Qua ba năm
thực hiện việc tang văn minh tiến bộ (2008- 2010) UBMTTQ huyện Đông Anh
phối hợp với Ban đại diện Hội phật giáo Huyện, Hội người cao
tuổi huyện đã tổ chức thực hiện trên 200 buổi toạ đàm về thực hiện việc
tang văn minh cho 16.870 lượt người đồng thời tiến hành tuyên truyền,
vận động, giải đáp những thắc mắc của nhân dân về mặt tâm linh trong
việc hoả táng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh
Dũng, Bí thư Đảng uỷ xã Uy Nỗ, người đầu tiên ở Đông Anh đưa thi hài
người thân đi hoả táng cho biết: Khi mẹ tôi khuất núi, tôi quyết định
đưa cụ đi hỏa táng vì thấy rằng đây là phương pháp văn minh, vừa giảm
chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Lúc đầu nhiều người phản đối
nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện.
Cho đến thời điểm này, tại xã Uy Nỗ 30% số gia đình
có người thân qua đời đã chọn phương thức hỏa táng, tình trạng ăn uống
linh đình trong đám tang và hậu đám tang đã giảm 70%; các hủ tục như lăn
đường, khóc mướn, bắt tà trừ ma, bắc cầu đưa linh cữu qua đầu con
cháu, rắc và đốt vàng mã, rắc tiền thật xuống huyệt... hầu như không
còn. Trong những nội dung liên quan đến việc xây dựng việc tang văn minh
tiến bộ, ông Lê Phú Hợp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Anh cho biết:
Nghị quyết số 30 của Huyện ủy về thực hiện việc tang, trong đó đưa ra
bốn nội dung chính: Giảm ăn uống linh đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu,
quy hoạch nghĩa trang và thực hiện hỏa táng đều đã được thực hiện chu
đáo và đang có sức lan toả
mạnh mẽ tới từng thôn, xóm. Những ngày đầu khi Nghị quyết mới ban hành,
không ít cán bộ và nhân dân hoài nghi về tính khả thi, bởi mọi người
vẫn thường quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận, phải tổ chức tang lễ thật
chu toàn thì người qua đời mới được an lòng nơi chín suối. Để vượt qua
những hủ tục đó thì bản thân những người đi tuyên truyền, những cán bộ
Mặt trận phải là những tấm gương, người tiên phong đi đầu có như thế bà
con mới tin và làm theo.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thanh Hà- Phó chủ tịch UBMTTQ huyện Đông Anh báo cáo với thường trực UBMTTQ Thành phố
Nguyễn Phượng