Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, sau hơn 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã mang lại những tác động to lớn đến kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, diện mạo nông thôn ngày càng hiện đại, khang trang.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, MTTQ Việt Nam đã triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” với những việc làm cụ thể, tuyên truyền để nhân dân hiểu được chủ trương, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; xây dựng các mô hình hướng dẫn các khu dân cư xây dựng NTM tại các thôn, xóm, bản, góp phần xây dựng NTM ở các xã; giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, công trình được đầu tư để xây dựng NTM.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, từ năm 2017 đến nay, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam ngày càng được triển khai thiết thực và hiệu quả hơn, phát huy được vai trò giám sát của người dân thông qua việc MTTQ các cấp lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, là hình thức để người dân tham gia đóng góp, đánh giá thực chất nhất kết quả xây dựng NTM trong giai đoạn 2016 – 2020.
|
Quang cảnh Hội nghị |
“Thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bên cạnh những đóng góp cho thành quả chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống của người dân, phương châm đổi mới nội dung phương thức của MTTQ Việt Nam càng được khẳng định rõ nét, sự gắn kết giữa Mặt trận và nhân dân chặt chẽ hơn, đội ngũ cán bộ Mặt trận gần dân, sát việc hơn, nắm bắt được tình hình nhân dân để kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng với Đảng, chính quyền địa phương”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, nhận thức về xây dựng NTM tại một số địa phương vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được nội lực cũng như khả năng sáng tạo của người dân trong xây dựng NTM. Công tác giám sát xây dựng NTM, xây dựng các công trình sử dụng nguồn lực do nhân dân đóng góp chưa được triển khai thường xuyên tại một số nơi,... Chính vì vậy, Hội nghị tập huấn là dịp để các đại biểu được lắng nghe, trao đổi với báo cáo viên để tiếp tục nâng cao nhận thức, nắm bắt đầy đủ, sâu sắc những quy định về chính sách, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM để phối hợp triển khai đồng bộ.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn, bên cạnh nghe báo cáo viên trình bày các nội dung tập huấn tại Hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ tích cực thảo luận, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương; nêu kiến nghị, đề xuất đối với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc phối hợp với các bộ, ngành để thống nhất các cơ chế, hướng dẫn để MTTQ các tỉnh, thành phố có đầy đủ điều kiện để phối với với các cơ quan, ban, ngành địa phương triển khai đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Những điểm mới về lấy ý kiến sự hài lòng của người dân
|
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên giới thiệu tổng quan Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; những điểm mới về lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM; hướng dẫn lấy ý kiến sự hài lòng của người dân bằng công nghệ số; kết quả và kinh nghiệm trong xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Phúc.
Đề cập đến những điểm mới về lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Phó Trưởng Ban Phong trào Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, thông qua việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân nhằm khẳng định vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Việc tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo khách quan, chính xác và phải được thực hiện một cách độc lập do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp thực hiện, qua đó thể hiện sự đồng thuận của người dân nhằm góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
Nội dung lấy ý kiến tập trung vào việc: Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận xã nông thôn mới nâng cao; Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu; Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận huyện nông thôn mới; Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận huyện nông thôn mới nâng cao; Lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Việc lấy ý kiến thông qua hình thức phát phiếu và lấy ý kiến trực tiếp tại các hộ gia đình; Tổ chức cuộc họp khu dân cư, phát phiếu và xin ý kiến đại diện các hộ gia đình; Tổ chức lấy ý kiến bằng công nghệ thông tin (khi có hướng dẫn cụ thể).
Có 4 bước tiến hành lấy ý kiến của người dân. Trong đó, bước 1 được triển khai sau khi có văn bản đề nghị của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân tại địa phương; Bước 2: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh phối hợp với Ban chỉ đạo (Ban vận động) cùng cấp thống nhất cách thức, thời gian thực hiện; phân bổ phiếu cho các khu dân cư và triển khai cho Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư tiến hành lấy ý kiến các hộ gia đình; Bước 3: Ban Công tác Mặt trận chủ trì cùng các đoàn thể tổ chức lấy ý kiến thông qua tổ chức họp dân hoặc phát phiếu cho các hộ gia đình, hướng dẫn hộ gia đình ghi phiếu trả lời câu hỏi và nhận phiếu từ các hộ gia đình; Bước 4: Tổng hợp kết quả.
Bảng tổng hợp kết quả lấy ý kiến sau khi hoàn thiện phải được niêm yết tại bảng tin của các khu dân cư, Nhà văn hóa thôn, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; công bố kết quả trên hệ thống thông tin xã (đối với xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao/nông thôn mới kiểu mẫu) và huyện/thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh (đối với đề nghị huyện đạt chuẩn nông thôn mới/ nông thôn mới nâng cao; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới); trên hệ thống truyền thông các báo, Đài phát thanh và truyền hình cấp tỉnh (đối với đề nghị cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới).
Thời gian niêm yết và công khai trên các phương tiện thông tin là 10 ngày kể từ khi có báo cáo kết quả tổng hợp của Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các cấp đối với kết quả xây dựng nông thôn mới…
|
Các đại biểu thăm mô hình trồng nấm tại Công ty TNHH nấm Phùng Gia (Vĩnh Phúc) |
|
Đại biểu tham dự đi thăm mô hình nuôi bò trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc |
* Cùng ngày, các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững cho cán bộ Mặt trận khu vực phía Bắc đã đến thăm các mô hình NTM và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Hương Diệp - ảnh Tiến Đạt