Trách nhiệm hiệp thương

22/03/2016 - 04:02 PM

Ngày 17/3, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai bầu cử ĐBQH khóa XIV đã thực sự nóng bởi bầu không khí dân chủ, thẳng thắn từ nhiều ý kiến trực diện của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến phản biện. Nhưng tựu trung tất cả đều trên một tinh thần xây dựng có trách nhiệm của  người Mặt trận khi ở trong vai trò hiệp thương, giới thiệu - nơi mà người dân đang đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng. 

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử ĐBQH khóa XIV của các cơ quan,
tổ chức đơn vị ở TƯ do Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức.

Một trong những nguyên tắc hoạt động của Mặt trận là Hiệp thương dân chủ. Hiệp thương, tự nó đã nói nên tính chất bình đẳng. Đây cũng chính là yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận phải đạt tới, tức là đảm bảo sự tin cậy, tôn trọng, không mang tính quyền uy để phối hợp thống nhất hành động nhằm tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội và nhân dân. Chính vì những nguyên tắc như vậy, trong các kỳ bầu cử, nhân dân đặt niềm tin vào các vòng hiệp thương của Mặt trận. Đặc biệt làm sao để không bỏ sót người tài đức, làm sao không giới thiệu nhầm người không đủ tiêu chuẩn ứng cử vào Quốc hội. 

Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai là một trong những nội dung quan trọng của quá trình chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa 14. Tại Hội nghị, các đại biểu lập danh sách sơ bộ những người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH đáp ứng các quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và Luật Hội đồng nhân dân đồng thời cho ý kiến về công tác tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú với người được cơ quan tổ chức ở Trung ương giới thiệu. Danh sách được Đoàn Chủ tịch nhất trí thông qua với 197 người, tuy nhiên, vẫn thiếu 1 người so với quy định được phân bổ. Trong đó, Chính phủ giới thiệu thiếu 1 người, Quốc hội thiếu 1, cơ quan bên Đảng lại thừa 1. 

Ông Lù Văn Que bày tỏ tiếc nuối khi cho đến thời điểm này danh sách giới thiệu vẫn thiếu 1 đại biểu. Đất nước có hơn 90 triệu người, không thể thiếu người tài để giới thiệu cho cử tri lựa chọn. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tạo sự cân bằng, có chọn lọc, để làm sao các giới, các thành phần đều thấy được trong Quốc hội có người đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình. 

Cơ cấu và chất lượng đại biểu là hai yếu tố song hành với nhau. Việc đảm bảo cơ cấu là cần thiết nhưng chất lượng đại biểu mới là yếu tố quan trọng quyết định đến hoạt động của Quốc hội, HĐND. Hiện nay, trong xu thế đổi mới, với yêu cầu ngày càng cao về vai trò, hiệu quả hoạt động của QH, HĐND, ông Lù Văn Que cũng như nhiều vị ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố chất lượng. 

“Danh sách phải có nhiều người để còn lựa chọn. Nếu danh sách chỉ giới thiệu chức vụ hơn nữa lại không có cơ quan nào xác minh phần kê khai tài sản như vậy rõ ràng chưa phản ánh được chất lượng người đại biểu” - ông Lù Văn Que nhấn mạnh. 

Kinh nghiệm cho thấy, tập trung lãnh đạo tốt ngay từ công tác chuẩn bị nhân sự theo quy trình là khâu then chốt bảo đảm thành công trong công tác bầu cử . Điều này không hề đơn giản vì nhận xét và đánh giá một con người  không thể tùy thuộc vào một thời điểm mà phải là một quá trình, ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống. Muốn hiểu rõ đức, tài của một cá nhân nào đó chỉ có một cách là thông qua các tổ chức thành viên mà các vị đó tham gia sinh hoạt, hoạt động. Đặc biệt, để người dân hiểu đầy đủ về đại biểu ứng cử, từ đó có quyết định sáng suốt về người đại diện cho mình thì cần tạo mọi điều kiện cho các đại biểu ứng cử được tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn. Chúng ta đều hiểu, việc giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri không phải chỉ khi đại biểu đã được cử tri bầu vào cơ quan dân cử, mà phải được bắt đầu từ khi họ là người ứng cử. 

Vì thế phải có cơ chế hợp lý, khả thi cho việc giới thiệu người ứng cử, tạo ra không gian đối thoại giữa cử tri và người ứng cử. Vấn đề còn lại là sự sáng suốt của các lần hội nghị hiệp thương. Cho nên, hội nghị hiệp thương phải tổ chức dân chủ, đầy đủ các quy trình, đúng luật. 

Hiệp thương dân chủ đã được kiểm nghiệm qua nhiều lần bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp và ngày càng được hoàn thiện. Cuộc bầu cử lần này được điều chỉnh bởi nhiều luật mới, sửa đổi bổ sung theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Đó là các Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015. Thông tri của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã nêu rõ, công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ về thời gian quy định cho từng công việc và chất lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu... 

Và như vậy một tinh thần dân chủ- bình đẳng đang được đặt lên trên hết tại các hội nghị hiệp thương của Mặt trận, không chỉ ở trung ương mà còn lan tỏa ở Mặt trận các địa phương. Nói như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, không có bất cứ phân biệt nào giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử, kể cả việc tiếp xúc cử tri, giới thiệu chương trình hành động cũng như giới thiệu qua các cơ quan truyền thông đều bình đẳng. 

Quyền lựa chọn cuối cùng thuộc về nhân dân. Tin rằng việc tiến hành các bước hiệp thương thật tốt, dân chủ, đúng pháp luật và có số dư hợp lý để người dân lựa chọn được những người có đủ đức tài sẽ góp phần tạo nên cơ cấu của một Quốc hội- đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.  

 Lê Na

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020