(HNM) - Ngày 13-8, Bộ Y tế tổ chức tập huấn công tác phòng và điều trị virus Ebola cho cán bộ, nhân viên y tế các sở y tế, trung tâm y tế dự phòng và các khoa, bệnh viện (BV) chuyên ngành truyền nhiễm khu vực phía Bắc.
Hiện Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn trong phòng chống dịch bệnh Ebola. Tuy nhiên, ngành y tế đang quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, đồng thời chủ động ứng phó có hiệu quả nhất và ít gây thiệt hại nhất khi dịch xảy ra.
Các bệnh viện đã sẵn sàng
Tính đến nay, số người mắc bệnh Ebola tại 4 nước Châu Phi đã lên đến 1.848 người, với 1.013 người tử vong. Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus gây bệnh Ebola có 5 chủng. Chủng virus gây bệnh Ebola năm nay là Zaire Ebolavirus (EBOV) - chủng nguy hiểm nhất vì khả năng lây lan cũng như gây tử vong cao nhất so với các chủng khác.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngoài việc tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh từ vùng dịch vào Việt Nam, Bộ Y tế đã sẵn sàng cho công tác chuẩn bị điều trị đối phó với dịch Ebola. Cụ thể, Bộ Y tế đã chính thức ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Ebola, đồng thời giao cho hội đồng chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola phù hợp theo diễn biến của bệnh dịch. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hướng dẫn này được nhóm chuyên gia kỹ thuật dựa trên tất cả thông tin dịch tễ về virus học, về bệnh sinh, về bệnh cảnh lâm sàng và các phương thức điều trị đã được áp dụng tại các nước Châu Phi kết hợp với các khuyến cáo của WHO và Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) để xây dựng phác đồ điều trị Ebola cho Việt Nam. Hướng dẫn đã được gửi tới tất cả các sở y tế và trong ngày 13 và 14-8, Bộ Y tế tiến hành tập huấn cho tất cả cán bộ y tế tuyến tỉnh cả hệ điều trị, dự phòng và kiểm dịch y tế quốc tế về hướng dẫn này nhằm thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nếu phát hiện người bị nhiễm virus Ebola, bệnh nhân sẽ được điều trị sớm ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện nay, căn bệnh nguy hiểm này chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phác đồ tập trung hướng dẫn các triệu chứng lâm sàng, khai thác các yếu tố dịch tễ học để phát hiện những ca nghi ngờ nhằm cách ly và điều trị kịp thời. Việc điều trị tập trung vào các triệu chứng và hỗ trợ là chính. Chẳng hạn, như trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bị sốt trên 380C sẽ tiến hành hạ nhiệt bằng thuốc Paracetamol (10-15mg/kg cân nặng/ngày); uống Oresol ngay cả khi không có dấu hiệu mất nước; truyền máu, lọc máu... Đặc biệt, tránh dùng các NSAIDS (Diclofanac, Ibupropen…) thuộc thuốc nhóm Salicyiate vì làm nặng rối loạn đông máu…
Hiện nay, ở các cơ sở y tế đã được thực hành khá nhiều các bài, cách, kịch bản khi gặp ca bệnh truyền nhiễm mới nổi như Ebola ở các mức độ khác nhau. Các BV tuyến cuối điều trị bệnh do virus Ebola, gồm: BV Bệnh Nhiệt đới trung ương; Bạch Mai; Nhi trung ương; Trung ương Huế; Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh; Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Chợ Rẫy. Nhiệm vụ của các BV này là điều trị những ca bệnh đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam, xây dựng hướng dẫn chuyên môn, phác đồ chẩn đoán, điều trị…
Tại Hà Nội, 6 BV nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola, gồm: Bắc Thăng Long, Đống Đa, Hà Đông, Đức Giang, Thanh Nhàn và Việt - Pháp cũng đã tổ chức khu cách ly, các trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế để cấp cứu thu dung, điều trị người bệnh. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, toàn ngành sẽ thực hiện nghiêm ngặt việc giám sát, phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân nếu có. Ngành y tế Thủ đô thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân và bệnh nhân khác tại các cơ sở điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những biện pháp phòng ngừa chính, gồm: Thực hành tiêm an toàn và thủ thuật mở tĩnh mạch an toàn, quản lý an toàn các vật sắc nhọn, làm vệ sinh môi trường thường xuyên và thật sạch, khử khuẩn các bề mặt và trang thiết bị, quản lý ga trải giường, chất thải…
Tuyệt đối không điều trị tại nhà
Việt Nam hiện nay có 2 phòng an toàn sinh học cấp độ 3 có thể tiến hành các xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các tỉnh có phòng an toàn sinh học cấp độ 2 và 1. Việt Nam còn có 2 hệ thống khử trùng di động. Nếu tính đến việc xử lý ngay với tình huống khẩn cấp, kịp thời, hệ thống này hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Khi hệ thống này đóng gói lại sẽ chỉ bằng 1 container. Đầu kéo chuyên dụng được thiết kế bảo đảm có thể di chuyển đến tất cả các vùng, miền trong cả nước…
Theo đánh giá của WHO, Việt Nam chỉ cần có 2 phòng xét nghiệm trên đạt tiêu chuẩn là đủ số lượng phòng xét nghiệm cần thiết. Ngành y tế cần tập trung vào khâu phòng, chống tốt hơn. WHO cũng đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ, không nên chăm sóc cho bệnh nhân tại nhà. Với các cá nhân bị mắc và thân nhân của người nhiễm virus Ebola cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị. Khi thăm bệnh nhân tại BV hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh. Thi thể người chết do nhiễm virus Ebola cần được xử lý với phương tiện bảo hộ phù hợp và phải mai táng ngay bởi cán bộ y tế công cộng được đào tạo về thực hành mai táng an toàn. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola, như: Dơi ăn quả, khỉ, hay vượn tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Để tập trung mọi biện pháp ngăn chặn và không để dịch xâm nhập, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi. Trên cơ sở 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh Ebola, ngành y tế các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, để kịp thời đối phó khi có dịch xảy ra; đồng thời tăng cường truyền thông tình hình dịch bệnh, nguy cơ, hình thức lây truyền và biện pháp phòng chống để nhân dân biết và thực hiện.
Bộ VH-TT&DL đã có công văn số 2691/BVHTTDL-TCDL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về triển khai phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola trong ngành du lịch. Đồng thời Bộ VH,TT&DL cũng đã ban hành Kế hoạch số 2692/KH-BVHTTDL về phòng, chống bệnh Ebola.
Mục tiêu chung của kế hoạch là hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh Ebola qua đường du lịch; kịp thời xử lý các trường hợp lây nhiễm đối với khách du lịch, phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế trung ương và địa phương trong việc phòng chống, bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách du lịch và người lao động trong ngành du lịch… yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế không đưa khách du lịch đến các quốc gia đang bùng phát dịch bệnh Ebola.
Khi đón các đoàn khách quốc tế đến từ các thị trường liên quan đến dịch bệnh cần hợp tác với cơ quan kiểm dịch y tế, thực hiện các thủ tục kiểm tra sức khỏe theo đúng quy định. Các khách sạn, cơ sở lưu trú thường xuyên theo dõi sức khỏe của khách lưu trú, phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế các địa phương để phòng chống dịch bệnh cho khách du lịch; có phương án cách ly khách du lịch trong trường hợp nghi vấn liên quan đến dịch bệnh và kịp thời liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để chữa trị cho khách… Vũ Hoa
|