Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 19-5 đã tiếp tục cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông bằng việc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Hơn nữa, Trung Quốc còn đem theo một đoàn tàu hộ tống lớn, trong đó có tàu chiến và dùng tàu đâm, phun vòi rồng với tần suất cao vào tàu Việt Nam là hành động dùng vũ lực đe dọa trực tiếp Việt Nam; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với các nước ASEAN năm 2002.
Theo Tổng thống Philippines, các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông là một hồi chuông báo động đối với nhiều nước trong khu vực. "Theo quan điểm của chúng tôi, những gì họ (Trung Quốc) đang làm đã vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)” – ông Aquino nhận định – "Vấn đề là DOC không có ràng buộc pháp lý, vì vậy chúng ta cần phải có Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để giải quyết các tranh chấp, tránh xung đột”.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines cũng tung ra một số bức ảnh chụp từ máy bay cho thấy hoạt động cải tạo bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thông tin từ Manila còn cho hay Trung Quốc đang dự định xây dựng một đường băng tại đây.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 18-5, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cũng tiếp tục lên án hành động của Trung Quốc trong việc neo hạ giàn khoang HD-981 là hành động khiêu khích và gia tăng căng thẳng trong khu vực. "Chúng tôi coi hành động đó mang tính khiêu khích và hủy hoại mục tiêu mà chúng ta cùng chia sẻ, đó là giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này và ổn định chung trong khu vực” – ông Carney cho hay.
Người phát ngôn Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp nhưng ủng hộ việc các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa hay ép buộc lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hãng truyền thông DW của Đức ngày 19-5 cũng đăng tải bài phân tích của tác giả Rodion Ebbighausen, trong đó nói rằng bằng việc hạ neo giàn khoang HD-981, Trung Quốc không chỉ vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển, mà còn phá vỡ các cam kết quốc tế như Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông. Bài viết cũng cho rằng hành động của Bắc Kinh dường như đang thách thức cam kết bảo vệ đồng minh châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Một học giả người Đức khác, ông Wilfried Lulei - nhà khoa học nghiên cứu về châu Á – cũng khẳng định hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Giáo sư Lulei nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế, không được các nước liên quan trong khu vực chấp nhận và cũng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới.
Giáo sư Lulei cũng tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Việt Nam, theo đó yêu cầu Trung Quốc phải lập tức ngừng các hành động của nước này, tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển cũng như tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết năm 2002.
Trước đó, một số học giả Nga cũng lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. TTXVN dẫn lời Tiến sĩ Sử học Grigori Lokhshin, chuyên gia Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga phân tích: Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD -981 tại vùng biển đối diện với tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam là hết sức nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, Trung Quốc đã chuyển từ lời nói, yêu sách, tuyên bố… sang hành động cụ thể. Giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc đã được chuẩn bị từ lâu và tiêu tốn một khoản tiền lớn (1 tỷ USD), nay được đưa vào khu vực Biển Đông với hơn 80 tàu hộ tống.
K.D (Tổng hợp) - theo Báo Đại Đoàn Kết |