 10% tổng sản phẩm quốc gia, 20% ngân sách; 20% giá trị xuất khẩu. Đây chính là hành trang để Đảng bộ thành phố bước vào một nhiệm kỳ mới, với quyết tâm: Xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.