THAM LUẬN CỦA MTTQ QUẬN HOÀN KIẾM TẠI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XV ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

29/10/2010 - 12:00 AM

Từ thực tiễn ở địa phương, từ nhận thức sau khi nghiên cứu các dự thảo văn kiện của Trung ương và lắng nghe ý kiến của nhân dân trong những hội nghị do MTTQ tổ chức, chúng tôi xin đóng góp với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam, tạo sự đồng  thuận xã hội - nhân tố quan trọng đưa Nghị  quyết của Đảng vào cuộc sống”.

Trang 4, dự thảo Cương lĩnh nêu “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”. chúng tôi đề nghị gộp 2 cụm từ “đoàn kết toàn dân” và “đoàn kết dân tộc” thành cụm từ “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đủ ý. Đây chính là truyền thống quý báu, lâu đời và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta, là một trong những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, với bao khó khăn thách thức, song với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu dành được những thành tựu quan trọng. Đánh giá trong dự thảo Báo cáo chính trị được nhân dân đồng tình. Đó là, các chính sách xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được triển khai sâu rộng và có kết quả. MTTQ, các tổ chức thành viên được củng cố và mở rộng, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội, người Việt Nam trong và ngoài nước trên tinh thần hợp tác, chung sức, chung lòng vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, được các tầng lớp nhân dân hăng hái thực hiện thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Tinh thần yêu nước, thương nòi, nhân nghĩa, khoan dung được đề cao và là động lực thúc đẩy các hoạt động xã hội, là biểu tượng sinh động của truyền thống đoàn kết “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam – và ngay chính lúc này, cả nước đang hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt. Vì thế, mối quan hệ giữa Đảng - chính quyền - MTTQ với nhân dân thêm gắn bó, tạo sự đồng thuận xã hội và sức mạnh vì mục tiêu phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, đảm bảo ANQP... Thực tế sinh động việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò của MTTQ và những đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước là vô cùng quan trọng. Kết quả đó được khẳng định trong cuộc tổng kết của Trung ương mới đây về 15 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 10 năm thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, cùng nhiều phong trào, cuộc vận động khác. Thực tiễn đã chỉ rõ: Cách mạng XHCN chỉ có thể thành công khi có một đảng, có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng nhân dân. Nếu Dân không tin, không ủng hộ thì sự nghiệp giải phóng dân tộc không thể thành công và việc xây dựng xã hội mới sớm muộn cũng sẽ thất bại. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo chính trị của Trung ương đánh giá nội dung trên chưa đúng tầm. Mong rằng tại Đại hội XI, Đảng sẽ có một nghi thức trang trọng để tôn vinh và cám ơn tinh thần yêu nước nồng nàn, sự anh dũng hy sinh và chịu đựng khó khăn gian khổ, cùng những cống hiến lớn lao của nhân dân. Vì thế, theo tôi phải coi đây là một trong những nguyên nhân quan trọng, bài học kinh nghiệm lớn, ngày càng làm sáng ngời và lan toả tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân là gốc”, về “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, đại thành công”. Tôi đề nghị, trong 5 bài học kinh nghiệm tại Báo cáo Chính trị, cần nêu đậm hơn, hoặc có thêm bài học kinh nghiệm thứ 6 về nội dung này.

Về tiêu đề dự thảo Báo cáo chính trị, chúng tôi đề nghị bổ sung cụm từ “đại đoàn kết” sau cụm từ “phát huy sức mạnh...”, thành cụm từ “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...” theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung 7 (khoá IX) và nhất quán với tất cả nội dung cụm từ này đã nêu trong các dự thảo văn kiện.

Chúng tôi đồng tình đánh giá về tồn tại nêu ở mục 4 (trang 48) dự thảo Báo cáo chính trị: “Dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ”. Nhưng đề nghị cần được kiểm điểm sâu sắc hơn để thấy rõ những nguy cơ đang tác động bất lợi đến quá trình củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là vấn đề nhân dân có rất nhiều ý kiến. Đó là: đời sống của các tầng lớp nhân dân tuy có bước cải thiện, nhưng một bộ phận lớn còn nhiều khó khăn. Những vấn đề về đời sống, việc làm, thu nhập, giá cả, học hành, khám chữa bệnh, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, VSMT... chưa được giải quyết tốt, đang là những băn khoăn, lo lắng. Nhân dân bất bình, thậm chí phẫn uất trước tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí và sự thiếu gương mẫu, suy thoái đạo đức, lối sống và làm giàu không chính đáng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Điển hình là những vụ việc sai phạm nghiêm trọng như 2 thông báo của UBKT Trung ương vừa qua. Đáng tiếc, những việc đó chưa được phát hiện kịp thời từ chính các cơ sở đảng, các cơ quan quản lý nhà nước; chưa thực sự làm rõ trách nhiệm người đứng đầu đơn vị và cơ quan chủ quản. Tình hình trên nếu chậm được khắc phục, sẽ là một nguy cơ lớn cản trở công cuộc đổi mới, giảm lòng tin đối với Đảng, là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dân mong rằng, Báo cáo chính thức cần kiểm điểm rõ, sâu sắc và thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Phát biểu của cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội lần thứ VI của Đảng về tinh thần: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, vẫn đang là vấn đề cần được đề cao tại Đại hội lần thứ XI. Tôi đề nghị, từ nay các cấp ủy đảng cùng với việc báo cáo thành tích, phải thông báo công khai trước nhân dân những sai phạm của tập thể, cá nhân không loại trừ một ai. Có như vậy, Đảng  tăng uy tín, nhân dân thêm niềm tin, càng tích cực phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng; hăng hái tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Chúng tôi đồng tình mục tiêu tổng quát 5 năm tới tại (trang 51) Báo cáo chính trị, đó chính là mong ước của toàn dân. Thực hiện sứ mệnh cao cả và nặng nề đó, nhân dân đồng tình: bài học kinh nghiệm thứ 3 (trang 4), phương hướng cơ bản thứ 6 (trang 8), mục 11 về MTTQ Việt Nam (trang 15) Cương lĩnh. Mục 1, 2 (trang 65, 66, 67) Báo cáo chính trị về phát huy dân chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ. Chúng tôi đề nghị cần được nhấn mạnh, bổ sung thêm biện pháp và khẳng định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, đó vừa là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu, vừa là động lực to lớn quyết định thành công của cách mạng nước ta”.

Để góp phần thực hiện được điều đó, tôi đề nghị một số giải pháp sau:

Một là: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật. Đây là vấn đề quan trọng, cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế cho thấy, muốn tăng cường sự đồng thuận xã hội, phát huy được dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hay không, phụ thuộc phần lớn vào hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có hợp lòng dân hay không. Chúng ta đều biết: “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Tồn tại xã hội là hoạt động thực tiễn sinh động của nhân dân; ý thức xã hội thể hiện ở sự phản ánh thông qua Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, chúng tôi đề nghị những chính sách liên quan đến dân sinh, dân chủ trước khi quyết định thực hiện, nhất thiết phải lấy ý kiến trực tiếp của nhân dân hoặc thông qua cơ quan dân chủ đại diện là MTTQ, các tổ chức thành viên. Có như vậy, lòng Dân sẽ thành ý Đảng. Vì thế tôi đề nghị, cần đảo lại mệnh đề “ý Đảng - lòng Dân” thành: “lòng Dân -  ý Đảng” và cần phải thực hiện như vậy. Đồng thời, từ “Đảng”, từ “Dân” đều viết hoa. Và cũng có thể coi đây như cặp phạm trù “Nguyên nhân và kết quả”. Chỉ khi nào Nghị quyết của Đảng có cuộc sống thực tiễn sinh động của nhân dân, thì khi đó Nghị quyết của Đảng mới có thể đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và bền vững. Nhân dân hoan nghênh những quyết định sáng suốt của Đảng và chính quyền gần đây như: việc HĐND Thành phố chưa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức tăng học phí; việc Thành ủy Hà Nội quyết định không bắn pháo hoa tại 29 điểm trong dịp Đại lễ như kế hoạch để dành 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung và gần đây là quyết nghị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường... Đó chính là tiếng nói từ lòng Dân.

Hai là: Động viên và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn liền với mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước phải chăm lo, phát huy dân chủ và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo pháp luật; phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm việc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, việc lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Trước xu thế mới của thời đại, chỉ có mở rộng dân chủ XHCN thực sự, mới có đoàn kết bền vững và thành công. Nhân dân rất đồng tình lần này, Đảng đặt cụm từ “dân chủ” lên trước cụm từ “công bằng”, vì chỉ khi có dân chủ mới có thể có công bằng. Dân chủ càng mở rộng và thiết thực, càng tạo sự đồng thuận xã hội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc càng được tăng cường. Thực hiện dân chủ phải được thể hiện trong chính sách, pháp luật và phải được đảm bảo bằng chính sách, pháp luật, quy chế. Cần nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa dân chủ và tập trung dân chủ với kỷ luật, kỷ cương; giữa quyền lợi với nghĩa vụ công dân. Thực tế cho thấy trong nhiệm kỳ qua ở Hà Nội, đặc biệt là trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, do ngày càng nhận thức và thực hiện đúng tinh thần trên, nên Hội nghị đại biểu nhân dân và ngày Hội đại đoàn kết toàn dân hàng năm, cùng nhiều công việc của Đảng, chính quyền và hoạt động của nhân dân, đã phát huy được dân chủ; nhân dân trực tiếp bàn việc xây dựng đời sống văn hóa, giải quyết những vấn đề dân sinh, những tồn tại, vướng mắc cụ thể. Với phương châm lấy sức Dân để chăm lo cuộc sống của  Dân; vừa kiên trì vận động, thuyết phục, phát huy ý thức tự giác của nhân dân, vừa quan tâm tuyên truyền định hướng tư tưởng, tạo dư luận xã hội, nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện lệch lạc, chú trọng giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới và phát triển của Thủ đô, của Quận với ý thức thiếu tự giác và nhận thức chưa theo kịp của một bộ phận nhân dân. Đồng thời, luôn tiếp thu ý kiến của nhân dân, chấn chỉnh những tồn tại, đảm bảo hài hoà các lợi ích, do vậy các nghị quyết của Quận ủy, quyết định của chính quyền ngày càng sát với cuộc sống, hợp lòng dân. Chính vì thế, mối quan hệ giữa cấp uỷ đảng, chính quyền với MTTQ và nhân dân thêm gắn bó; tăng cường được sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trong hệ thống chính trị của quận, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thành công nhiều việc mới, việc khó; giải quyết ổn thỏa nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Nổi bật là việc giải quyết ổn định tình hình liên quan đến tôn giáo tại khu vực 42 phố Nhà Chung; động viên nguồn vốn xã hội hoá trên gần 850 tỷ đồng để xây dựng lại các chợ Cửa Nam, Hàng Da, 19/12, giải tỏa được chợ Hàng Bè trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; lát đá, hạ ngầm hệ thống thoát nước trên 95% hè đường trong khu phố cổ và nhiều dự án chỉnh trang làm đẹp đường phố trong dịp Đại lễ… được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, chăm lo đời sống nhân dân, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ trước đề ra.

Ba là: Để phát huy vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam như văn kiện đã nêu, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần tiếp tục thể chế hóa, đảm bảo điều kiện cần thiết để MTTQ và các đoàn thể nhân dân thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu vấn đề phản biện của MTTQ, tuy nhiên đến nay mới có Nghị quyết liên tịch số 05 về thực hiện thí điểm việc “MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”; Quyết định số 80 của Chính phủ về “Giám sát đầu tư của cộng đồng” và việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND phường, xã bầu theo Pháp lệnh số 34. Đề nghị, các vấn đề trên cần sớm được thể chế thành Luật hoặc Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ. Nhân dân hoan nghênh Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực hiện Quy chế phối hợp về việc Uỷ ban MTTQ Thành phố tham gia phản biện xã hội, bước đầu có kết quả. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X có nêu “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Tuy nhiên lần này chỉ nêu trong phần đánh giá của Báo cáo chính trị, còn trong phương hướng tới, các văn kiện chưa thấy đề cập vấn đề này, trong khi những đặc trưng của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức trong tình hình mới, đang có những biến đổi sâu sắc. Qua 10 năm thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, khẳng định nhiều kết quả, song thấy rõ những điểm không còn phù hợp, đề nghị cần được sửa đổi đáp ứng tình hình mới theo Cương lĩnh của Đảng năm 2011.

Bốn là: Để tăng cường mối quan hệ mật thiêt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tại mục 8 (trang 74) dự thảo Báo cáo chính trị về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, chúng tôi đề nghị cần xác định rõ và cụ thể hơn nữa đối với công tác MTTQ. Thực tế cho thấy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng có tác động quan trọng và trực tiếp đến kết quả đổi mới nội dung, phương thức và chất lượng hoạt động của MTTQ. Nhận thức và thực hiện việc này ở quận Hoàn Kiếm, các cấp ủy đảng cơ sở, đặc biệt là Quận ủy, HĐND, UBND quận đã có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể và hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch công tác toàn khoá nhằm lãnh đạo xây dựng tổ chức MTTQ, các đoàn thể nhân dân vững mạnh; sự phối hợp chặt chẽ và đảm bảo điều kiện thuận lợi của chính quyền đã góp phần quan trọng để MTTQ phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động. Đảng ủy các phường và Quận ủy không những thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, mà từng bước thực hiện được trách nhiệm tổ chức thành viên của MTTQ. Chúng tôi hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chỉ thị 1869 ngày 10/10/2010 về việc “Tăng cường sự phối hợp của các cấp chính quyền và cơ quan Nhà nước với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam...”. Trên tinh thần đó, tới đây sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi để MTTQ xây dựng tổ chức vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng hoạt động, thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Những góp ý trên là tiếng nói chân thành và là tình cảm thiết tha từ lòng Dân đối với Đảng, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam - nhân tố quan trọng, quyết định, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thắng lợi và bền vững. 

Xin kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu !
Chúc Đại hội thành công tốt đẹp !
Trân trọng cảm ơn !
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020