Ngày 2-7, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức tổng kết Chương trình 04-CTr/TU về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015".
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố dự.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tặng Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc. Ảnh: Bảo Kha |
Thực hiện tập trung, đồng bộ
Chương trình 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là một trong chín chương trình công tác lớn được Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ 2010-2015. Báo cáo của Ban chỉ đạo chương trình và ý kiến tham luận của cơ sở tại hội nghị khẳng định: Sự đồng thuận của người dân Thủ đô, sự vào cuộc nghiêm túc, triển khai thực hiện quyết liệt của các cấp, các ngành là những yếu tố quan trọng tạo nên kết quả toàn diện của các lĩnh vực, nội dung trong chương trình. Mặc dù còn một số khó khăn song cả 17/17 chỉ tiêu được giao trong chương trình cơ bản đều đạt, trong đó có những chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra như về tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, chỉ tiêu tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa…
Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, với sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể các cấp, sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, 5 năm qua, chương trình đã được thực hiện tập trung, đồng bộ từ thành phố xuống cơ sở. Nhiều chủ trương đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng Thủ đô phát triển giàu đẹp, hiện đại, văn minh. Điều đó cho thấy, việc thực hiện chương trình là nhiệm vụ vừa mang tính cơ bản lâu dài, đồng thời cũng là yêu cầu cấp thiết trước mắt, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Kết quả đạt được sau 5 năm triển khai là minh chứng rõ nét cho điều này: Đời sống văn hóa - xã hội được quan tâm hơn, việc khai thác, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở được triển khai có hiệu quả; công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa được thực hiện có chất lượng với hơn 2.000 di tích được xếp hạng, trong đó có 11 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia. Với số lượng khách du lịch hằng năm đều tăng, năm 2014, Hà Nội xếp thứ 8/10 điểm đến hàng đầu của du khách thế giới; các mô hình văn hóa được triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước (Báo Hànộimới trích đăng phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trong số báo này)…
Báo cáo từ cơ sở cho thấy, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân Thủ đô trong việc hưởng ứng, triển khai các nội dung của Chương trình 04-CTr/TU có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với những kết quả đạt được. Sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cộng đồng bắt nguồn chính từ mục tiêu, ý nghĩa của nội dung chương trình, đó là bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân thông qua công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách với người có công, phòng chống tệ nạn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,52% xuống còn 1,9%. Theo kế hoạch, trong năm 2015, thành phố sẽ giảm 3.500 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,8% vào cuối năm.
Xác định nhiệm vụ cốt lõi trong từng thời điểm
Với tác động, ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong thời điểm trước mắt và cả trong chặng đường phát triển bền vững, Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2016-2020. Ý kiến tham luận của đại diện các đơn vị, cơ sở tại hội nghị cho rằng, việc lựa chọn, xác định nhiệm vụ cốt lõi trong từng thời điểm, đáp ứng yêu cầu thực tế từng giai đoạn có tác động tích cực tới kết quả triển khai. Thực tế triển khai trong 5 năm vừa qua là minh chứng cho nhận định ấy.
Những hoạt động của ngành lao động - thương binh và xã hội Thủ đô thời gian qua được đánh giá có ý nghĩa “sát sườn” đối với cuộc sống người dân, góp phần tích cực vào sự đồng thuận của quần chúng đối với những chủ trương, nội dung của chương trình. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 7.000 đối tượng không có khả năng lao động được hỗ trợ hằng tháng; 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; hơn 96 nghìn người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng; 81% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm…
Với nhận thức phục vụ tốt sẽ gắn với kết quả điều trị tích cực, mang tới sự hài lòng của người bệnh, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho biết, đơn vị là cơ sở đầu tiên trong ngành y tế Thủ đô xây dựng kế hoạch và phát động phong trào đổi mới phong cách phục vụ, tổ chức ký cam kết đến từng nhân viên, từng khoa phòng. Để cụ thể hóa điều này, từ những mặt còn tồn tại trong đơn vị và mong muốn của người dân khi đến khám, chữa bệnh, bệnh viện đã xác định 7 nội dung cụ thể cần làm để đổi mới phong cách phục vụ. Trong đó, có những vấn đề được người dân đánh giá cao như đổi mới thủ tục hành chính, giao tiếp…
Cụ thể hóa Chương trình 04-CTr/TU, 5 năm qua, huyện Đông Anh tập trung định hướng nhân dân xây dựng nếp sống, hành vi ứng xử văn minh, thanh lịch, trong đó điển hình là việc vận động nhân dân thực hiện việc cưới, việc tang văn minh. Tại nhiều làng, xã, nội dung này đã được xây dựng thành nghị quyết, nhận được sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân. Với những giải pháp đồng bộ, thống nhất, đa phần người dân trên địa bàn đã thay đổi cách nghĩ và cách làm trong việc thực hiện việc cưới, việc tang. Đến nay, Đông Anh đã cơ bản xóa bỏ được các hủ tục trong đám tang; tỷ lệ hỏa táng đạt trên 70%.
Những kết quả tích cực nêu trên cho thấy Chương trình 04-CTr/TU đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đây là yếu tố căn bản, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội Thủ đô, để Hà Nội thực sự xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa - là trái tim của cả nước.