Tăng cường phát triển Khoa học Công nghệ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

19/11/2018 - 05:15 PM
Thực hiện Kế hoạch số 228/KH-MTTQ-BTT ngày 15/10/2018 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội về giám sát việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học công nghệ và Luật Khoa học Công nghệ, trong 2 ngày (14,15/11/2018), Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội. Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Phạm Trung Chính – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP; Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP; PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP, các chuyên gia khoa học kỹ thuật về lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Báo cáo với Đoàn giám sát, GS.TS Đặng Văn Soa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: Trường có quy mô đào tạo 22 ngành ở trình độ Cao đẳng, 23 ngành ở trình độ Đại học với hơn 6.000 sinh viên. Trường có 45 Tiến sĩ, 9 Giáo sư, Phó Giáo sư Đại học. Trong 5 năm học gần đây, Trường Đại học Thủ đô có 18 đề tài nghiên cứu liên kết với nước ngoài và cấp Nhà nước, cấp Thành phố; 184 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà trường. Tổng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học các cấp từ 250 đến hơn 800 triệu đồng/năm… Đánh giá cao kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Thủ đô, đoàn giám sát khẳng định nhà trường đã có mục tiêu cụ thể, có tầm nhìn, xác định được những nội dung đặc thù trong đào tạo, giảng dạy, trên cơ sở đó đã quan tâm đầu tư đúng hướng cho lĩnh vực khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Đoàn giám sát tham quan cơ sở vật chất phòng Vật lý Thiên văn tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam
Tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hiệu trưởng nhà trường Lê Thị Oanh cho biết, nhằm phát huy thế mạnh sẵn có là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường luôn đặc biệt quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học. Đáng chú ý, trường Amsterdam đã đầu tư trang thiết bị phục vụ NCKH như xây dựng, chuẩn hóa phòng Robotics, Vật lý thiên văn; chuẩn hóa các phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh để phát triển học qua trải nghiệm, định hướng thực hành của học sinh theo hướng nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm KH&CN. Đây cũng là cơ sở để học sinh trường Amsterdam luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi Khoa học trẻ quốc tế - IJSO qua nhiều năm học.
Là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH), tăng cường phổ biến, ứng dụng kết quả NCKH và sáng kiến kinh nghiệm có chất lượng tốt vào thực tiễn, nhằm đổi mới việc dạy và học. Trong đó, với việc triển khai chương trình “Quang hóa trường học”, đến nay 100% trường học trên địa bàn TP đều có kết nối Internet. Kho học liệu điện tử ngành GDĐT lưu trữ hàng trăm nghìn bài giải E-learning, phầm mềm giáo dục, đề thi…có chất lượng; quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử cho gần 900 trường THCS và THPT.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn, các đơn vị đã chú trọng và triển khai sâu rộng, có hiệu quả Nghị quyết của T.Ư và Chương trình hành động của Thành ủy về phát triển KHCN tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Trước yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và yêu cầu đào tạo nhân lực của Thủ đô, Trường Đại học Thủ đô tiếp tục quán triệt Nghị quyết 20, Luật Khoa học và Công nghệ để thực hiện tốt hơn việc nghiên cứu khoa học công nghệ; gắn đào tạo với nhiệm vụ chính trị của trường, của thành phố. Nhà trường cần có lộ trình để thực hiện bảo đảm hiệu quả, thể hiện sự quyết tâm đạt được chương trình, mục tiêu để giải quyết bài toán mục tiêu đào tạo và mục tiêu phát triển, có giải pháp chủ động hơn nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho Thủ đô. Sở GD&ĐT cũng như trường Amsterdam cần tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để NCKH và ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, dạy và học. Trong đó, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất thiết bị CNTT; triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành; nghiên cứu chế độ chính sách, cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên bồi dưỡng tài năng trẻ và cho học sinh tham gia NCKH.
Đồng chí cũng khẳng định sẽ tiếp thu, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị để đề xuất với Thành phố hỗ trợ về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong thời gian tới.
Diệu Hương

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020