Tham vấn, phản biện: Đổi mới tư duy quản lý đô thị

29/12/2011 - 12:00 AM

Hãy nhìn bức tranh “tự do, lộn xộn” hầu như khắp nơi trên đường phố Hà Nội ?
+ Cái đập vào mắt mọi người khi đến Thủ đô mà người Hà Nôi vẫn thấy như là quen mắt, rất bình thường nhưng khó thấy ở bất cứ thành phố nào trên thế giới: Sao lại để tự do rao vặt quảng cáo bừa bãi như “bôi nhọ” bộ mặt của một Thủ Đô phấn đấu “thanh lịch, văn minh” “nghìn năm văn hiến” . Phải chăng sốt ruột quá, nhiều lần tốn kém mang quân ngoại lai gọi là “tình nguyện” đi xoá sạch  rồi theo thời gian đâu lại vào đấy?
+ Nếu phải đi tìm số nhà ở đường phố lớn như Láng Hạ sẽ thấy số 31 đủ loại (31, 31A, 31, 31H, 31G, 31B có khi số 9 xen vào rồi lại 35,59.. rồi lại 31 v.v.) kéo dài đến vài trăm mét; nhiều phố khác cũng đánh số nhà lộn xộn như Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, ngay cả Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng  v.v. và v.v.
+ Cái đập vào mắt của người đi bộ trên nhiều tuyến phố không còn lối đi trên vỉa hè, chỗ nào cũng thấy không để xe máy lại có ô tô, lấn chiếm vỉa hè để bầy hàng bán, có đoạn buộc người đi bộ phải đi dưới lòng đường, nhiều đoạn ngay dưới đường giáp vỉa hè cũng xếp hàng nhiều ô tô đậu, đỗ buộc người đi bộ phải vòng ra phía ngoài rất sợ tai nạn giao thông. Khi ùn tắc giao thông cục bộ xe máy còn lao lên vỉa hè làm người đi bộ không dám đi, phải nhường, ngay cả khi sang đường theo đường ưu tiên cho người đi bộ nơi không có đèn xanh đèn đỏ thì người đi bộ phải chờ lâu, nhường xe ô tô, xe máy đi qua.
+ Nhiều nơi còn thấy rác thải đổ lén hoặc đổ tự do như là nơi đổ rác công cộng chưa kể lén tiểu tiện ở góc khuất dễ nhìn thấy mà ngượng cho người buộc phải nhìn.

Tóm lại có 4 mảng bức tranh “tự do lộn xộn” có lẽ chỉ thấy ở thành phố lớn duy nhất đó là ở Thủ Đô Hà Nội, đã qua kỷ niệm trọng thể 1000 năm Thăng Long Hà Nội, 1000 năm Văn Hiến bỏ ra bao nhiêu công sức chấn chỉnh nay đâu lại vào đó cũng như qua nhiều lần kỷ niệm khác.
“Ý thức người dân kém” phải chăng bắt nguồn từ “tư duy quản lý đô thị” chưa “chuẩn xác”, chưa “dựa hẳn vào dân tại chỗ”, lại “nôn nóng làm ào ạt theo phong trào ngoại lai tác động, tốn kém lại không bền vững”:
Thử xem cách làm của tổ dân phố ngõ 72 phố Chính Kinh phường Nhân Chính quận Thanh Xuân Hà Nội, sử dụng sức mạnh của toàn dân tại chỗ cùng quyết tâm cao độ của các cán bộ trong hệ thống chính trị khu dân cư, đồng khởi tổng vệ sinh không phải chỉ sáng thứ bẩy hàng tuần mà là hàng ngày, thường xuyên có tổ chức, tìm mọi cách bảo vệ thành quả lao động của chính mình, giữ bộ mặt đường làng ngõ xóm luôn luôn sạch, ai bôi nhọ lén lút qua đêm, hôm sau lại lo lau chùi ngay và tìm cách bắt người vi phạm, duy trì được 4 năm nay rồi. Đúng là “tư duy quản lý đô thị” đúng bài bản “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, sử dụng “sức mạnh của dân tại chỗ cùng làm, cùng bảo vệ thành quả lao động của chính mình”, “lãnh đạo cơ sở, tại chỗ nói là làm, vừa làm vừa vận động, kiểm tra hàng ngày, phát huy sáng tạo của lực lượng tại chỗ để duy trì, bảo vệ, nâng cấp ngày một tốt đẹp hơn” rồi “tự hào mà bảo vệ kết quả đã đạt được”. Bài học cơ bản, đơn giản này ai cũng biết, cũng hiểu nhưng xem ra 4 bức tranh “tự do, lộn xộn” nêu trên lại minh hoạ ta chưa có “tư duy quản lý đô thị” như vậy, phải chăng thiên vào “nôn nóng”, “ào ạt”, “ngoại lai tốn kém cho nhanh”, “chạy theo phong trào hình thức” rồi “buông lỏng quản lý”, “quên sức mạnh tại chỗ”, “làm không triệt để”, “không kiên trì” coi như  “đánh trống bỏ dùi” , hình thành “ý thức đối phó” “chỉ làm nhất thời” và tất yếu theo thời gian “đâu lại vào đấy”  rồi lại “ào ạt ra quân làm lại” đâu có bền vững?
Nên “làm lại” như thế nào trong quản lý đô thị?
Chọn vài việc phổ cập cần làm, kế hoạch tiến độ làm đồng loạt để tiện giáo dục rộng rãi rồi tổ chức mọi nơi đều làm phát huy sức mạnh tại chỗ và đã nói là làm, làm đến cùng, phát huy sáng tạo của cơ sở:
+ Thí dụ nếu muốn xoá sạch quảng cáo rao vặt thì từng khu dân cư, từng tổ dân phố, xóm làng đều vận động, ra quân tại chỗ cùng chấn chỉnh theo bài học đã làm thành công của tổ dân phố ngõ 72 phố Chính Kinh Nhân Chính, coi như dựa hẳn vào dân, cán bộ tại chỗ, lực lượng ngoại lai chủ yếu là đi kiểm tra, góp ý, phát hiện sáng tạo để nhân lên, nghe dân, học dân và hỗ trợ dân điều mà dân cần, khen thưởng các nơi làm tốt, phê bình khiển trách nơi làm kiểu bôi bác, Định kỳ hàng tuần rồi hàng tháng lại đi tổng kiểm tra khen chê để duy trì, nâng yêu cầu nhân dịp lễ Tết nào đó.
+ Thí dụ nếu muốn phân làn giao thông thì nghiên cứu kế hoạch tiến độ rồi vận động đồng khởi thực hiện: cứ ra đường tham gia giao thông thì luôn luôn buộc phải đi theo làn, giả định xe máy, xe đạp phải đi bên trái, ô tô đi bên phải ( để xe đạp xe máy không có điều kiện thuận tiện lao lên vỉa hè còn ô tô, xe buýt dừng đón trả khách thuận tiện không bị xe máy lao vào như  hiện nay vẫn xẩy ra) .Như vậy hình thành ngay ý thức “mỗi  khi tham gia giao thông đều phải đi theo làn ở mọi nơi mọi lúc như việc ngồi trên xe máy là phải đội mũ bảo hiểm cho thành ý thức thường trực của mỗi người” Trên cơ sở này mới  triển khai vạch lại sơn phân làn, tổ chức hướng dẫn giao thông, tổ chức cho học sinh sinh viên tham gia thực hành hướng dẫn phân làn, tổ chức cho dân phòng, bảo vệ dân phố, các lực lượng tự quản định kỳ ra quân nhắc nhở, chấn chỉnh. Việc thí điểm hẹp như trước đây bị hạn chế kết quả, nay thay thế bằng luân phiên đi kiểm tra nhắc nhở rồi phạt vi phạm thì hiệu quả sẽ cao hơn.
+ Thí đụ muốn lấy lại một phần vỉa hè cho người đi bộ cũng quy ước 1,5 đến 2 mét ngoài của vỉa hè đều không được để xe, bán hàng, chỉ dành cho người đi bộ ( nơi nào 1,5 mét, nơi nào 2 mét thống nhất, sau đó mới vạch sơn sau cũng được). Tuyên truyền phổ biến rộng rãi, dựa hẳn vào dân tại chỗ, tại khu vực để chấn chỉnh, kiểm tra, trước là nhắc nhở, sau một thời gian sẽ phạt vi phạm. Định kỳ kiểm tra và nâng dần mức phạt. Nếu cần quy định ngay mọi tạm sử dụng vỉa hè đều phải xin phép, thuê, vi phạm coi như phạt vi phạm lấn chiếm không phép ngày một cao.
Tóm lại nếu ta nhận định ý thức người tham gia giao thông hay ý thức người dân lấn chiếm vỉa hè v.v. là kém thì luôn luôn đúng, nhưng để ý thức đó tồn tại, phát triển thì lại do ta tổ chức quản lý chưa tốt, chưa đúng. Hãy nghiêm khắc kiểm điểm người nhận trách nhiệm quản lý đô thị ở các cấp thì mới chấn chỉnh được: cái gì là ý thức phổ biến chưa  đúng thì là do tổ chức quản lý kém, cái gì là ý thức của số nhỏ là do tổ chức quản lý kiểm tra sử phạt chưa nghiêm. Chưa thành công, chưa bền vững là do tổ chức quản lý kém, chưa đúng và thành công là do tổ chức quản lý tốt biết dựa hẳn vào dân, phát huy sức mạnh của dân tại chỗ. Đúng như Bác Hồ dạy: “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Xin góp phần tham vấn, phản biện như trên trong quản lý đô thị hiện nay.

NGƯT Nguyễn Đức Thuần - quận Thanh Xuân

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020