Tập trung nguồn lực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

05/07/2016 - 09:28 AM




Trước đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu các ngành, địa phương tập trung nguồn lực, ưu tiên xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí văn hóa

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm của hầu hết các ngành, địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Nhờ đó, công tác này đạt được nhiều kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm. Nổi bật là việc Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” (Chương trình 04); UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 18-2- 2016 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời có hướng dẫn các ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Một số chương trình, đề án khó như: Xây dựng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng; quy hoạch hoạt động quảng cáo ngoài trời đến năm 2020, tầm nhìn 2030; quy hoạch nhà hát, rạp chiếu phim đến năm 2030… cũng đang được các ngành chức năng hoàn thiện, trình thành phố phê duyệt. 

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong phản ánh: Gia đình được coi là môi trường hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người, nhưng hiện tại mô hình xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) rất nặng “bệnh” thành tích. Tại quận Hoàn Kiếm, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn danh hiệu GĐVH ở một số phường từng lên đến hơn 90%, trong khi tệ nạn xã hội vẫn còn, lối sống, nếp sống ở một số gia đình chưa chuẩn mực. Sau khi siết chặt tiêu chí bình xét, tỷ lệ GĐVH ở Hoàn Kiếm giảm, nhưng chất lượng danh hiệu tăng lên rõ rệt.
Theo đánh giá, công tác văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm của TP Hà Nội đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Về giáo dục, Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi THPT các môn văn hóa cấp quốc gia năm học 2015-2016. Ngành y tế đã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; đồng thời tăng cường quản lý an toàn thực phẩm... Đáng mừng hơn, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 77,3%, tương đương với gần 5,5 triệu người tham gia.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đề nghị rà soát, xem xét quy trình bình xét, công nhận và công nhận lại danh hiệu làng văn hóa. “Tiêu chí, quy định công nhận các danh hiệu văn hóa hiện khá đầy đủ, cụ thể, nhưng quy định về việc thu hồi danh hiệu thì lại không thấy. Điều đó lý giải tại sao một số làng ở Ba Vì từng đạt danh hiệu làng văn hóa hiện rất trì trệ nhưng vẫn không bị thu hồi danh hiệu. Một số làng đạt danh hiệu từ lâu, nay muốn phấn đấu xây dựng lại song chưa biết phải làm thế nào cho đúng”, ông Đỗ Mạnh Hưng nói.

Ngoài chất lượng các danh hiệu văn hóa, nhiều địa phương còn trăn trở đối với việc xây dựng và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở. Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn cho hay: Quận Bắc Từ Liêm hiện có 13 phường với 181 tổ dân phố, nhưng hiện tại mới có 83 nhà văn hóa. Theo ông Đỗ Mạnh Tuấn, việc phủ kín nhà văn hóa đã khó, xây dựng nhà văn hóa theo đúng tiêu chuẩn còn khó hơn vì không phải địa phương nào cũng có quỹ đất gần 4.000m2 và kinh phí hàng tỷ đồng để đáp ứng đúng yêu cầu của Bộ VH-TT&DL đối với phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Từ thực tế đó, ông Tuấn đề nghị các ngành chức năng xem xét điều chỉnh các tiêu chí xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở Thủ đô. 

Loại bỏ “bệnh” thành tích

Trước phản ánh của các địa phương, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định “bệnh” thành tích trong việc bình xét các danh hiệu văn hóa là có thật; nhu cầu xây dựng, vận hành có hiệu quả thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở là chính đáng. Để khắc phục những vấn đề này, 6 tháng cuối năm, Sở VH-TT Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, rà soát và báo cáo UBND thành phố về tình hình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ đó đề xuất các biện pháp điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa, nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. 

Với các địa phương thiếu kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa, ông Tô Văn Động cho rằng, nên triển khai từng bước, được đến đâu chắc chắn đến đó, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Nếu điều kiện cho phép, các địa phương có thể huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng. Hiện tại, huyện Đan Phượng đã xây dựng và triển khai đề án “Nâng cao chất lượng nhà văn hóa thôn, cụm dân cư trên địa bàn huyện Đan Phượng” theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm, mang lại hiệu quả thiết thực. 

Nhìn nhận việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có phần chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do các ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các địa phương tập trung nguồn lực xây dựng con người văn hóa, nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. 

“Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Chương trình 04 của Thành ủy là nhiệm vụ vừa trước mắt, vừa lâu dài, vừa theo chiều rộng, vừa theo chiều sâu nên các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân Thủ đô phải chung sức, chung lòng thực hiện từ những việc nhỏ nhất mới có thể đạt hiệu quả thiết thực”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh. Ngoài ra, Sở VH-TT Hà Nội cần sớm hoàn thiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời; sớm xây dựng quy chế hoạt động đối với hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở. UBND thành phố sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các địa phương thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa. 
Theo HNM
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020