7h11 sáng 22/5, tổ bầu cử tại số 58 Nguyễn Du tiến hành kiểm tra hòmphiếu. 2 cử tri được mời chứng kiến, giám sát việc kiểm tra và niêm phong hòm phiếu. Các cử tri xác nhận hòm phiếu trống tại thời điểm này. Quy trình niêm phong được thực hiện ngay trước mặt những người tham dự lễ khai mạc.
Tổ bầu cử mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra khu vực nhận phiếu, thực hiện việc bỏ phiếu. Cùng với Tổng Bí thư, cụ bà Bùi Thị Sáu là cử tri cao tuổi nhất và anh Nguyễn Hữu Hòa là cử tri trẻ tuổi nhất thực hiện việc bỏ những lá phiếu đầu tiên tại điểm bầu cử này.
Sau ít phút nghiên cứu, ghi phiếu tại quầy thông tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng cụ bà Bùi Thị Sáu (SN 1930) đã thả lá phiếu vào hòm phiếu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu tại tổ bầu cử số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh: Quý Đoàn)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội
Sau khi hoàn tất việc bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành ít phút trả lời phỏng vấn của báo giới về những kỳ vọng của ông cũng như các đại biểu dân cử với Quốc hội khóa tới.
“Tôi nghĩ chắc mọi đại biểu, cử tri cũng như tôi mong muốn tất cả các đại biểu tham gia ứng cử lần này sẽ hết lòng vì nước vì dân, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định, phải trung thành tuyệt đối, phụng sự đất nước, nhân dân. Mỗi đại biểu phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại diện cho người dân cả nước. Tôi nghĩ mỗi người đại biểu được bầu đều chia sẻ với tôi suy nghĩ như vậy” – Tổng Bí thư nói.
7h15, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người đầu tiên bỏ phiếu ở khu vực bầu cử số 8 phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bỏ phiếu bầu cử, thực hiện quyền công dân. (Ảnh: Quang Phong)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ: “Tôi rất vui mừng tham dự bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình theo quy định của pháp luật”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là một sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống chính trị của toàn dân tộc. Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh đất vừa trải qua hơn 30 năm đổi mới, giành được những thành tựu quan trọng. Cuộc bầu cử lần này cũng diễn ra sau khi chúng ta tổ chức rất thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng. Cuộc bầu cử lần này cũng nhằm tiếp tục củng cố hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích cực, chủ động hội nhập.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị đồng bào đồng chí, cử tri hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của mình, sáng suốt, trách nhiệm lựa chọn những người đủ đức, đủ tài.
Cùng thời điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là người đầu tiên bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 4 (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội).
Chủ tịch Quốc hội bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 4 Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Dương)
Tại khu vực bầu cử số 8, phố Đông Thái, thị trấn Vĩnh Bảo, Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt từ rất sớm, dự lễ khai mạc và thực hiện quyền công dân qua lá phiếu của mình tại đây.
Hải Phòng có 1,46 triệu cử tri thực hiện quyền công dân trong ngày hôm nay.
Từ sáng sớm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các cử chi đã có mặt tại địa điểm bỏ phiếu khu vực bầu cử số 8, Nhà văn hoá Trung tâm huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bỏ phiếu tại Hải Phòng (Ảnh: Phạm Hải Sâm)
Trao đổi với báo chí sau khi bỏ phiếu, Thủ tướng cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý lớn nhất, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Không khí bỏ phiếu đã thể hiện sự dân chủ, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của công dân.
“Tôi mong rằng các cấp, các ngành làm hết sức mình để cuộc bầu cử thành công, để đây thực sự là ngày hội của nhân dân, để lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan nhà nước do dân, vì dân, phục vụ nhân dân”, Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng, cuộc bầu cử lần này sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở.
7h25, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thực hiện quyền công dân qua lá phiếu tại điểm bỏ phiếu ở phường Láng Hạ. (Ảnh: Tiến Nguyên)
Người dân ở khu vực bỏ phiếu số 4 phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội ghi phiếu bầu cử. (Ảnh: Tiến Nguyên)
Khu vực bỏ phiếu số 9, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đông đảo cử tri thực hiện quyền công dân. Tại địa bàn này, ngoài Phó Thủ tướng Huệ còn có ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Dầu khí quốc gia
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa.
Tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình là cử tri đầu tiên bỏ phiếu bầu. Phát biểu trước đông đảo cử tri địa bàn, ông Bình nhấn mạnh, cuộc bầu cử là cơ hội để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc chọn lựa ra những người tiêu biểu, đủ tài đức, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thực hiện quyền công dân.
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 1 (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh: Tuấn Hợp)
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có 8 cử tri đăng ký bỏ phiếu tại giường bệnh.
Chị Bùi Thị Ninh SN 1986 bỏ phiếu tại giường bệnh BV Bạch Mai. (Ảnh: Chiến Thắng)
Cán bộ tận tình giúp các bệnh nhân được thực hiện quyền công dân ngay tại giường bệnh. (Ảnh: Chiến Thắng)
Tại Viện Y học phóng xạ quân đội (Hà Nội), có 4 bệnh nhân đăng ký bầu cử tại giường bệnh.
Các bệnh nhân nghiên cứu rất kỹ tiểu sử các ứng cử viên...
... trước khi quyết định bỏ phiếu. (Ảnh: Thu Phương)
Hà nội: Cử tri nô nức đi bầu cử
7h25, tại điểm bỏ phiếu ở quận 3 - TPHCM, các cử tri cũng đang nghiên cứu, ghi phiếu và lần lượt bỏ phiếu bầu những người đại diện của mình tại các cơ quan dân cử.
Có 4 hòm phiếu lớn với các màu khác nhau đặt trong phòng với bảng ghi cụ thể hòm phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố, đại biểu HĐND quận, đại biểu HĐND phường.
Cử tri Huỳnh Kim Anh, cán bộ nghỉ hưu, bày tỏ niềm vui, sự hào hứng vào việc đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV. Với TPHCM, các đại biểu cho rằng các cấp phải cố gắng để làm sao góp sức đưa thành phố thành một thành phố đáng sống, giành lại vị trí số 1 trong khu vực như ý tưởng Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã nói. Ông Kim Anh bày tỏ sự kỳ vọng lớn lao vào quyết tâm của lớp lãnh đạo mới của thành phố.
Tại tổ bỏ phiếu thuộc phường 7, quận 3, TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng là người đầu tiên thực hiện quyền công dân qua lá phiếu.
Thực hiện nghi thức chào cờ trước khi bỏ phiếu
Ông Đinh La Thăng thực hiện quyền công dân của mình
Ngay sau đó, công dân Đinh La Thăng là người đầu tiên thực hiện quyền công dân. Sau khi vào khu vực gạch tên, Bí thư Thăng đã trở lại và bỏ phiếu vào thùng kèm theo nụ cười rất tươi.
Từ 7h sáng, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có mặt tại điểm bỏ phiếu số 41 (trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 3, số 39 Trần Quốc Thảo) để tham gia nghi thức khai mạc và bỏ lá phiếu của mình vào thùng phiếu.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi bỏ phiếu tại điểm số 41 (trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 3, số 39 Trần Quốc Thảo)
Theo ghi nhận của PV, tại điểm bỏ phiếu phường 7, Quận 3, rất nhiều cử tri đã đi bầu rất sớm trong cảnh trật tự. Các cử tri xếp hàng ngay ngắn. Cử tri lớn tuổi được ban tổ chức hướng dẫn bỏ phiếu trước. Có cử tri dẫn theo con nhỏ đi bỏ phiếu mà theo cử tri này là để con ý thức được tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, giáo dục lòng yêu nước ngay từ nhỏ.
Xếp hàng chờ đến lượt mình bỏ phiếu
Ông Nguyễn Hữu Châu, cử tri quận 3 cho biết, trước khi đi bỏ phiếu, gia đình ông cũng đã họp bàn, "cân đo đong đếm" rất kỹ để bầu chọn ra những người đủ đức đủ tài phụng sự đất nước. Cử tri này cho rằng, ông đã suy nghĩ rất nhiều về từng ứng viên trước khi quyết định "chọn mặt gửi vàng".
"Tôi mong những đại biểu được chọn hãy thực sự vì dân, gần dân và lắng nghe dân. Phải phát huy tối đa trách nhiệm của mình chứ không thể nhạt nhoà như một số vị đại biểu ở khoá trước. Nếu ai cảm thấy làm không được hoặc thấy quá sức với mình thì nên xin nghỉ để nhường cho người khác chứ đừng cố quyền tham vị, đừng đợi phải miễn nhiệm mới thôi", ông Châu nói.
Các cử tri ở điểm số 41 (trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 3, số 39 Trần Quốc Thảo) theo dõi danh sách ứng cử viên
Sáng sớm 22/5, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, cũng đã đến dự lễ khai mạc và bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 82, phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM.
Chia sẻ trước giờ khai mạc, ông Võ Văn Thưởng: Đây là hoạt động quan trọng, là cơ hội để mọi công dân thực hiện quyền chính trị quan trọng của mình. Thông qua lá phiếu, của mình, cử tri sáng suốt chọn ra người có đức, có tài, có khả năng và đủ điều kiện để bầu vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp. Không khí của kỳ bầu cử đã và đang diễn ra là một ngày hội của toàn dân.
"Những người mình bầu ra có thể đại diện cho mình trong các vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, của địa phương trong đó có quyền lợi của mình", ông Thưởng cho biết thêm.
7h59, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam đã có mặt tại điểm bỏ phiếu khu vực số 97 (cư xá Bắc Hải, quận 10, TPHCM) để thực hiện quyền công dân của mình.
7h31, tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, tổ bầu cử tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore – địa điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc đối thoại với hàng nghìn người lao động, các công nhân chia sẻ mong muốn các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được bầu lần này quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tiền lương, giờ làm thêm, nhà trẻ, hỗ trợ về chỗ ở, chăm lo thêm đời sống cho người lao động.
7h38, tại Tổ bầu cử số 9 tại Xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nơi ảnh hưởng nặng nề của tình trạng hạn, mặn, cử tri Võ Văn Minh – một công nhân đang làm tại Bình Dương đã trở về quê kịp bỏ phiếu bầu cử.
Anh Hùng lao động Hồ Quang Cua kiến nghị tới các ĐBQH, ĐBSCL đang trải qua những diễn biến với hạn mặn gay gắt. Với kinh nghiệm 15 năm đã chuyển đổi nuôi tôm, thủy sản nhưng ông cũng gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại nặng khi 56.000 ha nuôi tôm bị hỏng. Quốc hội khóa mới cần rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để có dự báo ngắn hạn cho bà con, tìm giải pháp cho miền Tây, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, đầu tư chống hạn mặn để bảo vệ những vườn cây ăn trái, những vựa lúa đã bị thiệt hại quá lớn vừa qua.
7h45’, tại quận Sơn Trà – TP Đà Nẵng, một ngư dân vừa trở về từ chuyến đi biển, đánh bắt xa bờ tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa kỳ vọng vùng biển khai thác truyền thống của dân biển sẽ yên bình, ngư dân được hỗ trợ tốt hơn để yên tâm bám biển.
Tại khu vực bỏ phiếu số 2, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu (Đà Nẵng) - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã cùng bà con cử tri ở cùng địa bàn thực hiện quyền công dân của mình.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chia sẻ: “Cùng bà con cử tri tại nơi sinh sống đi bỏ phiếu bầu cử sáng nay, tôi cảm nhận được không khí rất náo nức. Với sự chuẩn bị chu đáo cho công tác tổ chức bầu cử tại khắp các quận, huyện trên thành phố, tin rằng hôm nay thực sự là ngày hội của toàn dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, tin rằng tỷ lệ cử tri Đà Nẵng tham gia bỏ phiếu bầu cử sẽ cao”.
Cử tri xếp hàng chờ được tận tay "chọn mặt gửi vàng". (Ảnh: Khánh Hiền)
Cử tri Phan Văn Hữu (80 tuổi, tổ 11, phường Hải Châu 1, Q. Hải Châu) khăn áo chỉnh tề đến điểm bỏ phiếu từ rất sớm. Cử tri cao tuổi này chia sẻ kỳ vọng những người trúng cử sẽ xứng đáng với niềm tin của nhân dân, mạnh dạn nêu ý kiến, nói lên tiếng nói của lòng dân để đưa ra những quyết sách đúng đắn để xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời bày tỏ công tác giám sát được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.
Cử tri Đà Nẵng đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân TP
Tiến độ chung, tính đến 10h sáng nay 22/5, tại Đà Nẵng, đã có 541.632/697.386 cử tri ở khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng, đạt tỷ lệ gần 78%.
Tỷ lệ cử tri Đà Nẵng đã tham gia bầu cử được cập nhật liên tục
Quận Hải Châu - quận trung tâm thành phố Đà Nẵng là quận có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất tính tới 10h sáng 22/5 (84,58%). Số cử tri đã tham gia bầu cử và tỷ lệ đi bỏ phiếu bầu cử ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tính đến 10h sáng 22/5 cụ thể như sau: quận Cẩm Lệ đã có 60.786 trong tổng số 80.204 cử tri toàn quận đi bầu cử (tỷ lệ 75,79%); quận Hải Châu: 119.572/141.379 cử tri (84,58%); huyện Hòa Vang: 74.609/95.904(77,8%); quận Liên Chiểu: 72.262/100.826 (71,67%); quận Ngũ Hành Sơn: 42.342/53.221 (79,56%); quận Sơn Trà và huyện Hoàng Sa: 72.880/102.625 (71,02%); quận Thanh Khê: 99.181/123.227 (80,49%)
Ghi nhận của PV Dân trí tại Quảng Bình, đúng 7 giờ sáng nay, các cử tri nô nức vui chung ngày hội lớn của đất nước…
Anh hùng Lao động Trương Thị Diên (78 tuổi, ở TP Đồng Hới) đang lựa chọn những đại biểu đủ tâm, tầm và tài để phục vụ nhân dân (Ảnh: Đặng Tài)
Các cử tri lựa chon các đại biểu ưu tú
Trước đó, ngày 20/5, hơn 2.000 cử tri ở các xã miền núi Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) và xã Trường Sơn, huyện Quảng Nình đã đi bỏ phiếu sớm để lựa chọn những người đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
... trên mỗi lá phiếu gắn với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân (Ảnh: Đặng Tài)
Ghi nhận của PV Dân trí tại một số xã miền biển như Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch)…, người dân đã đến các điểm bỏ phiếu từ sớm để thực hiện quyền công dân của mình.
Ngư dân xã Nhân Trạch, một trong những xã bị thiệt hại nặng nề do tình trạng cá chết bất thường đã đến các điểm bỏ phiếu từ rất sớm, cẩn trọng lựa chọn các đại biểu ưu tú.
Tại xã Nhân Trạch có 7 điểm bỏ phiếu với 5.229 cử tri. Ông Lê Đoàn, Tổ trưởng điểm bầu cử số 1 cho biết: “Sáng nay, có rất nhiều cử tri đến sớm để xem lại danh sách các ứng cử viên trước khi lựa chọn. Nhiều ngư dân cũng tranh thủ đi biển về sớm để đến bỏ phiếu”.
Các cháu nhỏ cũng theo ông bà đi bầu cử (Ảnh: Đặng Tài)
Vừa thực hiện xong việc bỏ phiếu, ngư dân Lê Văn Tuấn, xã Nhân Trạch cho biết, sáng sớm nay anh mới về đến đất liền sau chuyến ra khơi hơn 2 tuần. “Ngư dân chúng tôi hy vọng những đại biểu được lựa chọn, ngoài nhiệm vụ chính trị thì phải luôn nỗ lực vì dân, biết lo cho đời sống của dân”, ngư dân Tuấn bày tỏ.
Sáng nay thời tiết tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) tương đối mát mẻ vì trước đó ít giờ có mưa lớn, chấm dứt chuỗi ngày nắng nóng tạo thuận lợi cho việc bầu cử. Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Văn Thành Sơn, tổ trưởng tổ bầu cử số 2 - Cù Lao Thượng 2 (phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang), cho biết, việc bầu cử bắt đầu từ 7h sáng và đến 19h cùng ngày sẽ bắt đầu việc kiểm phiếu.
Cử tri ở phường Vĩnh Thọ (TP Nha Trang) đi bầu cử sớm, sáng 22/5 (Ảnh: Viết Hảo)
Cử tri TP Nha Trang, Khánh Hòa lựa chọn đại biểu để bầu ra những người ưu tú nhất (Ảnh: Viết Hảo)
Bầu cử ở huyện Trường Sa diễn ra sớm hơn một tuần so với trong đất liền.
Tại TP Vinh (Nghệ An), Khu vực bỏ phiếu số 4, phường Trường Thi, sau lá phiếu đầu tiên của ông Nguyễn Bá - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, đến lượt ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy bỏ lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Tiếp đó là các cán bộ lãnh đạo Tỉnh qua các thời kỳ, các cụ lão thành cách mạng,… các cử tri lần lượt, nghiêm trang thực hiện việc bầu cử.
Tại điểm bầu cử này, vợ chồng diễn viên Chí Trung hiện đang về biểu diễn tuyên truyền bầu cử tại Nghệ An cũng bỏ phiếu tại đây.
Trong khi đó, tại vùng ven biển Nghệ An như phường Nghi Thuỷ diễn ra không khí bầu cử đầy phấn khởi. Tại khối 10 phường Nghi Thuỷ, TX Cửa Lò có gần 600 cử tri trong đó có tới 40% là ngư dân đã được vận động không ra khơi đánh cá mà ở lại đất liền thực hiện quyền công dân của mình.
Đúng 7h, ông Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBBC tỉnh đã đến điểm bầu cử số 5 - phường Hưng Phúc - TP Vinh nghiên cứu tiểu sử các ứng viên và thực hiện quyền công dân của mình (Ảnh: Nguyễn Duy).
Ngư dân phường Nghi Thuỷ, TX Cửa Lò trước giờ diễn ra bầu cử tìm hiểu thông tin về các đại biểu (Ảnh: Nguyễn Duy).
Cử tri là ngư dân ở vùng biển Cửa Lò ghi lá phiếu thể hiện lựa chọn của mình (Ảnh: Nguyễn Duy).
Đúng 6h30, 323 cử tri là cán bộ chiến sỹ, công nhân viên cơ quan BĐBP tỉnh Nghệ An thuộc khu vực bỏ phiếu số 19, phường trường thi, Thành phố Vinh bắt đầu bầu cử. (Ảnh: Lê Thạch)
Tại điểm bầu cử số 7, Ban bầu cử xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, các cử tri có mặt từ rất sớm để nghiên cứu một lần nữa các đại biểu mà mình tin tưởng, gửi gắm tâm nguyện.
Những cử tri đầu tiên nhận phiếu bầu tại tổ bầu cử số 7 (xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An)
Cử tri Hoàng Thị Vân (SN 1996, trú xóm Khoa Đà 2, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên) lần đầu tiên được tự mình bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, bày tỏ: “Tôi mong muốn các đại biểu được các cử tri tín nhiệm và bầu chọn sẽ thực hiện tốt chương trình hành động mà mình đã vạch ra trong quá trình tranh cử, thực sự là người đại diện cho tiếng nói của nhân dân, hành động vì nhân dân”.
Tổ bầu cử số 5, Ban bầu cử xã Nghi Kim (Tp Vinh, Nghệ An) là tổ bầu cử đặc biệt bởi 727 cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình tại đây là những người đang bị tạm giam, tạm giữ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An trở thành một tổ bầu cử độc lập nhưng từ chiều hôm qua mọi công tác liên quan đến việc bầu cử đã được hoàn tất.
Sau lễ khai mạc trọng thể, 50 cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình tại điểm bỏ phiếu tập trung. Do đặc thù công tác giam giữ và đảm bảo cho công tác an ninh trật tự, an toàn cho những người bị tạm giam, tạm giữ, ngoài 1 thùng phiếu tập trung tại điểm bỏ phiếu chính, tổ bầu cử số 5 đã bố trí 3 thùng phiếu di động đưa đến từng buồng giam để các cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Kiểm tra hòm phiếu trước khi bỏ phiếu.
Đại úy Nguyễn Công Dung – Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng tổ bầu cử số 5 cho biết: “Ngoài 50 cử tri bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu tập trung, tại tổ bầu cử số 5 còn 672 cử tri bị tạm giữ tạm giam tại 30 nhà tạm giam của đơn vị. Dự kiến trong sáng hôm nay công tác bầu cử tại tổ bầu cử số 5 sẽ hoàn tất”.
Nhận phiếu bầu cử.... (Ảnh: Hoàng Lam)
Cử tri Trần Quốc Vượng (SN 1981) cho biết: “Tôi đã bị tạm giam tại đây 5 tháng để phục vụ công tác điều tra. Dù đang bị tạm giam, tạm giữ nhưng chúng tôi vẫn được thực hiện quyền công dân của mình đó là lựa chọn ra những đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2016-2021. Chúng tôi rất xúc động khi các quyền cá nhân của mình được đảm bảo. Hi vọng, những đại biểu được cử tri tín nhiệm lựa chọn sẽ thực hiện tốt trách nhiệm là đại diện cho tiếng nói nhân dân của mình”.
Ban bầu cử Công an tỉnh Nghệ An cũng đã quyết định đưa 1 hòm phiếu di động tới Trại tạm giam Công an tỉnh để 50 cán bộ phục vụ tổ bầu cử số 5 thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Theo ghi nhân của PV Dân trí, tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tại các tổ bầu cử ở Nghệ An khá cao. Đến thời điểm này, công tác bầu cử diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy định.
Tại Tổ bầu cử số 2, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình từ 7h sáng đã có rất đông cử tri đến tham gia bầu cử. Những cử tri cao tuổi được con cái đưa đến Tổ bầu cử để thực hiện quyền của mình.
Chị Đinh Thị Lan cho biết, sáng hôm nay thời tiết đẹp, cả gia đình dậy sớm cùng nhau ăn sáng rồi đến tổ bầu cử bỏ phiếu. “Trước đó nhiều ngày, tôi cùng các thành viên trong gia đình đã nghiên cứu rất kỹ, lựa chọn những đại biểu xứng đáng để quyết định cho lá phiếu của mình”, chị Lan nói.
Một cử tri cao tuổi xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình xem lại danh sách các ứng viên trước khi lựa chọn bỏ phiếu (ảnh: Thái Bá)
Tại Tổ bầu cử số 3, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình có khoảng 600 cử tri là người dân và 800 cử tri là sinh viên trường ĐH Hoa Lư. Nhiều sinh viên lần đầu tiên được đi bỏ phiếu rất háo hức.
Thực hiện quyền làm chủ thiêng liêng.
Em Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên được đi bỏ phiếu, từ nhiều ngày nay em cùng các bạn đã rất háo hức được thực hiện quyền của mình. Những ngày trước, em đã nghiên cứu rất kỹ về các ứng viên. Sáng nay, trước khi làm thủ tục bỏ phiếu bầu, em xem lại một lần nữa mới quyết định bỏ phiếu”.
Đúng 7h sáng, đồng loạt các điểm bầu cử trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiến hành mở thùng phiếu kiểm tra trước khi niêm phong tiến hành bỏ phiếu.
Cử tri tại phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đi bỏ phiếu. (Ảnh: Công Bính)
Trao đổi với PV Dân trí, ngư dân Nguyễn Hữu Thành (trú huyện Thăng Bình) cho biết, anh tranh thủ đi biển vào sớm để thực hiện nghĩa vụ của mình. Mong muốn của anh là bầu ra những người lãnh đạo có tài, có tâm và có năng lực để đưa đất nước phát triển hơn nữa; nhất là có cơ chế hỗ trợ để ngư dân yên tâm bám biển.
Cử tri thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đi bỏ phiếu
Thời gian trước khi diễn ra lễ bầu cử sáng nay, tại TP Cần Thơ một cơn mưa nặng hạt kéo dài, tuy nhiên cử tri của Cần Thơ vẫn đội mưa đến điểm bầu cử để thực hiện quyền công dân.
Nhiều người dân ở Cần Thơ đội mưa đến các điểm bầu cử (Ảnh: Phạm Tâm)
Từ 6h, điểm bầu cử số 1, phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cử tri Nguyễn Thị Cúc cho biết, bà đến đến đây từ rất sớm, lúc trời đang mưa to để được bỏ phiếu sớm nhất, thực hiện quyền công dân của mình với hy vọng lần bầu cử này sẽ lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài vào các vị trí dân cử của Quốc hội và HĐND.
Cử tri đi bỏ phiếu ở phường An Hội (Ảnh: Phạm Tâm)
Đúng 7h sáng nay, ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - thực hiện quyền bầu cử tại điểm bầu cử số 1 – phường An Hội, TP Cần Thơ.
7h, lễ khai mạc bắt đầu bằng nghi lễ chào cờ. Trước giờ bỏ phiếu chính thức, từ Hà Nội, thông điệp Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi đến cử tri là về trách nhiệm của công dân với lá phiếu của mình để chọn những người đủ tài, sức ra làm việc nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tham gia lễ chào cờ. Ông là cử tri của phường Nguyễn Du, quận Đống Đa, Hà Nội, đồng thời là một ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIV của Thủ đô Hà Nội (ứng cử tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ). Nếu đắc cử, đây là khóa thứ 5 liên tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia diễn đàn Quốc hội.
6h50, tại một điểm bầu cử ở quận 3 TPHCM, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân đang dự lễ khai mạc cuộc bỏ phiếu.
Rất đông cử tri thành phố tại điểm bỏ phiếu này cùng bày tỏ khát vọng đã gửi gắm đến với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc, vận động bầu cử những ngày vừa qua là đưa TPHCM trở lại vị trí số 1 – thành phố đáng sống của khu vực.
TPHCM cũng có hơn 5 triệu cử tri đi bầu cử hôm nay.
6h47, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đến điểm bầu cử đặt tại Trường mầm non Tuổi hoa, phường Láng Hạ, Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội có mặt tại điểm bầu cử ở phường Láng Hạ. (Ảnh: Tiến Nguyên)
6h45, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có mặt tại tổ bầu cử số 3 phường Nguyễn Du. Cùng thời điểm này, tại điểm bầu cử số 8 phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã có mặt để dự lễ khai mạc và tiến hành bỏ phiếu tại đây.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới điểm bỏ phiếu từ sớm. (Ảnh: Thế Kha)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới điểm bầu cử trò chuyện với các cử tri. (Ảnh: Nguyễn Dương)
Điểm bầu cử số 3 phường Nguyễn Du (58 Nguyễn Du) - đơn vị bầu cử số 2 Hà Nội có trên 1.200 cử tri. Đây là điểm bầu cử có cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên ngay từ 6h sáng đã có hàng chục phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước có mặt để sẵn sàng đưa tin.
Dự kiến 7h sáng, sau lễ khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là người bỏ phiếu đầu tiên tại đây.
Rất đông phóng viên đã có mặt tại đây từ rất sớm.
6h, tại Khu vực bỏ phiếu số 4 (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) - nơi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tiến hành bỏ phiếu - đã sẵn sàng.
Khu vực bỏ phiếu số 4 (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Dương)
Chưa đến 6 giờ sáng, tại khu vực bỏ phiếu số 1 (ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nhiều người đã đến làm thủ tục chuẩn bị bỏ phiếu. Ông Sơn Đỏ, dân tộc Khmer cho biết: “Tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng rồi tranh thủ đến đây làm thủ tục, tìm hiểu các đại biểu ứng cử để lựa chọn người có đức, có tài. Tôi và mấy bà con ở đây đều tranh thủ đến sớm để vừa thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình vừa đảm bảo công việc đồng áng”.
Trời mưa lất phất, người dân đội nón lá che mưa đến điểm bỏ phiếu.
Bà con đội mưa đến bầu cử từ rất sớm
Làm thủ tục chuẩn bị bầu cử
Bà con đồng bào dân tộc Khmer thực hiện quyền bầu cử của mình (Ảnh: Minh Giang)
Sáng nay, gần 900.000 cử tri Hà Tĩnh nô nức đi bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Ngay từ sáng sớm, trên mọi nẻo đường dẫn tới điểm bỏ phiếu, dễ dàng bắt gặp cử tri đủ mọi lứa tuổi, thành phần háo hức tới điểm bầu cử.
Người dân Hà Tĩnh hân hoan bỏ phiếu lựa chọn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp
Hai lão ngư ở xã biển Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chăm chú nghe tường thuật bầu cử qua đài phát thanh.
Tại Bản Rào Tre, nơi cộng đồng người Chứt định cự hơn nửa thế kỷ, con đường bê tông chạy dọc theo bản dẫn tới nơi bầu cử như khoác lên mình chiếc áo mới với cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Sáng nay, bà con trong bản dậy sớm hơn thường lệ. Khuôn mặt của bà Hồ Hùng và hàng chục người dân trong bản hân hoan, như những đóa hoa rừng khoe sắc dưới dãy núi Giăng Màn.
Mới 6h người dân đã đến trạm biên phòng Rào Tre để tìm hiểu thêm thông tin về các ứng cử viên trước khi quyết định bỏ phiếu cho ứng viên nào đáp ứng được sự kỳ vọng.
6h20, đông đảo cử tri bản Rào Tre đã có mặt tại bản doanh của Trạm công tác biên phòng đặc biệt của Đồn 575 để chuẩn bị lên xe đến điểm bầu cử (ảnh: Huy Thái)
6h30, xe phục vụ bà con đi bầu cử do Đồn biên phòng 575, BCH Biên phòng Hà Tĩnh bố trí bắt đầu lăn bánh, đưa bà con cử tri của bản đến điểm bỏ phiếu cách bản chừng hơn cây số.
6h30 xe đưa đón bà con bản Rào Tre đến điểm bầu cử đã có mặt.
6h20, Trung tá Dương Thanh Tịnh dặn dò bà con, chúc bà con thực hiện nghĩa vụ của mình thành công trước giờ lên đường.
Tại khu vực Kỳ Anh, đã có những nỗi lo cuộc sống khó khăn của người dân do ảnh hưởng của đại dịch về thủy hải sản vừa, sẽ ảnh hưởng đến đợt bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND các cấp lần này. Trái với nỗi lo, bà con cử tri đi bỏ phiếu rất đông. Khó khăn về kinh tế chỉ là tức thời, bà con đã lo cho cả chặng đường dài phía trước, cũng là để thể hiện quyền, nghĩa vụ thiêng liêng của mình khi dành thời gian để lựa chọn người đại diện cho chính quyền lợi của bà con.
Đúng 6h ngày 22/5 lá phiếu đầu tiên đã được thả tại điểm bầu cử số 6, thuộc thôn 6, xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Trần Đức Thuần, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 1, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, điểm bầu cử số 1 có hơn 700 cử tri, trong buổi sáng đã có khoảng 80% đến 90% cử tri đã đến tham gia bỏ phiếu.
“Bầu cử vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, đồng thời cũng là quyền lợi của mình, nên chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về các ứng cử viên, để lựa chọn, bỏ phiếu đúng, chọn những người vừa có đức vừa có tài để lãnh đạo đất nước”, cử tri Nguyễn Văn Toàn, ở phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, mặc dù năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn đến điểm bầu cử rất sớm.
"Căng não" khi đặt bút lựa chọn các ứng cử viên
Các cử tri tại điểm bỏ phiếu số 1, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh bắt đầu bỏ phiếu (Ảnh: Xuân Sinh)
Tại Hà Tĩnh thì một số khu vực của huyện Lộc Hà, Thạch Hà tổ chức bỏ phiếu bầu cử sớm hơn thời gian quy định.
84 cử tri là bà con dân tộc Chứt (Hương Khê, Hà Tĩnh) hôm nay cũng nô nức đi bầu cử. Nhiều thiếu nữ Chứt ăn mặc đẹp hơn thường ngày, nghiêm túc thực hiện quyền công dân.
Ông Hồ Văn cẩn thận xem lại thẻ cử tri của mình trước khi lên xe đi bỏ phiếu.
Tại tổ bầu cử số 8, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, từ sáng sớm, người dân trong khu phố đã có mặt tại điểm bầu cử. Sáng sớm nay, tại Thanh Hóa có mưa nhưng không làm ảnh hưởng đến tiến độ và không khí buổi bầu cử.
Các cử tri nghiên cứu danh sách đại biểu
Bắt đầu từ 7h sáng, các nghi thức khai mạc và kiểm tra niêm phong hòm phiếu đã được thực hiện nghiêm túc. Ngay sau đó, dưới sự hướng dẫn của cán bộ tổ bầu cử, người dân đã thực hiện việc bỏ phiếu một cách công tâm, đúng quy định.
Cử tri tổ bầu cử số 8, thị trấn Ngọc Lặc tham gia bỏ phiếu (Ảnh: Duy Tuyên)
Cử tri Nguyễn Hồng Khanh chia sẻ: “Các cử tri đã được bỏ phiếu cho những đại biểu thực hiện lời hứa vai trò, trách nhiệm của mình với người dân, làm tốt cầu nối giữa người dân với các cơ quan ban ngành. Hôm nay, tôi rất vui vì mình đã làm được điều mà mình mong muốn”.
Tại tổ bầu cử số 6, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa,ngay từ mờ sáng, ban bầu cử đã túc trực để làm công tác chuẩn bị cho việc bầu cử của các cử tri. Nhiều cử tri cũng đã đến trước thời điểm diễn ra bầu cử để được thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.
Cử tri là cán bộ và sinh viên trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) bỏ phiếu bầu cử. (Ảnh: Nguyễn Thùy)
Cử tri huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) xếp hàng chờ tới lượt bầu cử.
Cử tri dân tộc thiểu số hăng hái đi bầu cử từ rất sớm (Ảnh: Nguyễn Thùy)
Đến 9h sáng nay, đã có 1.048.744 cử tri Thanh Hóa đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 40,36%. Trong đó có một số huyện có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt cao như Ngọc Lặc đạt 75%, Bá Thước đạt 74%, Cẩm Thủy đạt 64%.
Cuộc bỏ phiếu tính đến thời điểm này trên địa bàn Thanh Hóa vẫn diễn ra bình thường, đúng quy trình, an toàn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tại tỉnh Bạc Liêu, sáng sớm nay 22/5 nay nhiều nơi trời đổ mưa nhưng cử tri vẫn có mặt từ sớm.
Cử tri xã Phong Thạnh A (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) đi bầu cử. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Một cử tri ở ấp 3 chia sẻ: “Hôm nay thời tiết không tốt lắm nhưng bà con chúng tôi đều tranh thủ đi bỏ phiếu sớm. Bà con rất vui khi hôm nay có thể chọn ra được những người có tài, có đức để nói lên tiếng nói của bà con với Đảng, với Nhà nước, để có những chính sách tốt nhất cho bà con ở vùng sâu, vùng xa”.
Tại khu vực bỏ phiếu số 1 thuộc khóm 1, phường 2 (TP Sóc Trăng),ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, đã thực hiện nghĩa vụ công dân của mình cùng cử tri trên địa bàn.
Tại phường 3, nhiều bà con dân tộc Khmer đã có mặt đi bầu cử đúng giờ, thực hiện tốt các quy định về bầu cử. Cử tri Sơn Thị Thới (SN 1963) nói: “Mưa to nhưng bà con chúng tôi cũng tranh thủ đến bỏ phiếu sớm để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng thời chúng tôi cũng vận động bà con trong khu vực tranh thủ đi bỏ phiếu cho đúng quy định. Cuộc bỏ phiếu này vui lắm, ai cũng háo hức chờ được đi bầu cử cả”.
Cử tri Sóc Trăng háo hức đi bầu cử. (Ảnh: Xuân Lương)
Hòa Thượng Kim Rêne- Trụ trì chùa Dơi (phường 3, TP Sóc Trăng) vui vẻ nói: “Chưa tới 6 giờ là cử tri đã có mặt tại điểm bỏ phiếu rồi. Ai cũng háo hức chờ ngày đi bầu cử để chọn đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp. Nhà chùa cũng động viên các sư sãi và bà con phật tử đi bỏ phiếu đúng quy định, kịp thời gian”.
Hòa thượng trụ trì chùa Dơi Kim Rene thực hiện nghĩa vụ công dân. (Ảnh: Xuân Lương)
Cử tri trẻ Kiều Nguyễn Thanh Trang (21 tuổi, ngụ phường 2, TP Sóc Trăng) cho biết: “Lần đầu tiên được cầm lá phiếu đi bầu cử em vui và hồi hộp lắm. Sáng nay hơn 4h em đã dậy rồi. Đến đây thấy mọi người đã có mặt đông đủ, ai cũng vui, cũng háo hức”.
Tỉnh Quảng Trị có 2 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; 16 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 76 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 935 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.
Cán bộ tổ bầu cử hướng dẫn cử tri về thể lệ bầu cử
Cán bộ hướng dẫn cử tri cách bầu cử hợp lệ
Cử tri Nguyễn Văn Nhạc (80 tuổi, TP Đông Hà) cho biết: “Tôi tham gia đi bầu cử nhiều năm nhưng lần này thấy việc tổ chức bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp rất quy củ, chặt chẽ. Bản thân tôi vẫn cảm thấy tự hào vì được hoàn thành nghĩa vụ công dân, trực tiếp cầm lá phiếu bầu ra những đại biểu ưu tú nhất”.
Nhiều năm tham gia bầu cử, ông Nhạc vẫn cảm thấy háo hức, vinh dự
Anh Nguyễn Phong (Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị) bày tỏ: “Những ngày qua tôi háo hức chờ đợi ngày bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Việc tự mình lựa chọn ra các đại biểu để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đại bộ phận cử tri cũng là thể hiện trách nhiệm với đất nước. Hy vọng các đại biểu được cử tri tín nhiệm bầu sẽ phát huy năng lực của mình để cống hiến cho đất nước, phục vụ nhân dân”.
Anh Phong vui mừng vì được tự tay cầm phiếu bầu chọn các đại biểu. (Ảnh: Đăng Đức)
Tại huyện Vĩnh Linh, đúng 6h30, tất cả các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn huyện đã đồng loạt làm lễ khai mạc. Hơn 70 nghìn cử tri trong toàn huyện háo hức thực hiện quyền công dân của mình.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 4 - Khóm 4. Các vị lão thành cách mạng, người có công, người cao tuổi,… vinh dự bỏ những lá phiếu đầu tiên. Là thị trấn huyện lỵ, thị trấn Hồ Xá có số lượng cử tri đông nhất huyện Vĩnh Linh với hơn 9.000 người, bỏ phiếu tại 7 khu vực bầu cử.
Tại khu vực bầu cử số 7, thị trấn Gio Linh, cử tri Hoàng Xuân Thái chia sẻ: “Dù đang thời điểm mùa gặt nhưng tui tranh thủ đi bỏ phiếu để bầu ra các đại biểu ưu tú. Mong rằng các đại biểu được bầu sẽ đại diện cho ý nguyện của cử tri, quan tâm hơn nữa đến đời sống nhân dân”.
Người dân hăng hái đi bầu cử từ sớm (Ảnh: Đăng Đức)
Ghi nhận tại huyện Hải Lăng, Đại tá Vũ Chiến Thắng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị đã bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại khu vực bỏ phiếu số 2 xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng.
Thời tiết mát dịu tại Thừa Thiên - Huế trong ngày hôm nay đã tạo thuận lợi cho người dân đi bỏ phiếu... Anh Trần Văn Đức, 37 tuổi, trú tổ dân phố Hải Thành, thị trấn biển Thuận An, huyện Phú Vang chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 mình đi bầu cử. Không khí bầu cử năm nay rất hoành tráng, trang trí đẹp. Mình muốn bầu những người tài giỏi để xây dựng đất nước, thị trấn, địa phương đi lên, nhất là vùng quê mình ngày càng có nhiều ngư dân bám biển”.
Không khí bầu cử rộn ràng từ sớm tại huyện miền biển Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Đặng Tiến Tùy, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Phú Thuận, huyện Phú Vang trao đổi, trong 5.672 cử tri tại địa phương với 6 tổ bầu cử thì có hơn 50% là ngư dân. Trước bầu cử, địa phương đã hỗ trợ, phát gạo tiền đầy đủ tới 100% ngư dân có thiệt hại trong đợt cá chết vừa qua nên tinh thần bà con rất phấn khởi. Hưởng ứng ngày bầu cử, tất cả thuyền ghe đánh bắt gần bờ và xa bờ đều ở lại trong ngày 22/5 để ngư dân đi bầu cử. Sau hơn 2 tiếng, vào 8h30’ sáng đã có gần 70% cử tri toàn xã đến bỏ phiếu.
Tính đến 9h sáng, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 877.808 cử tri thì đã có 580.519 người đã đi bầu, đạt tỷ lệ 66,13%. Một số huyện có tỷ lệ cử tri đi bầu cao như Nam Đông (93,23%), Quảng Điền (89,92%), A Lưới (89,96%), Phú Vang (77,76%).
Riêng tại huyện miền núi Nam Đông đã có 7 xã vào 8h45’ đã có 100% cử tri trong danh sách đi bầu; tại huyện miền núi A Lưới có 8 xã đạt 100% cử tri đi bầu; Thị xã Hương Trà có 1 xã hoàn thành việc bỏ phiếu. Tính toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 186 tổ bầu cử, 16 xã có 100% cử tri trong danh sách đã đi bầu cử.
Dòng người kéo dài nô nức đi bầu cử vào 6h30' tại khu vực bỏ phiếu số 1, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế
Người dân miền biển Thuận An chăm chú đọc tiểu sử và việc làm của cử tri
Mẹ dẫn con gái đến chung vui cùng ngày hội lớn
Bàn viết giúp cho người dân không biết chữ tại khu vực bỏ phiếu số 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang
Một nữ cử tri tại thị trấn Thuận An hồ hởi bỏ phiếu (Ảnh: Đại Dương)
Từ sáng sớm, các tổ, khu vực, phường ở TP Quy Nhơn (Bình Định) sẵn sàng cho buổi bầu cử (ảnh Doãn Công)
Tại Bình Định, cử tri Nguyễn Thị Ngọc Ánh (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) bầu cử tại điểm bầu cử khu phố 1 cho hay: “Các cử tri ứng cử lần này đều là những người có đức, có tài. Vì thế, tôi sẽ trọn những người nào vượt trội, những người đã có những đóng góp lợi ích thiết thực cho đất nước, cho nhân dân để chọn”.
Không khí bầu cử thực sự sôi động tại khu vực bầu cử của Trường ĐH Quy Nhơn. Trường ĐH này có 10 khu vực bỏ phiếu, với trên 14.000 sinh viên của 2 trường là ĐH Quy Nhơn và Cao đẳng nghề Bình Định.
Bỏ phiếu sớm trước 1 ngày ở "cổng trời" Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định
Trước đó, ngày 21/5 trên 1.773 cử tri thuộc 10 khu vực bỏ phiếu được tổ chức bầu cử sớm ở hai xã vùng cao Canh Liên, Canh Hiệp (huyện Vân Canh) và xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) đã nô nức đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Hơn 14.000 sinh viên 2 trường ĐH Quy Nhơn và CĐ Nghề Bình Định nô nức ngày bầu cử.
Những lá phiếu đầu tiên được các bạn sinh viên bỏ vào hòm phiếu (ảnh Doãn Công)
Ngay từ lúc 6h30 hôm nay (22/5), các cử tri ở đồng bằng, miền núi và đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi hồ hởi đến điểm bỏ phiếu. Đến khoảng 8h30, hầu hết các khu vực bỏ phiếu bầu cử đã cơ bản hoàn thành.
Cử tri tìm hiểu tiểu sử cán bộ ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trước khi quyết định bỏ phiếu.
Đồng bào H're tham gia bỏ phiếu bầu cử từ rất sớm.
Xúc động khi lần đầu tiên đi bỏ phiếu, sinh viên Dương Đàn Bảo Hà - trường ĐH Tài chính Kế toán bày tỏ: “Đối với sinh viên chúng em, mong muốn đại biểu ứng cử quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm, tạo điều kiện để sinh viên tốt nghiệp ra trường có công việc và môi trường để thử thách bản thân”.
Sau lễ khai mạc cùng với 69 triệu cử tri cả nước hàng triệu cử tri tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp hăng hái đi bầu cử với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm.
Chủ tịch UBND xã đảo Hòn Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết, theo kế hoạch sáng nay sẽ dùng ca nô rước một số cử tri sinh sống tại các hòn Rút Trong, Rút Ngoài đi bầu cử… nhưng do thời tiết xấu nên không thể dùng ca nô đón các cử tri.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Phú Quốc (Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc) đang chỉ đạo công tác bầu cử tại xã đảo Hòn Thơm cho biết: "Sáng nay do ảnh hưởng của gió nam và thời tiết có chút bất lợi nên ca nô không thể đến trụ cáp treo T3 (Hòn Dừa), trụ T4 (Hòn Gỏi) để đón công nhân bầu cử. Chúng tôi đang theo dõi tình hình thời tiết, nếu thời tiết tiếp tục xấu thì sẽ bố trí tàu đưa thùng thiếu phụ ra Hòn Dừa cho 170 công nhân đang ở hai hòn này bầu cử".
Tất cả các cử tri ở các Hòn Mây Rút Trong, hòn Mây Rút Ngoài, hòn Mây Rút đã vào xã, chỉ còn 1 trường hợp Ủy ban bầu cử đã liên hệ và cử tri này sẽ tự vào đất liền, xã hỗ trợ 500.000 đồng để cử tri lo chi phí vào xã bầu cử.
Do thời tiết xấu nên kế hoạch dùng ca nô đón công nhân, người dân ở các Hòn Gỏi, Hòn Dừa... chưa thể thực hiện được.
Hai cử tri bỏ phiếu đầu tiên tại tổ bầu cử số 16, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh: Nguyễn Hành)
Thiếu tướng Bùi Bé Tư - Giám đốc Công an tỉnh An Giang cùng các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ đơn vị bỏ phiếu
Sinh viên ĐH Đồng Tháp nô nức thể hiện quyền công dân qua lá phiếu của mình. (Ảnh: Nguyễn Hành)
Cùng với cả nước, từ 7 giờ sáng ngày hôm nay (22/5), gần 450 ngàn cử tri các dân tộc tỉnh biên giới Lào Cai hăng hái đi bầu cử.
Các huyện biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều lao động đi làm ăn xa, trong đó có hàng trăm lao động làm thuê ở bên kia biên giới cũng đã được chính quyền địa phương và gia đình gọi về nhà đi bầu cử. Các khách du lịch nội địa là cử tri tới thăm Sa Pa dịp cuối tuần và các địa điểm khác của tỉnh Lào Cai cùng lao động vãng lai là cử tri ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng được tạo điều kiện cho bầu cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh bỏ phiếu bầu cử tại địa bàn phường Pom Hán, thành phố Lào Cai. (Ảnh: PHạm Ngọc Triển)
Thời tiết trong ngày 22/5 ở vùng núi tỉnh Lào Cai có mưa nhỏ, trời mát, thuận tiện cho việc đi bầu cử. Tỉnh Lào Cai cũng đã có phương án cụ thể đối phó khi trời mưa to, lũ ống xuất hiện ở các địa bàn trọng yếu trong tỉnh, đồng thời các lực lượng vũ trang phối hợp với chính quyền cơ sở đảm bảo an ninh trật tự xã hội trong mọi tình huống.
Tại buôn AKo D’Hong (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) nhân dân các dân tộc phấn khởi cầm trên tay lá phiếu đến tại Nhà Văn hóa cộng đồng của buôn để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Người dân tộc trung tại khu vực bàn hướng dẫn của các cán bộ để được hiểu rõ các thủ tục cần thiết và tìm hiểu kỹ về các ứng cử viên.
Chị H’Nay Ê nuôl (20 tuổi, dân tộc Ê đê) vui mừng cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được đi bầu cử và rất mong muốn bầu ra những người xứng đáng hết lòng vì nhân dân, tổ quốc và quan tâm, chăm lo hơn nữa cho đời sống của đồng bào dân tộc tại chỗ”.
Bác Nguyễn Văn Lợi (74 tuổi) mặc dù đã đi bầu cử nhiều lần nhưng vẫn vô cùng phấn khởi: “Tôi đã tìm hiểu và đọc kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để bầu chọn người tài đức cho đất nước, giúp đất nước phát triển và mong muốn những người được nhân dân tín nhiệm sẽ phục vụ hết lòng cho lợi ích chung”.
Người dân các dân tộc tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng (Ảnh: Thúy Diễm)
Ông Y Krông Ê ban (52 tuổi) cho biết, sau khi được cán bộ đến tận nhà để đưa phiếu bầu cử cho gia đình mình, đến sáng nay ông cùng vợ và 2 con trai đã đến nhà văn hóa của buôn để bầu cử. “Tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi chính mình được bầu chọn ra các cán bộ cho dân cho nước, từ sáng sớm ngày hôm nay toàn buôn tôi của đều đi bầu cử, ngày hôm nay thực sự như một ngày hội lớn”, ông Y Krông nói thêm.
Sư thầy tham gia bầu cử (Ảnh: Thúy Diễm)
Theo ghi nhận, mới hơn 5h sáng, nhiều điểm bầu cử tại Bến Tre đã có người đến bỏ phiếu. Toàn tỉnh có hơn 950 ngàn cử tri tham gia bầu cử, 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và 21 đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 1.404 khu vực bỏ phiếu.
Cử tri Bến Tre nô nức tham gia bầu cử (Ảnh: Minh Giang)
Hàng vạn cử tri tỉnh Cà Mau cũng đến các điểm bầu cử để bỏ phiếu bầu Quốc hội và HĐND các cấp trong sáng ngày 22/5.
Cử tri xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau đi bỏ phiếu bầu. (Ảnh: Tuấn Thanh).
Một cử tri người dân tộc Khmer ở xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) chia sẻ: “Hôm nay tôi rất vui khi đi bỏ phiếu bầu người tài, đức cho đất nước. Tôi mong những người được chọn hãy quan tâm nhiều hơn đến đời sống của bà con dân tộc thiểu số, trong đó có người dân tộc Khmer và của người dân cả nước nói chung, để người dân có được cuộc sống tốt hơn nữa”.
Cử tri thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình háo hức đi bầu cử. (Ảnh: Tuấn Thanh)
Tại khu vực bỏ phiếu số 7 (đặt tại Nhà văn hóa 19/5), phường Trần Tế Xương, thành phố Nam Định, cử tri đã có mặt từ rất sớm. Nhiều phụ nữ mặc áo dài truyền thống đi bỏ phiếu.
Các cử tri nữ mặc áo dài truyền thống trong ngày bầu cử (ảnh: Đức Văn)
Sau Lễ khai mạc diễn ra, ông Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định cùng các cử tri ở đây đã bỏ những lá phiếu đầu tiên, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Tại Hà Nam, mặc dù sáng ngày 22/5 có xảy ra cơn mưa rào nặng hạt ở một số nơi, nhưng nhiều cử tri vẫn không quản mưa đến các khu vực bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình.
Từ sáng sớm các cử tri ở thành phố Phủ Lý đã đến các khu vực bỏ phiếu (ảnh Đức Văn)
Cũng trong sáng ngày 22/5, Phó Chủ tịch Quốc Hội, Tòng Thị Phóng đã đến Hà Nam kiếm tra công tác bầu cử. Điểm đầu tiên mà Phó Chủ tịch Quốc Hội kiểm tra là xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên.
Theo Dân trí