Hội nghị thống nhất đánh giá, trong nhiệm kỳ Quốc hội
Khóa XII, mặc dù có nhiều biến động về tổ chức do quá trình hợp nhất
theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới
hành chính thành phố Hà Nội nhưng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà
Nội đã nhanh chóng ổn định tổ chức, cố gắng hoàn thành kế hoạch và
chương trình đề ra. Các lĩnh vực, nội dung hoạt động của Đoàn thường
xuyên được đổi mới, chất lượng từng bước được nâng cao, đạt hiệu quả
thiết thực. Căn cứ chương trình xây dựng luật hàng năm, Đoàn Đại biểu
Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào 35 dự án
Luật dự kiến thông qua tại các Kỳ họp thứ 4, 5, 6, 7, 8 của Quốc hội; tổ
chức 213 hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp Quốc hội, thu hút
đông đảo cử tri tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và
trách nhiệm với Quốc hội. Hoạt động giám sát tiếp tục được nâng cao chất
lượng và hiệu quả, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm như: thực
hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quản lý quy
hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố, về ban hành văn bản quy phạm pháp
luật, về quản lý sử dụng đất của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước
trên địa bàn thành phố, về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất
lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, dạy nghề, việc triển khai các
dự án đường giao thông, khu công nghiệp... Từ ngày 1/8/2008 đến ngày
30/9/2010 các vị Đại biểu Quốc hội đã tiếp 2147 lượt công dân, nghe phản
ánh kiến nghị về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống, công tác
giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền,
tuyên truyền hướng dẫn công dân chấp hành đường lối của Đảng, sống, làm
việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cũng đã
tham gia tích cực, có trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng
tại các Kỳ họp Quốc hội.
Hội nghị cũng đã tập trung làm rõ những mặt tích cực,
những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và rút ra bài học kinh
nghiệm; đồng thời kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của
Quốc hội, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố
Hà Nội, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các Đoàn Đại biểu Quốc hội,
các vị Đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ được giao.
Thảo luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, cần
phát huy hơn nữa vai trò của các chuyên gia trong công tác xây dựng pháp
luật; tăng cường phối hợp giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội với Thanh tra
thành phố trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; tăng
cường công tác giám sát của Đoàn và các Đại biểu Quốc hội tại cơ sở...
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những kết quả quan trọng mà Đoàn Đại biểu
Quốc hội Hà Nội đã đạt được, góp phần vào thành tựu chung của Quốc hội
trong nhiệm kỳ Khóa XII, cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định
các vấn đề quan trọng của đất nước và công tác đối ngoại. Trong nhiệm kỳ
qua, mặc dù còn không ít tồn tại, nhiều việc chưa làm được, nhưng Đoàn
Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã hoạt động nền nếp, bài bản, tạo điều kiện
thuận lợi cho các vị Đại biểu Quốc hội phát huy được vai trò Đại biểu
nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng
định: Việc tổ chức các Đoàn Đại biểu Quốc hội là cần thiết và phù hợp
với thực tiễn, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đây là kênh kết nối giữa
Trung ương với địa phương, giữa Quốc hội với cử tri, tạo điều kiện thuận
lợi cho các Đại biểu Quốc hội hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực tế, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có nhiều sáng kiến, đổi mới
trên cơ sở quy định của luật pháp, phù hợp với thực tiễn địa phương,
nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động: tiếp xúc cử tri, giải quyết
khiếu nại tố cáo, giám sát chuyên đề, giao lưu trao đổi kinh nghiệm với
các Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương khác.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả
hoạt động của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, cụ thể là Đoàn Đại biểu Quốc
hội Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ:
Trước hết, lãnh đạo Đoàn phải luôn chủ động, tìm tòi sáng tạo, đổi mới
phương thức hoạt động; tranh thủ các nguồn lực, điều kiện và môi trường
thuận lợi của Thủ đô; đồng thời phát huy vai trò trung tâm của từng Đại
biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp
của các ngành, các cấp ở địa phương, có ý nghĩa quan trọng. Đoàn Đại
biểu Quốc hội Hà Nội phải luôn gần gũi cử tri, nhân dân, thường xuyên
tiếp xúc, lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu giải quyết các ý kiến xác đáng
của cử tri. Ngoài ra, việc chăm lo xây dựng một bộ máy giúp việc chuyên
nghiệp, bài bản, sẽ tạo cơ sở cho Đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu
Quốc hội hoạt động thuận lợi và có hiệu quả cao hơn. Tổng Bí thư, Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong rằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội
sẽ tiếp tục hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn cho đến hết
nhiệm kỳ Khóa XII, đồng thời chuẩn bị thật tốt cho bầu cử Đại biểu Quốc
hội Khóa XIII.
Đánh giá cao những kết quả công tác của Đoàn Đại biểu
Quốc hội Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bí thư Thành ủy Phạm Quang
Nghị nêu rõ: Hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã góp phần
quan trọng vào việc xây dựng các chính sách phát triển lâu dài, bền vững
của Thủ đô Hà Nội, nhất là đóng góp xây dựng Luật Thủ đô, Quy hoạch
chung Thủ đô Hà Nội. Thông qua công tác giám sát, tiếp dân, giải quyết
đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội nói
chung, các vị Đại biểu Quốc hội nói riêng, đã góp phần giải quyết nhiều
vấn đề mà cử tri quan tâm, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà
nước, với nhân dân. Bí thư Thành ủy khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp
chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố
phát huy vai trò và những thành tựu đã đạt được, hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao, đóng góp xứng đáng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn
minh, đồng thời góp phần vào thành công chung của Quốc hội, của đất
nước./.
Thanh Bình